Giai đoạn nước rút

Sau khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết trong vòng một tháng tới, Nhà trắng sẽ công bố hàng chục thỏa thuận thương mại mới. Tuy nhiên Washington vẫn sẽ duy trì mức thuế suất cơ bản 10% đối với hầu hết các quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: NIDAL KHALIL
Biếm họa: NIDAL KHALIL

Tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ với nhiều nước đang ở giai đoạn nước rút. Thị trường chứng khoán Mỹ đã kết thúc phiên giao dịch ngày 8/5 với sắc xanh lan tỏa sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thỏa thuận thương mại đột phá với Vương quốc Anh. Thỏa thuận này giảm thuế quan đối với ô-tô, thép và nhôm của Anh. Đổi lại, Anh sẽ mở cửa thị trường cho thịt bò và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ. Đây là thỏa thuận đầu tiên của Mỹ với một đối tác thương mại sau khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch thuế quan toàn cầu hôm 2/4. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio đánh giá việc đạt được thỏa thuận này là bước tiến quan trọng hướng tới thương mại công bằng và "có đi có lại" với các đối tác của Mỹ trên toàn thế giới.

Hiện Mỹ đang chịu áp lực từ các nhà đầu tư để đạt được các thỏa thuận nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan đang gây xáo trộn hoạt động thương mại toàn cầu. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bày tỏ quan ngại những biện pháp thuế quan có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gia tăng lạm phát và kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Các quan chức cấp cao của Nhà trắng đã tham gia một loạt cuộc họp với các đối tác thương mại kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế cơ sở 10% đối với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng các mức thuế đối ứng cao hơn với nhiều đối tác thương mại. Sau đó, ông tuyên bố tạm đình chỉ việc áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 70 quốc gia.

Trung Quốc đang phải chịu mức thuế 145% đánh vào toàn bộ hàng xuất khẩu sang Mỹ, trong khi Bắc Kinh áp mức thuế trả đũa 125% đối với hàng hóa từ Mỹ. Tổng thống Trump cho rằng, mức thuế hiện tại mà Washington áp dụng đối với Bắc Kinh đã ở ngưỡng cao nhất và việc giảm là điều hợp lý. Ông đồng thời đánh giá Trung Quốc - quốc gia đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ - thể hiện thiện chí đạt thỏa thuận và mở cửa thị trường. Trước thềm các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa hai nước tại Thụy Sĩ, Tổng thống Trump đã để ngỏ khả năng giảm mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 80%.

Trong khi đó, Mỹ và đối tác thương mại quan trọng là Ấn Độ cũng đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách về thuế quan. Các nguồn tin từ Washington ngày 9/5 cho biết, Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất giảm khoảng cách thuế quan trung bình giữa hai nước từ gần 13% xuống dưới 4%, nhằm đổi lấy việc được miễn trừ khỏi các đợt tăng thuế hiện tại và trong tương lai của chính quyền Tổng thống Trump. Đề xuất nói trên của Ấn Độ bao gồm việc nước này xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 60% dòng thuế ngay trong giai đoạn đầu của thỏa thuận, mở rộng tiếp cận thị trường ưu đãi đối với gần 90% hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Ngoài ra, Ấn Độ cũng mong muốn được hưởng quy chế tương tự như Anh, Nhật Bản và Australia trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược gồm trí tuệ nhân tạo, viễn thông, công nghệ sinh học, dược phẩm và chất bán dẫn.

Ngày 9/5, Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter cho biết, nước này và Mỹ đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận tránh các biện pháp thuế quan bổ sung lên tới 31% mà Washington dự kiến áp đặt. Tổng thống Keller-Sutter cho biết, một ý định thư sẽ được phía Thụy Sĩ sớm gửi tới Mỹ với mục tiêu đạt được một thỏa thuận tương tự như của Anh. Bà nhấn mạnh mục tiêu của Thụy Sĩ là “trở lại mức thuế 0%”.

Theo các chuyên gia kinh tế, thỏa thuận thương mại mà Mỹ vừa đạt được với Anh được kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai với các đối tác khác của Washington. Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Kevin Hassett cho biết, Mỹ chuẩn bị hoàn tất 24 thỏa thuận thương mại nữa và các thỏa thuận này sẽ tác động tích cực đến thị trường thế giới. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala nhận định, đây là giai đoạn nước rút để Mỹ và các nước xoa dịu căng thẳng thương mại, ngăn chặn sự phân mảnh theo đường lối địa-chính trị và bảo đảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.