Thỏa thuận lịch sử ứng phó đại dịch

Sau hơn 3 năm đàm phán liên tục, tại phiên họp ngày 15/4 vừa qua, các quốc gia thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đạt được nhất trí chung về văn bản thỏa thuận toàn cầu đầu tiên nhằm nâng cao khả năng ngăn ngừa, chuẩn bị và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: HILAL ÖZCAN
Biếm họa: HILAL ÖZCAN

Kết thúc cuộc họp tại trụ sở của WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) vào 2h00 sáng ngày 16/4 theo giờ địa phương, các đại biểu của WHO đã hoàn thiện văn kiện cuối cùng dài 32 trang với sự đồng thuận tuyệt đối về mọi điều khoản trong thỏa thuận. Việc đạt được thỏa thuận được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế từng bộc lộ trong đối phó đại dịch Covid-19.

Phát biểu ý kiến sau sự kiện trên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tầm vóc lịch sử của thỏa thuận. Theo ông, việc các quốc gia đồng thuận về thỏa thuận ứng phó đại dịch không chỉ thể hiện cam kết chung nhằm tăng cường an toàn y tế toàn cầu, mà còn cho thấy chủ nghĩa đa phương vẫn đang hiện hữu và phát huy hiệu quả. Thỏa thuận sẽ được trình lên kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới dự kiến diễn ra vào tháng 5 để chính thức phê chuẩn. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ cung cấp các công cụ hiệu quả hơn cho việc đối phó với các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.

Trước đó trong quá trình đàm phán, các bên từng vấp phải không ít bất đồng, đặc biệt về Điều 11 liên quan việc chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm y tế phục vụ ứng phó đại dịch nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển và Điều 13 về bảo đảm quyền tiếp cận không bị cản trở đối với các sản phẩm y tế trong những tình huống không phải là đại dịch hay khủng hoảng nhân đạo. Điều 13 nhằm bảo đảm rằng, các quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế vẫn có thể tiếp cận vaccine, bộ xét nghiệm và các phương pháp điều trị thiết yếu. Bên cạnh đó, việc Mỹ cắt giảm viện trợ nước ngoài và khả năng sẽ áp thuế cao đối với các sản phẩm dược cũng tạo tâm lý hoài nghi và thận trọng trong quá trình đàm phán.

Tuy nhiên, các bên tham gia đàm phán đã đạt được nhất trí về nội dung thỏa thuận trong bối cảnh đang có nhiều mối đe dọa y tế, từ cúm gia cầm H5N1 đến sởi, đậu mùa khỉ (mpox) và Ebola, cho thấy nhu cầu cấp thiết về một cơ chế phối hợp toàn cầu. Ông Tedros khẳng định: “Virus là kẻ thù nguy hiểm nhất, thậm chí còn hơn cả chiến tranh”. Mặc dù các biện pháp phòng ngừa và chuẩn bị có thể tiêu tốn nhiều nguồn lực nhưng theo ông, “cái giá của việc không hành động sẽ lớn hơn nhiều”.

Nửa thập kỷ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, những kẻ thù mới của sức khỏe vẫn đang rình rập nhân loại. Đó chính là những áp lực đang gia tăng đối với việc tìm kiếm một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với các đại dịch lớn tiềm ẩn trong tương lai.

Vào tháng 12/2021, các quốc gia thành viên WHO đã quyết tâm tìm kiếm một thỏa thuận nhằm ngăn ngừa và chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai, để tránh những sai lầm đã mắc phải như trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19. Trong suốt thời gian đàm phán, những bất đồng lớn đã làm chậm tốc độ của việc đi đến một thỏa thuận cuối cùng, trong đó có việc tìm kiếm cách thức chia sẻ dữ liệu về các tác nhân gây bệnh nguy hiểm và vấn đề rằng liệu việc chuyển giao công nghệ cũng như bí quyết để sản xuất vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị là bắt buộc hay tự nguyện.

Vậy nhưng sau 13 vòng đàm phán, các quốc gia chuẩn bị ý chí và quyết tâm để bước vào tiến trình cuối cùng, với thời hạn chót là tối 11/4 cần phải giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Mục đích đàm phán là nhằm thống nhất được một văn bản sau cùng để có thể đưa ra phê duyệt tại cuộc họp thường niên của WHO vào tháng tới. Vượt qua mọi khó khăn cũng như bất đồng về lợi ích, các bên tham gia đàm phán đã gạt bỏ mọi mâu thuẫn, giúp WHO đạt được một quyết định lịch sử nhằm giúp con người đối phó chủ động hơn đối với những đại dịch tiềm tàng.

Còn một rào cản lớn trong bảo vệ và duy trì thỏa thuận đạt được, đó là quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi WHO và việc giải thể các viện y tế của Mỹ trên diện rộng, gây ra một mối đe dọa mới đối với hệ thống giám sát rủi ro sức khỏe toàn cầu. Song, với sự đồng thuận của các quốc gia, Tổng Giám đốc Tedros hy vọng đây cũng là cơ hội để định hình lại hệ thống y tế cộng đồng toàn cầu, bằng cách huy động nguồn lực từ sự đóng góp của các thành viên WHO và từng bước tránh phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Mỹ.