Bảo vệ “nền kinh tế lớn thứ 5”

Trong báo cáo công bố hồi đầu tuần, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá: Nếu được xếp hạng như một quốc gia, thì kinh tế biển thế giới là nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu. OECD kêu gọi các nước bảo vệ và quản lý chặt chẽ hơn các vùng biển và đại dương, bảo đảm phát triển kinh tế xanh công bằng và bền vững trong bối cảnh nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đến tranh chấp lãnh thổ.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ

Theo ước tính của OECD, bao phủ hai phần ba diện tích Trái đất, các vùng biển và đại dương cung cấp đủ thực phẩm cho hơn 3 tỷ người, giúp vận chuyển 80% lượng hàng hóa, lưu trữ các hệ thống cáp quang chiếm 98% lưu lượng truy cập internet toàn cầu và giúp tạo hàng trăm triệu việc làm. Trong giai đoạn 1995-2020, nền kinh tế biển và đại dương đã tăng gấp đôi theo giá trị thực; và nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2050, sản lượng kinh tế biển có thể tăng gấp 4 lần so mức năm 1995.

Báo cáo của OECD nêu rõ, trong 25 năm gần đây, quy mô kinh tế biển và đại dương đã tăng gần gấp đôi, từ 1.300 tỷ USD năm 1995 lên 2.300 tỷ USD năm 2020, đóng góp khoảng 3-4% GDP toàn cầu, trong đó các quốc gia khu vực châu Á và Thái Bình Dương góp phần lớn. Cũng trong khoảng thời gian này, các vùng biển đã giúp tạo ra hơn 100 triệu việc làm toàn thời gian. Nếu được coi như một quốc gia, kinh tế biển đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2019.

Sản lượng kinh tế biển chủ yếu đến từ hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi, du lịch biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, vận tải và hoạt động cảng biển. Trong đó, du lịch và hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi đóng góp hơn 60% tổng giá trị; đánh bắt cá và thương mại hàng hải cũng là động lực tăng trưởng quan trọng.

OECD dự báo, nếu duy trì đà tăng trưởng 25 năm vừa qua, thì trong 25 năm tiếp theo, kinh tế biển có thể tiếp tục tăng gấp đôi quy mô vào năm 2050. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng có thể bị cản trở bởi nhiều mối đe dọa, đặc biệt nếu không được bảo vệ và cải thiện tính bền vững.

Các vùng biển và đại dương trên thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng ô nhiễm, tình trạng đánh bắt hải sản bừa bãi và nhiệt độ cao kỷ lục gây hại cho sinh vật biển. OECD nêu rõ, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, năng suất chậm lại và tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số trì trệ đang làm gia tăng áp lực lên hệ sinh thái và tiềm năng kinh tế biển. Nếu đầu tư tăng năng suất không được triển khai và tiến trình chuyển đổi năng lượng bị đình trệ, hoạt động kinh tế biển toàn cầu có thể giảm khoảng 20% ​​so mức năm 2020. Trái lại, sự chuyển dịch nhanh chóng sang năng lượng sạch hơn kết hợp với đổi mới công nghệ có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đại dương liên tục.

Những yếu tố như thay đổi nhân khẩu học, gián đoạn thương mại và thiếu đầu tư vào năng lượng xanh cũng có thể làm chậm, thậm chí đảo ngược tăng trưởng. Tình trạng dân số gia tăng, áp lực về môi trường và tiến bộ công nghệ cũng sẽ tác động đến tiềm năng của kinh tế biển trong tương lai. Bên cạnh đó, OECD cũng cảnh báo tranh chấp lãnh thổ đang đe dọa đến nền kinh tế biển.

Dù đạt được tiến bộ, nhưng nhiều thách thức vẫn tồn tại, OECD kêu gọi các nước hành động nhiều hơn nữa để thúc đẩy hợp tác quốc tế và các cơ chế quản trị nhằm bảo đảm một nền kinh tế năng suất và bền vững. Nhấn mạnh hành động phối hợp chính sách là điều cần thiết để bảo vệ sự thịnh vượng và bền vững lâu dài của nền kinh tế biển, OECD nêu rõ ưu tiên chính cho các nhà hoạch định chính sách đến năm 2050 là bảo đảm nền kinh tế biển có khả năng phục hồi và bền vững, cân bằng giữa cơ hội kinh tế với trách nhiệm về môi trường.

“Cải thiện chính sách về đại dương và hợp tác quốc tế là một mệnh lệnh kinh tế. Thông qua chính sách dựa trên khoa học, cải thiện quản lý không gian biển và các giải pháp kỹ thuật số sáng tạo, chúng ta có thể bảo vệ việc làm, sinh kế và an ninh lương thực cho hàng trăm triệu người phụ thuộc vào đại dương”, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann nhấn mạnh.

Theo OECD, các khuôn khổ chính sách, cơ chế quản lý đại dương và nền kinh tế biển đã được củng cố thời gian qua ở cấp quốc gia và quốc tế, thông qua các chiến lược biển quốc gia, quy hoạch không gian hàng hải, cũng như các cuộc đàm phán quốc tế về đa dạng sinh học, khí hậu, nghề cá và khử carbon trong vận chuyển… Tuy nhiên, việc giải quyết một loạt các vấn đề quan trọng khác như thị trường, hay chống hoạt động bất hợp pháp, vẫn đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn từ các nhà hoạch định chính sách.

Báo cáo của OECD đưa ra một loạt khuyến nghị, như tăng cường hành động chính sách và hợp tác để nâng cao quản lý biển và đại dương; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, áp dụng các công nghệ kỹ thuật số và hệ thống thu thập dữ liệu tiên tiến… OECD cũng kêu gọi hợp tác sâu hơn với các nước đang phát triển, tối đa hóa lợi ích của hoạt động kinh tế đại dương đối với sinh kế và phúc lợi, đồng thời thúc đẩy bảo tồn, sử dụng bền vững và phục hồi các hệ sinh thái biển mong manh.