Đồng thời là động lực quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Sơn La xác định rõ, tín dụng chính sách không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là trách nhiệm chính trị, là một phần thiết yếu trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia của Đảng và Nhà nước.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La Hoàng Xuân Trường cho biết: Đến đầu tháng 7/2025, tổng nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại Sơn La đạt 7.206 tỷ đồng, tăng 2.514 tỷ đồng so với cuối năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 53%. Trong đó, nguồn vốn từ Trung ương tăng 2.367 tỷ đồng và nguồn vốn từ ngân sách địa phương tăng 147 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La đã giải ngân cho vay 8.101 tỷ đồng với 161.132 lượt khách hàng. Doanh số thu nợ đạt 5.585 tỷ đồng, chiếm 68,9%. Tổng dư nợ đến giữa năm 2025 là 7.197 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 9%/năm.
Đáng chú ý, chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát tốt. Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,09% tổng dư nợ, giảm 1,3 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Toàn tỉnh có 131 xã và hai phòng giao dịch không phát sinh nợ quá hạn, thể hiện rõ hiệu quả quản lý và tính bền vững của dòng vốn chính sách.
Theo đánh giá của tỉnh Sơn La, tín dụng chính sách đã đến đúng và trúng đối tượng, góp phần hỗ trợ hơn 161.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Riêng cho vay hộ nghèo đạt 39.421 lượt, hộ cận nghèo 17.635 lượt, hộ mới thoát nghèo 7.470 lượt. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 18,38% năm 2020 xuống còn 10,89% vào cuối năm 2024.
Cùng với đó, tín dụng chính sách cũng góp phần trực tiếp vào tiến trình xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn còn được triển khai tại các xã với tổng dư nợ đạt 6.412 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng dư nợ toàn chi nhánh. Mỗi xã có dư nợ bình quân 36,2 tỷ đồng với hơn 110.000 khách hàng còn dư nợ.
Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, việc thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tổng dư nợ đến giữa năm 2025 đạt 24,7 tỷ đồng với 566 khách hàng còn dư nợ, chủ yếu phục vụ nhu cầu về đất ở, nhà ở và chuyển đổi nghề. Dư nợ bình quân đạt 44 triệu đồng mỗi khách hàng, góp phần làm chuyển biến lâu dài về sinh kế và phát triển vùng đồng bào thiểu số.
Ông Đinh Trung Tuyển, Tổ trưởng Tổ vay vốn bản Nhọt 2, xã Gia Phù, tỉnh Sơn La cho biết: Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ dân trong bản không phải đi vay lãi “nóng” hay gặp khó khăn khi phải thế chấp tài sản để vay vốn phát triển sản xuất như trước. Hiện bản có 55 thành viên được tiếp cận nguồn vốn hơn ba tỷ đồng để phát triển sản xuất.
Không dừng lại ở việc giảm nghèo, tín dụng chính sách xã hội còn tham gia tích cực vào phát triển sản xuất, hỗ trợ giáo dục, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống cho hàng chục nghìn người dân. Giai đoạn 2021- 2025, tại Sơn La đã có hơn 23.000 lao động được giới thiệu việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhờ vốn vay chính sách; 184 lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn.
Ngoài ra, còn có gần 29.000 lượt hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được tiếp cận vốn; hàng trăm học sinh, sinh viên được vay vốn học tập và mua sắm thiết bị học trực tuyến; hơn 83.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được cải tạo, xây dựng; hàng trăm người được vay vốn để mua, thuê nhà ở xã hội, cải tạo nơi ở, trong đó có những trường hợp đặc thù như người chấp hành xong án phạt tù, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Tuy đạt được nhiều kết quả, song hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Sơn La vẫn đối mặt không ít thách thức, trong đó phải kể đến nhu cầu vay vốn tạo việc làm còn rất lớn, ước tính hơn 500 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi nguồn lực từ Trung ương và ngân sách địa phương bổ sung còn hạn chế, việc thu hẹp địa bàn xã vùng khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg khiến khoảng 60 tỷ đồng vốn thu hồi mỗi năm không còn đủ điều kiện cho vay quay vòng…
Tín dụng chính sách xã hội tại tỉnh Sơn La không chỉ là kênh hỗ trợ tài chính mà còn là công cụ chính sách hiệu quả trong thực hiện các mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước về an sinh, giảm nghèo và phát triển bền vững. Từ thực tiễn triển khai, NHCSXH tỉnh Sơn La kiến nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới cùng chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030. Theo đó, cần ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, bảo đảm đạt mục tiêu chiếm 15% tổng nguồn vốn tín dụng đến năm 2030 như quy định của Chính phủ.