Thỏa thuận đầu tư tái thiết Ukraine

Thỏa thuận mà Ukraine và Mỹ vừa ký kết cho phép Mỹ tiếp cận nguồn khoáng sản của Ukraine, cũng như thành lập một quỹ đầu tư chung cho hoạt động tái thiết Ukraine. Mỹ nhấn mạnh, việc ký thỏa thuận khẳng định cam kết của chính quyền Tổng thống Donald Trump theo đuổi tiến trình hòa bình hướng tới mục tiêu Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng lâu dài.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: OSVAL
Biếm họa: OSVAL

Sau nhiều tháng thảo luận, giải tỏa bất đồng, Ukraine và Mỹ đã chính thức công bố thỏa thuận hợp tác kinh tế, theo đó Mỹ được quyền ưu tiên tiếp cận nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine, đồng thời hai bên lập Quỹ đầu tư tái thiết phục vụ việc phục hồi kinh tế của Ukraine. Thỏa thuận do Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ký tại Washington D.C tuần trước và đang chờ được Quốc hội Ukraine thông qua.

Không cung cấp thông tin cụ thể về thỏa thuận, Bộ Tài chính Mỹ chỉ cho biết, sẽ cùng Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) tiếp tục làm việc với phía Ukraine để hoàn thiện các chi tiết của thỏa thuận. Tuy nhiên, theo truyền thông Mỹ, thỏa thuận trao cho Mỹ đặc quyền tiếp cận các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, bao gồm nhôm, than chì, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Quỹ đầu tư chung được thành lập để tài trợ công cuộc tái thiết Ukraine và bảo đảm các nguồn lực, tiềm năng của hai nước có thể thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Ukraine.

Trong một tuyên bố sau khi ký thỏa thuận, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nêu rõ: Việc thành lập quỹ đầu tư tái thiết phản ánh quan hệ đối tác kinh tế lịch sử, thể hiện cam kết của cả hai bên đối với hòa bình và thịnh vượng lâu dài ở Ukraine. Mối quan hệ đối tác này cho phép Mỹ đầu tư cùng Ukraine, khai thác “tài sản tăng trưởng” của Ukraine và huy động nhân tài, vốn và năng lực quản trị của Mỹ, nhằm cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy phục hồi kinh tế Ukraine.

Ông Bessent nhấn mạnh, Tổng thống Trump đã cam kết sẽ chấm dứt cuộc xung đột vô nghĩa ở Ukraine và việc ký kết thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine chứng minh cam kết của Washington đối với giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Thỏa thuận lịch sử này phát đi tín hiệu rõ ràng rằng, Chính quyền Tổng thống Trump cam kết theo đuổi tiến trình hòa bình với trung tâm là một nước Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng lâu dài.

Trong khi đó, khẳng định thỏa thuận đem lại lợi ích cho cả Kiev và Washington, cho phép hai nước mở rộng khai thác tiềm năng kinh tế thông qua hợp tác và đầu tư bình đẳng, song Ukraine cho biết, sẽ giữ toàn quyền sở hữu và kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên của mình. Phó Thủ tướng Ukraine Yulia Svyrydenko nêu rõ: Nhà nước Ukraine là bên quyết định khai thác cái gì và ở đâu. Thỏa thuận cũng không bao gồm bất kỳ điều khoản nào liên quan nghĩa vụ nợ của Ukraine đối với Mỹ.

Phát biểu ý kiến ngay trước thời điểm thỏa thuận được ký kết, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nhận định, đây thật sự là một thỏa thuận quốc tế bình đẳng và có lợi về đầu tư chung vào tiến trình phát triển và phục hồi của Ukraine. Theo đó, mỗi bên chia sẻ quyền biểu quyết ngang bằng, cùng đóng góp vào quỹ đầu tư tái thiết và cùng quản lý một cách bình đẳng; lợi nhuận từ quỹ sẽ được tái đầu tư độc quyền vào Ukraine.

Thủ tướng Denys Shmyhal khẳng định, Ukraine giữ toàn quyền kiểm soát đối với khoáng sản dưới lòng đất, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên của mình. Ukraine coi thỏa thuận vừa ký là chìa khóa để bảo đảm quyền tiếp cận viện trợ quân sự của Mỹ. Viện trợ quân sự tương lai của Mỹ sẽ được coi là đóng góp vào quỹ và các khoản hỗ trợ trước đó không được tính. Việc thành lập quỹ không gây trở ngại tới tiến trình Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Theo Phó Thủ tướng Yulia Svyrydenko, ngoài đóng góp tài chính trực tiếp cho quỹ, Mỹ cũng có thể sẽ có hình thức trợ giúp mới cho Ukraine, như các hệ thống phòng thủ trên không.

Là một trong những quốc gia giàu tài nguyên, Ukraine chiếm khoảng 5% nguồn tài nguyên khoáng sản toàn cầu, sở hữu trữ lượng lithi, titan và urani lớn nhất châu Âu và xếp thứ 40 trong số các quốc gia khai thác khoáng sản. Ukraine còn được cho là sở hữu hơn 20 trong số 50 loại khoáng sản được Washington đánh giá là rất quan trọng với Mỹ. Trong đó có titan, nguyên liệu được sử dụng để chế tạo cánh máy bay và các sản phẩm hàng không vũ trụ khác, hay urani, được sử dụng cho năng lượng hạt nhân, thiết bị y tế và vũ khí. Ukraine cũng có các mỏ lithi, than chì và mangan, những nguyên liệu quan trọng cho sản xuất pin điện.

Thỏa thuận khoáng sản được Ukraine và Mỹ ký kết trong bối cảnh Mỹ nỗ lực thúc đẩy chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine vốn đã bước sang năm thứ tư. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc giục hai bên đưa ra đề xuất cụ thể, đồng thời cảnh báo sẽ rút khỏi vai trò trung gian nếu đàm phán không đạt tiến triển. Theo truyền thông Mỹ, thỏa thuận khoáng sản giữa Ukraine và Mỹ không bao gồm bảo đảm an ninh cụ thể nào cho Kiev, mà chỉ khẳng định mối liên kết chiến lược dài hạn giữa hai nước và cam kết của Mỹ nhằm hỗ trợ an ninh và tái thiết của Ukraine.