Thảm họa kép ở Gaza

Dải Gaza tại Palestine đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với hàng nghìn người đối mặt nạn đói lan rộng sau khi quân đội Israel nối lại tấn công phong trào Hamas hồi tháng 3, đồng thời tiếp tục phong tỏa viện trợ lương thực và các nhu yếu phẩm vào dải đất này.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MOHAMMAD SABAANEH
Biếm họa: MOHAMMAD SABAANEH

CNN đưa tin, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp, ông Tom Fletcher, đã kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ hành động khẩn cấp nhằm “ngăn chặn nguy cơ xảy ra những hậu quả nhân đạo nghiêm trọng tại Dải Gaza, trong bối cảnh xung đột tại vùng lãnh thổ này chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Các chuyên gia an ninh lương thực và tổ chức quốc tế tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ nạn đói nghiêm trọng tại Dải Gaza, sau 10 tuần kể từ khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế gồm thực phẩm, thuốc men, nơi trú ẩn và nhiên liệu.

Trong báo cáo mới nhất được công bố ngày 12/5, Tổ chức Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tổng hợp (IPC) cho hay, đã có sự “suy giảm nghiêm trọng” về tình hình an ninh lương thực tại Gaza kể từ đánh giá gần nhất vào tháng 10/2024 và người dân nơi đây đang đối mặt “nguy cơ nạn đói ở mức nghiêm trọng”. Báo cáo nêu rõ: “Những hàng hóa thiết yếu cho sự sống còn của người dân đã cạn kiệt hoặc hết sạch trong vài tuần tới. Toàn bộ dân số đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, với khoảng 500.000 người - tương đương 20% dân số - đang trong tình trạng đói ăn”.

Nhân viên cứu trợ tại Gaza cho biết, giá cả các mặt hàng thiết yếu tiếp tục leo thang trong khi kho lương thực trống rỗng. Nhiều nhóm nhân đạo buộc phải chia khẩu phần một người cho hai bệnh nhân, trong đó có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng đang chờ được cứu chữa.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cũng cảnh báo, Gaza đang đối mặt “nguy cơ nạn đói cận kề” và ngành nông nghiệp ở đây “đang trên bờ vực sụp đổ hoàn toàn”, đồng thời kêu gọi Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa ngay lập tức. Trong khi đó, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại miền nam Gaza, ông Jonathan Crickx cho biết, kho dự trữ do cơ quan này cung cấp trong giai đoạn ngừng bắn kéo dài hai tháng gần như cạn kiệt, đồng thời bày tỏ lo ngại sẽ chứng kiến thêm nhiều trẻ em tử vong.

Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng suy dinh dưỡng đang gia tăng và có thể gây ra hậu quả lâu dài đối với một thế hệ trẻ em ở Gaza. Đại diện WHO tại vùng lãnh thổ Palestine, ông Rik Peeperkorn cho biết, ông đã tận mắt chứng kiến nhiều trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng tại các bệnh viện, trong đó có những em 5 tuổi nhưng chỉ phát triển như trẻ 2 tuổi rưỡi. Ông nhấn mạnh: “Thiếu thực phẩm giàu dinh dưỡng, nước sạch và tiếp cận chăm sóc y tế sẽ khiến cả một thế hệ bị ảnh hưởng vĩnh viễn vì suy giảm phát triển thể chất và trí tuệ”.

WHO hiện chỉ đủ nguồn lực để điều trị cho 500 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính - một con số rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Theo số liệu từ Cơ quan Y tế Gaza do Hamas quản lý, đã có ít nhất 55 trẻ tử vong vì suy dinh dưỡng kể từ đầu năm nay. Ông Peeperkorn chia sẻ rằng, trong các bệnh viện, ông đã gặp nhiều trẻ em mắc phải các bệnh như viêm dạ dày ruột và viêm phổi. Điều đáng lo ngại là sức đề kháng của các em đã suy giảm nghiêm trọng do thiếu ăn, khiến những căn bệnh này có nguy cơ gây tử vong cao.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp ngày 13/5 của HĐBA LHQ, ông Fletcher - cũng là người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ - kêu gọi Israel dỡ bỏ phong tỏa đối với hoạt động viện trợ nhân đạo tại Gaza. Theo quan chức này, đề xuất mới đây của Israel liên quan việc phân phối viện trợ, dù chưa được công khai, đang được coi là chưa “bảo đảm nguyên tắc nhân đạo” do loại trừ khả năng tiếp cận của những nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người khuyết tật và người bị thương.

Cùng ngày, hai nước ủy viên thường trực của HĐBA gồm Pháp, Anh cùng ba nước ủy viên không thường trực là Slovenia, Hy Lạp và Đan Mạch đã ra tuyên bố chung, trong đó bày tỏ đặc biệt quan ngại về kế hoạch viện trợ của Israel. Tuyên bố nhấn mạnh: “Viện trợ nhân đạo không bao giờ được sử dụng như công cụ” để đạt mục tiêu chính trị hay mục tiêu quân sự trong xung đột. Đáp lại, Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon đã bác bỏ những lập luận nói trên, cho rằng đó là những cáo buộc “vô căn cứ”.

Trong khi nạn đói lan rộng, xung đột tại Dải Gaza vẫn tiếp diễn trong những ngày qua, khiến dải đất này hứng chịu thảm họa kép. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đêm 13/5 đã ra lệnh cho người dân thành phố Jabalia và trại tị nạn cùng các khu dân cư chung quanh khác ở trung tâm Dải Gaza ngay lập tức sơ tán, trước khi tiến hành các hoạt động quân sự tiếp theo. Thông báo của IDF cũng cảnh báo về khả năng mở rộng tấn công nhằm đáp trả các vụ phóng tên lửa từ Gaza.