Hội nghị Mùa xuân của IMF và WBG diễn ra 2 lần/năm, gồm những sự kiện nhộn nhịp với nhiều cuộc đàm phán cấp cao về chính sách đa phương, cùng các cuộc thảo luận riêng giữa các bộ trưởng tài chính mong muốn làm trung gian cho các thỏa thuận về những vấn đề như dự án tài trợ, đầu tư nước ngoài vào trong nước và xóa nợ đối với các nền kinh tế nghèo hơn. Năm nay, thay vì phối hợp chính sách về biến đổi khí hậu, lạm phát và hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, thuế quan do Mỹ áp đặt sẽ là một trong những vấn đề sẽ chi phối hội nghị.
Các cuộc họp của IMF và WB, cùng những phiên thảo luận bên lề của các nhà lãnh đạo tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cho thấy đây là diễn đàn quan trọng để phối hợp các hành động chính sách mạnh mẽ trong thời kỳ khủng hoảng, chẳng hạn như đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Một số chuyên gia chính sách đánh giá, hội nghị lần này, với sự tham gia của các bộ trưởng thương mại, các phái đoàn sẽ hướng tới mục tiêu củng cố nền kinh tế của chính họ trước tiên.
Tuy nhiên, theo ông Josh Lipsky, Giám đốc cấp cao của Trung tâm địa - kinh tế thuộc Hội đồng thương mại Atlantic, Hội nghị mùa xuân năm nay sẽ không giống các năm khác khi chịu sự chi phối bởi một vấn đề duy nhất: Thuế quan và các cuộc đàm phán song phương về quan hệ thương mại.
Bà Nancy Lee, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, hiện là chuyên gia nghiên cứu chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển toàn cầu ở Washington, cho biết: "Trọng tâm của các cuộc họp này trong vài năm qua, vốn tập trung nhiều vào cải cách ngân hàng phát triển đa phương và ở một mức độ nào đó là củng cố cấu trúc nợ có chủ quyền, sẽ bị bỏ qua do bị vấn đề thuế quan che phủ".
Nhật Bản, quốc gia đang chịu áp lực từ mức thuế 25% của Tổng thống Donald Trump đối với ô-tô và thép và mức thuế đối ứng đối với mọi mặt hàng khác có thể lên tới 24%, đang muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ. Với các cuộc đàm phán đang có những bước tiến triển, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent để tiếp tục các cuộc đàm phán bên lề cuộc họp của IMF và WB. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok cũng đã chấp nhận lời mời của người đồng cấp Scott Bessent để có cuộc thảo luận về thương mại vào tuần này.
Trước đó, ngày 17/4, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đang làm lu mờ các dự báo kinh tế của cơ quan này và sẽ gây thêm áp lực lên gánh nặng nợ của các nước đang phát triển. Theo bà Georgieva, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của IMF được đưa ra trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới sẽ “giảm đáng kể nhưng không phải suy thoái”, chủ yếu là do những bất ổn và biến động thị trường trước lo ngại rủi ro do thuế quan gây ra.
Cùng ngày, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, không tính đến giai đoạn đại dịch Covid-19. Trong bản cập nhật đặc biệt báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu hằng quý, Fitch dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng chậm lại ở mức dưới 2% trong năm nay, trong đó tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ vẫn ở mức 1,2%, nhưng sẽ giảm dần trong suốt cả năm và trong quý IV/2025 chỉ đạt mức tăng trưởng 0,4% so cùng kỳ năm 2024, còn tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) sẽ vẫn ở mức dưới 1%.
Các kế hoạch áp thuế quan của Mỹ đã khiến thị trường biến động mạnh chưa từng thấy kể từ đại dịch Covid-19. Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán việc áp dụng thuế quan mới sẽ kìm hãm tăng trưởng và đẩy lạm phát lên, ít nhất là trong ngắn hạn.
Theo Tổng Giám đốc IMF, căng thẳng thuế quan hiện tại có thể sẽ gây ra 3 hậu quả lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó hầu hết các thị trường mới nổi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn do phụ thuộc vào thương mại để tăng trưởng. Đầu tiên, các doanh nghiệp khó lập kế hoạch nếu không dự đoán được chi phí đầu vào của mình trong tương lai sẽ là bao nhiêu. Tiếp đó, các rào cản thương mại gia tăng ảnh hưởng đến tăng trưởng. Cuối cùng, chủ nghĩa bảo hộ làm xói mòn năng suất trong dài hạn, đặc biệt là ở các nền kinh tế nhỏ hơn.
Bà Georgieva kêu gọi tất cả các quốc gia "tự sắp xếp lại" bằng cách dần điều chỉnh chính sách tài khóa của mình để giảm nợ và duy trì chính sách tiền tệ "linh hoạt và đáng tin cậy". Ngoài ra, bà cũng kêu gọi các nền kinh tế hàng đầu vạch ra con đường vượt qua tình trạng bất ổn thương mại hiện nay, mục tiêu là "khởi động lại xu hướng toàn cầu hướng tới mức thuế quan thấp hơn và giảm các rào cản phi thuế quan".