Phát biểu ý kiến sau cuộc họp của Eurogroup tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Eurogroup, ông Paschal Donohoe, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có một lập trường thống nhất trong khu vực đồng tiền chung euro nhằm đối phó chính sách thuế mới của Mỹ. Các bộ trưởng đã thống nhất về ba nguyên tắc cơ bản: Sự đoàn kết trong phản ứng với biến động toàn cầu; duy trì một chính sách chung phù hợp giúp bảo vệ nền kinh tế trong ngắn hạn và giữ vững vị thế đồng euro trong dài hạn; đồng thời bảo đảm mọi hành động được triển khai trong khuôn khổ các quy định về ngân sách đã được thiết lập.
Chủ tịch Donohoe cũng nhấn mạnh phải đẩy nhanh tiến độ các dự án chiến lược của EU, trong đó có việc phát triển đồng euro kỹ thuật số, xây dựng liên minh tiết kiệm và đầu tư, đa dạng hóa quan hệ thương mại và hoàn thiện hơn nữa thị trường chung châu Âu. Đây được xem là những nền tảng quan trọng để EU giữ vững khả năng cạnh tranh trong bối cảnh các thay đổi địa chính trị và kinh tế ngày càng phức tạp.
Để duy trì sự ổn định tài chính trong liên minh, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, khẳng định định chế này sẵn sàng can thiệp nếu các biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây rủi ro cho hệ thống tài chính khu vực. ECB “luôn sẵn sàng sử dụng các công cụ sẵn có” để bảo vệ nền kinh tế khu vực nếu các cuộc đàm phán về thuế quan với Mỹ thất bại. EU đang gấp rút tìm kiếm giải pháp nhằm tránh nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ. Theo kế hoạch, Ủy viên thương mại EU, ông Maros Sefcovic, sẽ đến Washington D.C đàm phán với giới chức Mỹ vào hôm nay (14/4) về một thỏa thuận thuế quan.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo, EU có thể sẽ áp thuế với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ nếu đàm phán thương mại không đạt kết quả. Chủ tịch EC cũng đề cập khả năng sử dụng biện pháp cứng rắn nhất như “đóng băng” quyền tiếp cận thị trường châu Âu hoặc chặn một số khoản đầu tư nhất định. Thậm chí, EU dự kiến áp thuế đối với khoảng 21 tỷ euro hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 15/4. Tuy nhiên, hiện EU tạm dừng áp thuế quan với Mỹ sau khi Tổng thống Trump quyết định hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với nhiều đối tác thương mại, trong đó có EU.
Trong bối cảnh quan hệ giữa EU với Mỹ đang gặp nhiều thách thức, các nước thành viên liên minh cũng nhất trí tăng cường hợp tác nội khối để tận dụng sức mạnh của thị trường chung, được coi là lợi thế chiến lược lớn nhất của EU hiện nay. Ngoài ra, EU cũng thúc đẩy mở rộng quan hệ thương mại và ngoại giao với các đối tác mới. Trong những tháng gần đây, EU đã công bố một thỏa thuận thương mại được tăng cường với Mexico, nối lại đàm phán với Malaysia và đạt được thỏa thuận mới với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). EU và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng vừa khởi động đàm phán về một hiệp định thương mại tự do (FTA), có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa EU và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
Lo ngại bất ổn do cuộc chiến thuế quan leo thang toàn cầu, một số nước châu Âu đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - dự kiến chỉ đạt mức tăng trưởng 0,7%. Italy-nhà xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới - cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng xuống 0,6%. Tương tự, Đức đã cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm 2025 của nền kinh tế lớn nhất EU xuống còn 0,1%. Ngoài ra, nguy cơ lạm phát cao hơn và chiến tranh thương mại toàn cầu có thể làm chậm quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Eurozone.
Những thiệt hại có thể dự đoán nêu trên đang đặt EU trước thách thức lớn và buộc các nhà lãnh đạo liên minh phải hợp tác, thống nhất trong đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận thuế quan. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng “trong họa có phúc”, việc Mỹ áp thuế “nặng tay” với EU cũng là cơ hội để liên minh này tăng cường đoàn kết và trở nên độc lập, mạnh mẽ hơn không chỉ về kinh tế.