Áp lực của nền kinh tế lớn nhất thế giới

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cảnh báo, chính sách thương mại thiếu nhất quán của chính quyền Mỹ đang tạo áp lực cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời khiến thị trường toàn cầu xáo trộn mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ

Trong báo cáo khảo sát kinh tế tại toàn bộ 12 chi nhánh trực thuộc, FED cho biết triển vọng kinh tế tại nhiều khu vực đã xấu đi đáng kể do bất ổn gia tăng liên quan đến chính sách thương mại quốc tế của Tổng thống Donald Trump. Theo báo cáo, trong những tuần gần đây, hoạt động sản xuất tại hai phần ba các khu vực phần lớn đình trệ hoặc suy giảm. Lĩnh vực du lịch cũng chững lại, nhiều nơi còn chứng kiến lượng khách quốc tế giảm mạnh. Trong khi đó, thị trường ô-tô lại có mức tăng doanh số do người tiêu dùng tranh thủ mua xe trước khi giá tăng do bị áp thuế nhập khẩu.

Sau khi trở lại Nhà trắng trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp đặt thuế 25% đối với toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu; áp thuế cơ bản 10% và các mức thuế đối ứng khác nhau với hàng hóa từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào Mỹ. Tổng thống Trump cho rằng, chính sách bảo hộ của ông sẽ đưa các dây chuyền sản xuất trở về Mỹ và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân nước này. Tuy nhiên, các mức thuế đối ứng đang được Mỹ tạm hoãn trong 90 ngày.

Trong khi đó, một liên minh gồm 12 bang của Mỹ đã đệ đơn kiện nhằm phản đối chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump, cho rằng Tổng thống không thể áp dụng thuế quan nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội. Nội dung đơn kiện cáo buộc việc áp thuế này đã đi ngược lại trật tự hiến pháp và gây ra xáo trộn cho nền kinh tế trong nước, ảnh hưởng đáng kể đến người tiêu dùng. Trong số các bang cùng đệ đơn kiện với Arizona còn có New York, Illinois, Oregon, Colorado, Connecticut, New Mexico, Vermont, Nevada, Delaware, Minnesota và Maine.

Phản ứng về vụ kiện, người phát ngôn Nhà trắng Kush Desa khẳng định chính quyền Tổng thống Trump "cam kết sử dụng đầy đủ quyền lực hợp pháp để đối phó với các tình trạng khẩn cấp quốc gia hiện nay, từ dòng người nhập cư bất hợp pháp đến thâm hụt thương mại hàng hóa ngày càng lớn".

Việc đảo ngược chính sách thương mại tự do trong nhiều thập kỷ này không chỉ gây áp lực với nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn khiến các thị trường toàn cầu xáo trộn. Trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố tại Hội nghị thường niên mùa xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF đang diễn ra ở Thủ đô Washington D.C, IMF nhấn mạnh các tuyên bố áp thuế và cả những tuyên bố tạm hoãn áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump "đã gây ra một đợt bất ổn về chính sách". Trong báo cáo, định chế tài chính này nhấn mạnh rằng "rủi ro đối với sự ổn định tài chính toàn cầu đã tăng đáng kể, do điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn và tình hình bất ổn kinh tế gia tăng".

Trong bối cảnh đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2025 còn 2,8%; thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với công bố hồi tháng 1. Trong năm tới, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 3%. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống còn 1,8% trong năm nay; giảm 0,9 điểm phần trăm so với mức công bố hồi tháng 1.

Nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas nhấn mạnh rằng thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới khi hệ thống kinh tế toàn cầu đã hoạt động trong 80 năm qua đang được thiết lập lại. Ông Gourinchas đánh giá tác động của thuế quan sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia theo những cách khác nhau, làm giảm năng suất và sản lượng, đẩy giá cả tăng cao. Riêng tại Mỹ, thuế quan giống như một cú sốc đối với nguồn cung.

Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF cho rằng sự bất ổn trong chính sách thương mại hiện nay là một lực cản lớn đối với hoạt động toàn cầu. Do vậy, để thúc đẩy tăng trưởng, nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ các nước hiện nay là tìm cách giảm bớt sự bất ổn về chính sách thương mại và dỡ bỏ rào cản thương mại càng sớm thì các nền kinh tế và người dân sẽ càng được hưởng lợi.