Chính phủ Haiti lên án mạnh mẽ vụ tấn công nhằm vào RTCV, cho rằng, đây là hành động nhằm đe dọa những người làm việc để cung cấp thông tin cho công chúng. Giới truyền thông Haiti cũng phản đối hành động bạo lực cực đoan nhằm vào RTCV, đài truyền hình lâu đời nhất của Port-au-Prince. Nhân viên của đài vẫn đang bàng hoàng bởi RTCV không chỉ là một đài truyền hình mà còn là một di sản mang ý nghĩa biểu tượng. Được thành lập năm 1949, RTCV là một trong những cơ quan báo chí được theo dõi nhiều nhất tại Haiti.
Đầu năm 2024, làn sóng bạo lực bùng phát tại Haiti đã buộc cựu Thủ tướng Ariel Henry từ chức. Ông Henry lên nắm quyền năm 2021 sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise. Từ năm ngoái, một Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp đã được thành lập nhằm thúc đẩy hòa bình và tổ chức bầu cử sau một thập kỷ gián đoạn. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát quốc tế do Kenya dẫn đầu và được LHQ hậu thuẫn vẫn chưa thể kiểm soát được hoạt động của các băng nhóm tội phạm có vũ trang.
AP dẫn báo cáo gần đây của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho hay, hơn 6.000 người Haiti đã phải rời bỏ nhà cửa trong 3 tuần qua do bạo lực băng đảng. IOM cho biết, bạo lực vũ trang ở Thủ đô Port-au-Prince cũng như những khu vực lân cận tiếp tục gây ra tình trạng di cư và làm trầm trọng thêm nhu cầu cứu trợ nhân đạo ở Haiti. Đến nay, ít nhất 1 triệu người dân Haiti phải di dời nơi ở do bạo lực băng đảng gia tăng. Báo cáo mới nhất của Hội Bảo vệ nhân quyền Haiti cho thấy, tình trạng bạo lực băng đảng ở quốc gia này trong năm 2024 đã cướp đi sinh mạng của gần 7.000 người, khiến hơn 1.600 người bị thương và 1.500 người khác bị bắt cóc. Nhiều người tị nạn đang phải sống trong các trại tạm bợ, đối mặt nạn đói và bạo lực tình dục.
Chuyên gia độc lập của LHQ về nhân quyền tại Haiti William O’Neill đã cảnh báo tình hình nghiêm trọng ở quốc gia Caribe, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhanh chóng trước khi quá muộn. Trao đổi ý kiến với báo chí tại Thủ đô Port-au-Prince, ông O’Neill nhấn mạnh tình hình đáng quan ngại của người dân Haiti khi nỗi thống khổ bao trùm mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.
Theo chuyên gia này, bất chấp nỗ lực của Cảnh sát Quốc gia Haiti (PNH) và Lực lượng Đa quốc gia Hỗ trợ an ninh (MSS), nguy cơ Thủ đô Port-au-Prince rơi vào tay các băng nhóm tội phạm ngày càng hiện hữu. Các nhóm tội phạm có vũ trang đang mở rộng và củng cố quyền kiểm soát ra ngoài thủ đô, thực hiện các hành vi giết người, cưỡng hiếp, đốt phá nhà cửa, trường học, bệnh viện và tuyển mộ trẻ em.
Tổng Thư ký LHQ António Guterres cũng đã công bố kế hoạch tài trợ cho lực lượng đa quốc gia được triển khai ở Haiti để bảo đảm tình hình an ninh sớm được khôi phục nhằm thúc đẩy “tiến trình chính trị do chính người dân Haiti lãnh đạo” và “khôi phục các thể chế dân chủ thông qua bầu cử”. Người đứng đầu LHQ khẳng định, nếu Hội đồng Bảo an (HĐBA) chấp nhận đề xuất tài trợ các hoạt động cơ cấu và hậu cần để triển khai lực lượng an ninh thì sẽ hội tụ đủ các điều kiện để có được một lực lượng hiệu quả nhằm lấy lại trật tự ở Haiti và đặt nền móng cho nền dân chủ.
Trước đó, LHQ đã kêu gọi các nước quyên góp hơn 900 triệu USD để giúp đỡ hàng triệu người Haiti đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề do bạo lực băng nhóm và gần một nửa dân số đang rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực.
Vài tháng sau khi HĐBA LHQ “bật đèn xanh” vào tháng 10/2023, Kenya đã bắt đầu triển khai lực lượng đến Haiti để tham gia phái bộ Hỗ trợ An ninh đa quốc gia (MSS) do LHQ hậu thuẫn nhằm hỗ trợ cảnh sát địa phương chống lại các băng nhóm tội phạm. Phái bộ MSS, mặc dù được HĐBA LHQ hỗ trợ, nhưng không phải là hoạt động của LHQ và hiện phải dựa vào các khoản đóng góp tự nguyện. Cho đến nay, nhiệm vụ này đã đạt được một số tiến triển trong việc giúp Haiti khôi phục trật tự.
Chuyên gia LHQ O’Neill kêu gọi đoàn kết và ưu tiên chống tham nhũng, nhấn mạnh đây là chìa khóa để giải quyết tình trạng bạo lực tại quốc gia Caribe. Ông cũng đề nghị cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức, tăng cường hỗ trợ an ninh và thực hiện các cam kết về lệnh trừng phạt, cấm vận vũ khí nhằm đập tan mọi hành động phá hoại của các tổ chức tội phạm.