Là người suốt đời “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng thiết tha chia sẻ về khát vọng của mình như sau: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”... Đó là hạt nhân của ý chí đã thôi thúc Người bôn ba khắp các phương trời, vượt qua muôn ngàn chông gai thử thách để tìm đường cứu Dân, cứu Nước. Vậy mà ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Hồ Chí Minh lại viết: “Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Văn hóa phải làm cho mọi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình được hưởng”.
Đây chính là nấc thang cao nhất của toàn bộ cuộc đấu tranh giải phóng con người, giải phóng xã hội. Cho đến khi ngồi tu sửa bản thảo Di chúc lần cuối cùng, điều mà Hồ Chí Minh đau đáu nhất vẫn là chăm lo đến hạnh phúc, tự do của các tầng lớp nhân dân sau khi cuộc kháng chiến đã kết thúc thắng lợi. Lần giở lại từng trang viết của Người, lòng chúng ta nghẹn dâng cảm xúc, như thấy Bác tha thiết, nghiêm cẩn viết riêng một dòng:
“Đầu tiên là công việc đối với con người”.
Dường như Bác cố gắng suy tư để dặn dò Đảng và Nhà nước phải chăm lo đến hạnh phúc của từng tầng lớp, mỗi nhóm người dân, không quên bất kỳ ai trong những lời dặn dò cuối cùng của Người: chính sách đối với bộ đội, thanh niên xung phong, thương binh, gia đình liệt sĩ, đối với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, phụ nữ, nông dân, công nhân, học sinh, trí thức, đồng bào dân tộc thiểu số, v.v. và đến cả những “nạn nhân của chế độ xã hội cũ”. “Quên nỗi mình đau để nhớ chung” - Bác yêu cầu Đảng và Nhà nước ta phải nhận thức: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang”, cho nên “phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”; “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, làm cơ sở để “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Bác còn động viên chúng ta: “Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Thấm nhuần và nghiêm túc thực hiện lời di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sau khi hoàn thành sự nghiệp chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng nỗ lực triển khai những quyết sách chiến lược để xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và chăm lo ngày một tốt hơn đến hạnh phúc, tự do của Nhân dân. Năm 1986 Đảng khởi xướng công cuộc Đổi mới với phương châm “Lấy dân làm gốc”, ba chương trình kinh tế lớn (phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hàng xuất khẩu) trước hết đều nhằm tháo gỡ khó khăn gay gắt, trực tiếp cải thiện đời sống nhân dân.
Mục tiêu bao trùm của chúng ta trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, không thể là gì khác hơn, mà chính là để bảo đảm tương lai, hạnh phúc của toàn dân tộc trên một tầm cao mới của thời đại, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Trên lộ trình gần 40 năm Đổi mới, dù trải qua những thử thách sống còn, nhưng phương châm đó không bao giờ thay đổi. Trong cuộc chiến vĩ đại chống đại dịch Covid-19, Việt Nam là nước duy nhất tuyên bố nguyên tắc cao nhất là “không ai bị bỏ lại phía sau” và đã nghiêm túc đồng lòng thực hiện nguyên tắc đó để đi qua đại dịch. Cũng chính thời điểm cả nước và toàn thế giới phải gồng hết sức mình đương đầu với đại dịch thế kỷ đó, Đại hội XIII của Đảng họp và tiếp tục hoàn chỉnh phương châm chính trị của thời kỳ Đổi mới. Văn kiện của Đại hội ghi rõ: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Trước những yêu cầu mới, cấp bách của kỷ nguyên mới, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khởi xướng nhiều quyết sách chiến lược mới để đất nước vươn mình. Trước mắt toàn Đảng, toàn dân cùng chung sức đồng lòng thực hiện đồng bộ ba giải pháp chiến lược: đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy, tổ chức lại các không gian phát triển trên toàn quốc, nâng cao năng lực hệ thống quản trị quốc gia; và tập trung mọi nguồn lực để phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu về trình độ phát triển.
Có thể nói đó chính là cách biểu đạt mới của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về khát vọng của Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới.
Chăm lo, bảo đảm hạnh phúc của nhân dân, đồng thời ngay từ những ngày đầu tiên của chế độ mới, dù trong lúc thế vận đất nước còn đang như “nghìn cân treo sợi tóc” bởi “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai mở tầm nhìn truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai và cho toàn dân tộc, rằng nước Việt Nam ta phải “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”.
“Sánh vai với các cường quốc năm châu” là khát vọng của dân tộc Việt Nam được truyền thừa từ đời này qua đời khác với những hình thức biểu đạt khác nhau. Thuở xưa, đó là khát vọng, là tâm thế tự cường sánh ngang Nam - Bắc “mỗi bên hùng cứ một phương”; “tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Đến đầu thế kỷ XX, khi bước ra thế giới “mưa Âu, gió Á” thì Phan Bội Châu đã mơ ước đến một ngày nước “Tân Việt Nam” được độc lập, tự do và cường thịnh, được các cường quốc năm châu nể trọng.
Khát vọng hùng cường đó càng được sục sôi nung nấu trong Thời đại Hồ Chí Minh, càng bùng cháy mãnh liệt và tỏa sáng rạng ngời ngay cả khi phải đương đầu với hàng chục triệu tấn bom đạn của thực dân, đế quốc. Ngày 17/7/1966, Hồ Chí Minh từng đanh thép khẳng định: “Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trong Di chúc, Người cũng một lần nữa gửi gắm khát vọng cháy bỏng của mình: “Còn non, còn nước, còn người / Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.
Vì vậy, việc Đảng ta khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chính là nhằm hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của bao thế hệ người Việt Nam đã không tiếc máu xương quyết giành lấy cơ hội cho Tổ quốc độc lập, thống nhất, hòa bình, phát triển và “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Bứt phá để phát triển nhanh và bền vững trong thời đại ngày nay cũng chính là đòi hỏi sống còn, là thách thức lịch sử đối với tương lai, vận mệnh của dân tộc ta. Sau gần 40 năm Đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”. Thế giới ngày nay đang bước vào kỷ nguyên mới với quá trình toàn cầu hóa tăng tốc, toàn diện trên nền tảng của cách mạng công nghiệp mới (4.0), với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về đổi mới sáng tạo, tức là về tốc độ đổi mới tri thức và tốc độ rút ngắn vòng đời công nghệ. Điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện thành công chiến lược phát triển rút ngắn cũng có, nhưng nguy cơ bị tụt hậu ngày càng xa hơn, trở thành “bãi rác khoa học công nghệ” cũng rất lớn và hiện hữu.
Trong bối cảnh đó, chúng ta không có lựa chọn nào khác, nhất định phải tập trung mọi nguồn lực, đoàn kết toàn dân, san bằng mọi trở ngại, khai thông mọi điểm nghẽn để bằng trí tuệ, bản lĩnh, tinh hoa văn hóa Việt Nam chủ động hội nhập, làm chủ các đỉnh cao khoa học, các công nghệ lõi, công nghệ chiến lược, tạo nên nguồn xung lực mới mạnh mẽ để đạt được mức độ tăng trưởng nhanh liên tục trong vài ba thập kỷ. Chỉ có như vậy Việt Nam ta mới thoát khỏi tụt hậu, gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia phát triển tiên phong.
Đó là con đường duy nhất để chúng ta hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: bảo đảm hạnh phúc, tự do cho nhân dân và đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.