Nhân rộng mô hình khuyến đọc, khuyến học mới

Huy động sự chung tay của cộng đồng, tại tỉnh Bắc Ninh, phong trào khuyến đọc, khuyến học được lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ tới làng xã, gia đình, dòng họ, hình thành phong trào tự đọc, tự học; góp phần xây dựng phong trào khuyến học mới, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng quê hương hiện đại, văn minh.
0:00 / 0:00
0:00
Thư viện làng cò Đông Xuyên là điểm đến yêu thích của người dân địa phương và các em học sinh.
Thư viện làng cò Đông Xuyên là điểm đến yêu thích của người dân địa phương và các em học sinh.

ĐIỂM SÁNG THƯ VIỆN LÀNG CÒ ĐÔNG XUYÊN

Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2020, “Thư viện làng cò Đông Xuyên” (xã Đông Tiến, huyện Yên Phong) - tên gọi dân dã cho mô hình thư viện gia đình do bà Đào Thị Khanh và ông Cao Văn Hà, Chủ tịch danh dự Quỹ Khuyến học “Ước mơ lớn”, Trưởng ban Tư vấn Hội Khuyến học xã Đông Tiến sáng lập và quản lý, đã trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo người dân, thầy và trò trên địa bàn.

Đến với thư viện ngay sau giờ tan trường, em Trương Trọng Quyền, học sinh lớp 9A4, Trường trung học cơ sở Đông Tiến (huyện Yên Phong) chia sẻ: “Được thầy cô và bạn bè giới thiệu, hơn hai năm nay em là độc giả trung thành của thư viện. Thư viện có rất nhiều sách với nội dung phong phú, nhưng em thấy hứng thú nhất với sách lịch sử và nghiên cứu khoa học. Sách đã mang đến cho em nhiều kiến thức bổ ích, mở ra những chân trời tri thức mới khiến em thấy mình phải cố gắng trau dồi học tập hơn nữa, để từ những trang sách có thể khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia, làm những điều có ích cho xã hội”.

Sau hơn 5 năm thành lập, từ gần 5.000 đầu sách đầu tiên, đến nay, Thư viện làng cò Đông Xuyên đã có hơn 10.000 đầu sách gồm nhiều thể loại, phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau, vượt xa quy mô của một thư viện gia đình. Thư viện mở cửa thường xuyên vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, thu hút 70-90 độc giả mỗi ngày.

Bà Đào Thị Khanh cho biết, thư viện được lập lên bằng tình yêu quê hương, đất nước, với mong muốn mang tri thức đến gần hơn với độc giả nên đã nhận được sự ủng hộ cả về vật chất, tinh thần rất lớn. Để thu hút bạn đọc, nhất là học sinh, bên cạnh việc cải tạo, xây dựng không gian đọc sách xanh, sạch, đẹp, thư viện có nhiều hoạt động truyền cảm hứng thông qua các buổi tọa đàm, giới thiệu sách mới, tặng sách, tôn vinh bạn đọc tiêu biểu, chia sẻ kinh nghiệm đọc sách, phương pháp học tập, giới thiệu nét đẹp văn hóa quê hương...

Được định hướng là thư viện điểm của xã Đông Tiến, thời gian qua Thư viện làng cò Đông Xuyên đã nhận được sự phối hợp của Thư viện tỉnh Bắc Ninh trong việc quản lý, mã hóa đầu sách, luân chuyển sách, báo góp phần làm phong phú số lượng sách và tạo điều kiện thuận lợi phục vụ bạn đọc.

PHÁT HUY HIỆU QUẢ MÔ HÌNH KHUYẾN HỌC MỚI

Theo ông Cao Văn Hà, những hiệu quả tích cực từ Thư viện làng cò Đông Xuyên là động lực để xã Đông Tiến xây dựng các tủ sách gia đình, dòng họ, phát huy hiệu quả mô hình khuyến học mới. Từ tháng 11/2022, chương trình Phát triển tủ sách gia đình, dòng họ được phát động trên toàn xã Đông Tiến, đến nay đã có hơn 300 tủ sách gia đình, 3 tủ sách dòng họ. Cùng với đó, mô hình thư viện xanh và tủ sách lớp học trong trường học trên địa bàn cũng giúp hoạt động đọc sách của thầy và trò được phát huy.

Được biết, sau 5 năm triển khai xây dựng Mô hình khuyến học mới và Quỹ “Ước mơ lớn” (2019-2024), từ xã có phong trào giáo dục, khuyến học trung bình, Đông Tiến đang trở thành điểm sáng của huyện Yên Phong và tỉnh Bắc Ninh. Mô hình khuyến học mới của xã đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân thi đua khuyến học, với 5 trụ cột chính: gia đình, dòng họ, khu dân cư, nhà trường và hội phụ nữ. Toàn xã có gần 900 tập thể, cá nhân được Quỹ “Ước mơ lớn” vinh danh; số học sinh giỏi các cấp, đỗ đại học và số người đạt học vị thạc sĩ, tiến sĩ tăng dần qua các năm.

Tích cực hưởng ứng xây dựng tủ sách cộng đồng, đến nay, Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã triển khai được 28 “Tủ sách Chi hội” thuộc 23 xã, thị trấn; 1.224 hộ tham gia “Tủ sách gia đình”. Các cấp hội tặng hơn 4.100 cuốn sách các loại, 10 tủ sách và các trang thiết bị phòng đọc sách cho các cơ sở hội. Nhiều trường học trong tỉnh đã tổ chức thư viện mở để học sinh có thể tự do đến đọc và mượn sách mang về.

Ngành giáo dục tỉnh đã tổ chức Ngày hội đọc sách; các cuộc thi kể chuyện, vẽ tranh theo sách; trưng bày, tuyên truyền giới thiệu sách; trang trí mô hình sách nghệ thuật; quyên góp, ủng hộ sách cho thư viện... mang đến những trải nghiệm lý thú, hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách và hình thành văn hóa đọc trong trường học.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nghiêm Văn Hách thông tin: Chú trọng phát triển văn hóa đọc, trong đó nổi bật là các chuỗi sự kiện thông qua Ngày sách và Văn hóa đọc được tổ chức hằng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương của Bắc Ninh đã hưởng ứng và phát động phong trào đọc sách trên phạm vi toàn tỉnh. Qua đó, sách và giá trị của tri thức đã được tôn vinh, khẳng định vị thế quan trọng trong xã hội. Hệ thống tủ sách gia đình, dòng họ, tủ sách lớp học, thư viện tư nhân, tủ sách tại các điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ cộng đồng ngày càng phát triển và nhân rộng ở nhiều địa phương; thể hiện sự chung tay, góp sức của toàn dân trong việc xây dựng một xã hội học tập. Đồng thời nâng cao nhận thức của nhân dân về việc đọc sách, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hiến, hiếu học của người Bắc Ninh - Kinh Bắc.