Tương lai tươi sáng

Mỹ đang xúc tiến kế hoạch cắt giảm số lượng binh sĩ tại Syria. Lộ trình giảm sự hiện diện quân sự của Lầu năm góc tới từ những cải thiện đáng kể về an ninh, cũng như các cam kết và hành động cụ thể của chính quyền quân sự ở Syria, nhằm tiến tới một tương lai tươi sáng cho người dân quốc gia Tây Á.
Biếm họa: SABIR NAZAR
Biếm họa: SABIR NAZAR

Báo The New York Times vừa tiết lộ nguồn tin đáng tin cậy từ Lầu năm góc cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm lực lượng quân đội tại Syria, giảm từ 2.000 xuống 1.400 binh sĩ và đóng cửa ba trong số tám căn cứ quân sự. Ba căn cứ trên gồm M.S.S. Green Village, M.S.S. Euphrates và một cơ sở khác đều nằm ở vùng đông bắc Syria. Đợt cắt giảm quân số này bắt đầu triển khai từ ngày 17/4 vừa qua. Sau 60 ngày, Lầu năm góc, Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) và các chỉ huy Mỹ sẽ quyết định xem có nên cắt giảm thêm quân số hay không.

Một quan chức quốc phòng Mỹ khuyến nghị cần giữ lại ít nhất 500 binh sĩ ở Syria, trong khi một nguồn thạo tin khác cho biết, Washington sẽ rút khoảng 600 quân khỏi Syria, chỉ để lại chưa đến 1.000 quân để phối hợp lực lượng người Kurd chống lại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Giới phân tích cho rằng nếu động thái này diễn ra, số lượng quân sẽ quay trở lại mức 900 binh sĩ mà Mỹ duy trì nhiều năm trước tại Syria.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng thúc đẩy việc rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Syria trong nhiệm kỳ đầu, song vấp phải sự phản đối của Lầu năm góc vì động thái này được xem là bỏ rơi đồng minh. Cuối tháng 12/2018, sau khi tuyên bố kết thúc chiến dịch chống khủng bố tại Syria kéo dài 4 năm do Mỹ dẫn đầu, Washington đã rút quân và duy trì khoảng 900 binh sĩ tại đây. Con số này tăng lên hơn 2.000 binh sĩ sau khi nổ ra cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel tại Dải Gaza vào ngày 7/10/2023.

Động thái giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria được cho là bắt nguồn từ những tiến bộ về an ninh và các cam kết có cơ sở trở thành hiện thực của chính quyền quân sự ở quốc gia Tây Á. Vào giữa tháng 4 vừa qua, Lữ đoàn số 8, một nhóm vũ trang lớn ở miền nam Syria, thông báo giải thể để hợp nhất với chính quyền quân sự của nước này. Lực lượng an ninh Syria bắt đầu thu thập vũ khí từ các chi nhánh của Lữ đoàn số 8 tại làng Maaraba, phía đông tỉnh Daraa. Lữ đoàn này nằm trong liên minh các nhóm vũ trang thành lập vào tháng 12 năm ngoái nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Trong bối cảnh đó, chính quyền quân sự Syria tích cực thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng và trong khu vực, nhằm khôi phục vị thế và uy tín của nước này trên trường quốc tế. Ngày 17/4 vừa qua, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani đã gặp Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa trong khuôn khổ chuyến thăm ngắn đến Thủ đô Doha (Qatar). Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng al-Sudani kêu gọi thúc đẩy một tiến trình chính trị toàn diện tại Syria, bảo đảm quyền lợi cho tất cả thành phần xã hội, tôn giáo và dân tộc. Ông cũng hối thúc chính quyền Syria thực hiện nghiêm các biện pháp đối phó IS. Thủ tướng Iraq nêu rõ, nếu Syria đạt được những tiến triển cụ thể trong các vấn đề nêu trên, hai nước có thể tăng cường quan hệ song phương, thiết lập các cơ chế hợp tác vì lợi ích chung và góp phần cải thiện an ninh và ổn định trong khu vực.

Trước đó, trong chuyến thăm Baghdad, Bộ trưởng Ngoại giao Syria Asaad al-Shaibani khẳng định, nước này sẵn sàng tăng cường hợp tác với Iraq trong lĩnh vực an ninh và thương mại. Việc cựu Tổng thống al-Assad, đồng minh thân cận của Baghdad, bị lật đổ đã khiến quan hệ giữa hai nước láng giềng thêm phần phức tạp, song Iraq vẫn bày tỏ mong muốn thúc đẩy đối thoại. Thủ tướng al-Sudani cho biết, Baghdad đã gửi lời mời Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) dự kiến tổ chức tại Iraq vào tháng 5 tới.

Không chỉ Iraq, Lebanon cũng bày tỏ mong muốn khởi động lại quan hệ với Syria. Trong chuyến công du tới Syria, Thủ tướng Lebanon Nawaf Salam đã gặp Tổng thống lâm thời al-Sharaa và Bộ trưởng Ngoại giao al-Shaibani, và mời hai nhà lãnh đạo Syria đến thăm Lebanon trong thời gian tới. Theo giới phân tích chính trị, chuyến thăm của Thủ tướng Lebanon tới Syria nhằm mục đích mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, khôi phục lòng tin, bảo vệ chủ quyền của hai quốc gia và không can thiệp công việc nội bộ của nhau.

Các cuộc thảo luận giữa hai bên trong chuyến thăm này đề cập những vấn đề như kiểm soát biên giới và các cửa khẩu, ngăn chặn buôn lậu cũng như phân định biên giới trên bộ và trên biển. Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác an ninh, bảo vệ sự ổn định của cả hai nước.