Mối đe dọa từ “chiếc ô hạt nhân”

Trước việc Tổng thống Donald Trump rút lại cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo sẽ đàm phán chiến lược với các đồng minh ở “lục địa già” về biện pháp sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ toàn bộ Liên minh châu Âu (EU).
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: PAOLO CALLERI
Biếm họa: PAOLO CALLERI

Theo AFP, phát biểu ý kiến trên truyền hình, Tổng thống Macron cho biết, quyết định này cũng nhằm đáp lại lời kêu gọi của ông Friedrich Merz, nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng Đức, vốn đề xuất không chỉ dựa vào Mỹ mà còn phải dựa vào Pháp về mặt răn đe hạt nhân. Ông Macron cũng lưu ý rằng, châu Âu vẫn cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và quan hệ đối tác với Mỹ, song bản thân châu Âu phải làm nhiều hơn nữa để quyết định tương lai của châu Âu.

Lãnh đạo các nước EU đã tiếp nhận đề xuất của Tổng thống Macron, mở rộng “chiếc ô hạt nhân” của Pháp sang các đối tác châu Âu, nhưng tỏ thái độ thận trọng khi vẫn coi sự bảo đảm an ninh của Mỹ có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm này.

Mặc dù cả Pháp và Anh đều là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng hầu hết các quốc gia châu Âu lâu nay vẫn dựa vào chiếc ô hạt nhân do Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump (với tuyên bố rằng, đã đến lúc Mỹ phải rút lui khỏi châu Âu về mặt quân sự và muốn các đồng minh của mình tại “lục địa già” phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn) đã khiến các nước châu Âu càng quan tâm tới đề xuất của Pháp. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bày tỏ quan tâm đến đề xuất của Pháp trong tình hình hiện nay, mặc dù lưu ý thế giới mong muốn giảm đến mức thấp nhất số lượng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, một số nước lại thể hiện sự thận trọng. Thủ tướng CH Czech Petr Fiala cho rằng, “đây là một vấn đề còn quá sớm để bàn thảo”. Theo Thủ tướng Czech, đề xuất của Pháp là điều có thể cân nhắc, song lưu ý an ninh của châu Âu hiện nay được bảo đảm thông qua sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Olaf Scholz cũng cho rằng, sự bảo đảm an ninh của Mỹ đối với châu Âu vẫn có ý nghĩa quan trọng.

Sau đề xuất của Tổng thống Pháp, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), ông Mikhail Ulyanov tuyên bố, Pháp có thể triển khai vũ khí hạt nhân ở các quốc gia khác trong EU nhưng không được phép chuyển giao loại vũ khí này. Phát biểu ý kiến trên Đài phát thanh Rossiya 24, ông Ulyanov nhấn mạnh, theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Pháp không được phép chuyển giao vũ khí hạt nhân cho các nước khác trong EU.

Đề xuất mở rộng chiếc ô hạt nhân của Pháp để bảo vệ các thành viên EU mặc dù nhằm đối phó sự rút lui về an ninh của Mỹ, song lại có nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, nguy hiểm hơn cả là khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân. Theo báo cáo của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, ước tính Pháp có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 4 trên thế giới, với 290 đầu đạn trong kho. Nga, Mỹ và Trung Quốc cũng sở hữu những kho vũ khí nguyên tử khổng lồ.

Ngày 7/3 vừa qua, các quốc gia thành viên Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) đã thông qua một tuyên bố chung, tái khẳng định mối đe dọa hiện hữu của vũ khí hạt nhân đối với nhân loại và cam kết tiếp tục thúc đẩy mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn loại vũ khí này. Tuyên bố nhấn mạnh “quyết tâm không lay chuyển” của các quốc gia thành viên trong việc giải quyết mối đe dọa do vũ khí hạt nhân gây ra.

Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh hậu quả thảm khốc mà vũ khí hạt nhân gây ra đối với con người, khi đề cập đến những đau thương mà người dân Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản đã trải qua cũng như ảnh hưởng lâu dài của các vụ thử hạt nhân đối với môi trường và con người.

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa-chính trị và các cuộc xung đột trên thế giới như cuộc xung đột ở Ukraine, tuyên bố chung cảnh báo về nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân và sự gia tăng số lượng quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Do đó, tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động “ngay lập tức và quyết đoán” để đối phó với mối đe dọa này.