Ðền thờ Bác Hồ ở Cà Mau

Ðền thờ Bác Hồ ở Cà Mau

Ngôi đền giờ đây khang trang, đẹp hơn nhiều và trở thành khu di tích lịch sử, văn hóa của huyện Thới Bình. Nhiều người dân ở đây nhớ lại: Ngày Bác đi xa, người dân trong xã rất đau buồn, ai cũng khóc vì tôn kính, nhớ thương Bác. Ngày ấy, chiến tranh ác liệt. Dù phải thường xuyên sống dưới làn bom đạn của kẻ thù, nhưng với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường; với lòng quyết tâm cao, biến đau thương thành sức mạnh, nhân dân trong xã vẫn tổ chức trang nghiêm lễ truy điệu Bác.

Gần 40 năm, đền thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực là nơi thiêng liêng, trở thành khu di tích, văn hóa, lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng gắn liền với cuộc sống của người dân huyện Thới Bình. Ngày nay, không chỉ có các em học sinh, thanh thiếu niên, nhân dân trong vùng mà còn có cả những đồng chí, đồng đội cùng chiến đấu năm xưa lại hẹn gặp nhau mỗi năm vào ngày sinh và ngày mất của Bác để dâng hương, bày tỏ tấm lòng tôn kính, thương nhớ và báo công với Bác Hồ.

Sau ngày Bác Hồ đi xa, nhiều nơi trong tỉnh Cà Mau được Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng hơn 20 đền thờ Bác. Do chiến tranh ác liệt, cho nên vật liệu xây dựng các đền thờ Bác trong vùng giải phóng chủ yếu bằng cây gỗ địa phương. Các đền thờ đều có nhà hội, nhà khói để nấu nướng mỗi khi đến ngày giỗ Bác; có hành lang, sân vườn rộng, cây xanh thoáng mát, có cầu bắc ra kênh, rạch với mặt tiền, mặt hậu sau trước để xuồng ghe dễ cặp bến khi bộ đội, cơ quan và nhân dân đến hành lễ. Ðặc biệt, đây cũng là nơi thiêng liêng cho nên các cơ quan, dân quân du kích, bộ đội chủ lực dâng hương xuất trận và khi thắng trận về lại dâng hương báo tin vui với Bác. Hồi ấy, xây dựng đền thờ Bác là quá trình hết sức khó khăn bởi vừa xây dựng, vừa chiến đấu quyết liệt với địch để bảo vệ bằng mọi giá "chúng phá, ta xây lại ngay". Ở những nơi có đền thờ Bác, mọi người từ già đến trẻ đều tự nguyện tham gia vào dân quân tự vệ, du kích canh gác, cảnh giới sẵn sàng đánh địch, bảo vệ đền thờ Bác.

Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh Cà Mau đã hình thành nhiều thị trấn và cụm tuyến dân cư mới. Ðể đáp ứng nguyện vọng, tình cảm, tấm lòng sâu nặng, tỏ lòng thành kính của nhân dân Ðất Mũi Cà Mau đối với Bác Hồ, Ðảng bộ, chính quyền nhiều nơi đã cho xây mới, tôn tạo, nâng cấp lại đền thờ Bác trang trọng hơn. Tại tất cả đền thờ, phủ thờ Bác thường xuyên có người chăm sóc, quét dọn và trông coi hương khói. Ngoài các đền thờ Bác ở trên, còn có các đền thờ tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển; thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước; thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi..., đều được xây dựng tại Cà Mau không lâu sau ngày Bác mất. Riêng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Cà Mau được xây dựng gần 20 năm qua, ngay trong Công viên văn hóa trung tâm, được xây dựng theo mô hình giống nhà sàn của Bác tại Hà Nội. Ngày nay, ở mỗi đền thờ Bác là khu di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với đời sống của nhân dân Ðất Mũi Cà Mau. Mỗi năm vào ngày sinh, ngày Bác đi xa hoặc các ngày lễ trọng đại của đất nước, người dân Cà Mau mang hoa quả đến viếng, dâng hương, tỏ lòng tôn kính, thương nhớ Bác. Các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các cụ già kể cho con cháu nghe công ơn sâu nặng, sự hy sinh cao cả, tấm gương bình dị, đạo đức cách mạng ngời sáng của Bác và qua đó giáo dục, khơi dậy truyền thống đoàn kết, yêu nước... phấn đấu xây dựng quê hương Ðất Mũi Cà Mau ngày càng giàu đẹp, hạnh phúc.