“Đổi mới tư duy pháp luật từ quản lý sang phục vụ”

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 17/5, các đại biểu thảo luận tại tổ về một số dự án luật. Tại Tổ 1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu một số ý kiến, yêu cầu thay đổi tư duy từ pháp luật quản lý sang pháp luật phục vụ và kiến tạo phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Sửa đổi Luật Đấu thầu để người bệnh được tiếp cận kỹ thuật điều trị hiện đại.
Sửa đổi Luật Đấu thầu để người bệnh được tiếp cận kỹ thuật điều trị hiện đại.

Xây dựng pháp luật bảo đảm tính dự báo cao

Chiều 17/7, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…

Phát biểu ý kiến tại Tổ 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Hệ thống pháp luật hiện nay có quá nhiều điều chồng chéo, mâu thuẫn, sửa điều này lại vướng điều kia. Quốc hội dù làm việc rất tích cực nhưng vẫn chủ yếu mới sửa đổi một số điều, chưa thể giải quyết tổng thể vì luật nọ liên quan đến luật kia, “rất phức tạp”; “hệ thống luật pháp như một đội hình chạy mà chưa thẳng hàng, người nọ phải chờ người kia. Nếu chờ cho chỉnh tề mới chạy thì thiên hạ đã đi trước mình rất xa”. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới được ban hành mới đây là để kiến tạo một hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch, tạo một môi trường ổn định cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, loại bỏ triệt để các rào cản do những chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống luật pháp gây ra.

Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định quan điểm phải đổi mới căn bản tư duy pháp luật, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo cho sự phát triển. Đó là tư duy rất mới. Nếu chúng ta không có tư duy đó, rất khó để đồng bộ, rất khó để thống nhất, rất khó để thông qua được vì đấy là mạch rất quan trọng. Việc xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, phải bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển một cách nhanh chóng. Thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, thực chất, gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện tối đa cho người dân, cho doanh nghiệp, cho toàn xã hội. Cùng với đó là phải phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin cho, triệt tiêu các lợi ích cục bộ và các đặc quyền nhóm.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, việc sửa đổi một số điều của các dự án luật được thảo luận chiều 17/5 cũng nằm trong kế hoạch thực hiện mục tiêu đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong bối cảnh đổi mới, “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “trong quá trình chạy, người nọ đợi người kia cho thẳng hàng”.

Người bệnh không tiếp cận được thuốc tốt

Phát biểu ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Luật Đấu thầu hiện tại mang trong mình “bốn tội rất nặng” - những “tội” không chỉ là lỗi kỹ thuật lập pháp mà là những hệ lụy thực tiễn, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của đất nước. Đó là: Làm chậm tiến độ phát triển nội lực; kéo theo sản phẩm, công trình kém chất lượng; lãng phí nguồn lực và làm hỏng, làm mất cán bộ”.

“Với đấu thầu, riêng quy trình không đã hết cả năm. Mấy tháng chọn thầu, mấy tháng mở thầu, mấy tháng chấm thầu. Như vậy làm gì còn thời gian thực thi trong khi tiền ngân sách cho trong năm, không được để tiền năm nay tiêu cho sang năm. Tôi thấy như vậy thật khó. Đầu tư công quý I thấp nhất do vướng các thủ tục. Do đó, muốn sửa Luật Đấu thầu phải tổng kết lại xem “ông đấu thầu” có những tội gì. Tội nặng lắm. Tội chậm tiến độ phát triển, chậm công trình, chất lượng kém, tội hư hỏng, mất cán bộ và không tiết kiệm. Mục tiêu của đấu thầu để hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ và có những công trình tốt, nhưng không làm được. Vậy phải làm sao để chữa được bệnh này”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Ông cũng nhắc lại, khi làm việc với Bộ Y tế đã đặt vấn đề với đấu thầu thuốc như đấu giá thì người bệnh Việt Nam không có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ trên thế giới. Cũng từ đó sinh ra phải xách tay, ngoài luồng, tạo cơ hội cho buôn lậu, hàng giả. Trong khi bệnh viện vẫn phải cấp thuốc nhưng thuốc không ai uống, rất lãng phí. “Tôi hỏi những máy móc tiến bộ nhất, công nghệ hay nhất, người bệnh Việt Nam có được tiếp cận không? Với cơ cấu như thế này không bao giờ tiếp cận được, thuốc tốt không có. Đây chính là tội của ai? Tội của các quy định này, của việc thực thi các quy định này. Làm sao phải chữa được vấn đề này?”, Tổng Bí thư đặt câu hỏi.

Nêu thêm vấn đề trong đấu thầu, Tổng Bí thư dẫn chứng: “Nói làm đường có máy nọ máy kia, nhưng thực tế bán đến F9, F10, công nhân vẫn ngồi gánh đá, đập đá có thấy máy móc nào. Những trường hợp như thế tại sao không lên án, tố cáo, ngậm đắng nuốt cay dù tiền của mình!”.

Chính vì vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, việc sửa đổi Luật Đấu thầu và các luật liên quan là yêu cầu cấp bách để tháo gỡ những điểm trũng về giải ngân đầu tư công và hợp tác công - tư, tránh lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, muốn sửa Luật Đấu thầu thì phải tổng kết xem đấu thầu đã gây ra những gì. Tổng Bí thư khẳng định, việc sửa đổi luật không phải làm theo phong trào hay lý thuyết, mà xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Làm luật là để phục vụ công cuộc đổi mới đất nước, không phục vụ lợi ích nhóm hay cục bộ. Để thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và phát triển kinh tế bền vững, cần phải xem xét lại toàn diện hệ thống luật pháp, mà trong đó Luật Đấu thầu là một trong những điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ kịp thời để khơi thông nguồn lực, giải ngân đầu tư công nhanh, hợp tác công - tư minh bạch và đặc biệt là phải làm sao để ngăn chặn tiêu cực trong đấu thầu.