Thế khó của EU

Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) ngày 6/5 đã công bố kế hoạch dần loại bỏ nhập khẩu khí đốt Nga từ nay đến cuối năm 2027, Hungary đã lên tiếng phản đối, cho rằng động thái này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của Budapest. Thế khó của Liên minh châu Âu (EU) hiện nay chính là chưa tìm được nguồn cung thay thế từ Nga, nếu có cũng rất tốn kém.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: GIANFRANCO
Biếm họa: GIANFRANCO

Theo Reuters, phát biểu ý kiến tại buổi công bố kế hoạch, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen cho rằng, đã đến lúc EU cần xem xét chấm dứt hoàn toàn quan hệ năng lượng với những đối tác không còn bảo đảm độ tin cậy.

Theo thông cáo báo chí của EC, kế hoạch mang tên “REPowerEU” (tạm dịch là “Tái tạo năng lượng EU”) sẽ được triển khai theo hai giai đoạn. Trước mắt, EU dự kiến ngừng ký mới các hợp đồng nhập khẩu khí đốt và chấm dứt toàn bộ hợp đồng giao ngay với Nga trước cuối năm 2025. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp giảm một phần ba lượng khí nhập từ Nga ngay trong năm nay. Trong giai đoạn tiếp theo, EU hướng tới mục tiêu dừng hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí qua đường ống, trước cuối năm 2027.

Theo thông cáo báo chí của EC, lộ trình mới đề ra kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn và yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa 27 quốc gia thành viên để ngừng nhập khẩu khí đốt tự nhiên, dầu mỏ và vật liệu hạt nhân từ Nga. Ủy viên Năng lượng EU Dan Jorgensen nêu rõ, với kế hoạch này, EU muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng là sẽ không để vấn đề năng lượng tiếp tục bị khai thác như một công cụ gây sức ép và cũng không muốn các quốc gia thành viên rơi vào tình thế bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Mặc dù lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống đã giảm mạnh nhưng một số quốc gia châu Âu vẫn gia tăng mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga, được vận chuyển bằng đường biển. EU đang hướng tới việc cắt nốt cả nguồn cung này. Theo dữ liệu của EU, Nga đang cung cấp 17,5% lượng khí đốt cho khối. Con số này thấp hơn số liệu do Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) đưa ra là 19%. Theo IEEFA, Pháp đã tăng 81% lượng LNG nhập khẩu từ Nga trong giai đoạn 2023-2024, tương đương 2,68 tỷ euro (khoảng 3 tỷ USD).

Trước đó, Người phát ngôn của EC Paula Pinho cho biết, nguyên tắc cốt lõi của quá trình chuyển đổi năng lượng trong EU là “đa dạng hóa nguồn cung”. Việc dần loại bỏ nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ tạo điều kiện để châu Âu gia tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ, trong bối cảnh hai bên đang thúc đẩy đàm phán tháo gỡ căng thẳng thương mại liên quan đến vấn đề thuế quan. Mỹ hiện là nhà cung cấp LNG lớn nhất cho EU, chiếm hơn 45% thị phần.

Kế hoạch nói trên hiện vẫn chờ sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu (EP) và phần lớn nước thành viên. Trước đó, EU đã trì hoãn công bố kế hoạch này để theo dõi tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Nga liên quan cuộc xung đột ở Ukraine.

Mặc dù đầy tham vọng, song kế hoạch của EC vấp phải sự phản đối của một thành viên trong khối. Phát biểu ý kiến từ thị trấn công nghiệp Tiszaujvaros ở phía bắc Hungary, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Peter Szijjarto cho rằng kế hoạch của EC sẽ gia tăng gánh nặng không chỉ đối với Hungary mà còn đối với các quốc gia khác ở châu Âu, làm suy giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khu vực và đẩy giá năng lượng tăng cao. Theo ông Szijjarto, các nước thành viên EU có quyền quyết định về nguồn cung năng lượng của riêng mình. Ngoài ra, ông cũng chỉ ra rằng lựa chọn nguồn cung năng lượng của một số nước bị hạn chế do hạ tầng đường ống khí đốt hiện có gây ra.

Bên cạnh trở ngại khi tồn tại sự khác biệt trong quan điểm giữa các quốc gia thành viên, EU cũng phải đối mặt không ít thách thức để thực hiện mục tiêu nói trên. Một trong những vấn đề then chốt là đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, trong bối cảnh các kế hoạch tăng nhập LNG từ Mỹ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, giá mua khí đốt từ Mỹ cũng đối mặt chi phí gia tăng liên quan quá trình vận chuyển và giá thành đắt đỏ hơn so nhập trực tiếp từ Nga.

Theo số liệu của Viện Phân tích kinh tế và tài chính năng lượng (IEEFA), trong năm 2024, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của EU sau Na Uy, chiếm 18% lượng khí nhập khẩu qua đường ống và 20% lượng LNG. Trong khi đó, lượng LNG nhập khẩu từ Nga cũng chỉ đứng sau Mỹ, quốc gia chiếm 45% thị phần LNG nhập khẩu vào EU.