Nhiều gương sáng vượt khó
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Trọng Hồng (xã Tân Tú, huyện Bạch Thông) chỉ trông vào nghề sửa chữa xe máy nên cuộc sống khá chật vật. Qua tìm hiểu, thấy nhu cầu xây dựng nông thôn mới tăng cao, anh mạnh dạn lập đội thi công nhỏ. Sau vài năm tích lũy được vốn, anh quyết định mở công ty xây dựng, đầu tư máy móc trị giá hơn hai tỷ đồng. Vừa học hỏi kỹ thuật, vừa cần cù, chịu khó cho nên công ty của anh phát triển, tạo việc làm ổn định cho nhiều nông dân địa phương. Bên cạnh đó, anh Hồng còn tích cực hỗ trợ các hộ nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn.
Tương tự, gia đình ông Vũ Đình Khiên (xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông) từng trải qua những năm tháng khó khăn. Từ năm 2017, ông Khiên chuyển hướng xây dựng gia trại hơn 6.000m² nuôi vịt siêu trứng. Ban đầu gặp nhiều thất bại, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã và quyết tâm vượt khó, ông duy trì đàn vịt khoảng 3.000 con/năm, mỗi ngày thu hơn 1.500 quả trứng. Sau khi trừ chi phí, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ nuôi vịt và khoảng 100 triệu đồng/năm từ nuôi lợn.
Tại thị trấn Đồng Tâm (huyện Chợ Mới), chị Hà Thị Thịnh cũng xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp với thu nhập hơn 800 triệu đồng/năm. Ngoài chăn nuôi 30-40 con lợn nái, hơn 400 con gà, trồng 1,5 ha rừng, chị còn kinh doanh cửa hàng tạp hóa rộng hơn 300m². Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Thịnh còn hỗ trợ vốn, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ nghèo trong huyện.
Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi lan rộng đã tạo ra nhiều mô hình thu nhập cao, như: mô hình trồng rừng kết hợp dịch vụ ở xã Thanh Mai (Chợ Mới) đạt hơn 1,4 tỷ đồng/năm; sản xuất miến dong ở Côn Minh (Na Rì) thu 900 triệu đồng/năm; trồng rừng và cây giống ở Bình Trung (Chợ Đồn) đạt 930 triệu đồng/năm; buôn bán, chăn nuôi trâu bò ở Nghiên Loan (Pác Nặm) đạt hơn 1,1 tỷ đồng/năm; trồng nghệ nếp và chế biến nông sản ở Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn) thu hơn 1,3 tỷ đồng/năm…
Được định hướng, hỗ trợ đúng cách, nông dân Bắc Kạn đã mạnh dạn đổi mới tư duy, phát huy tiềm năng sẵn có, từng bước xây dựng những mô hình kinh tế bền vững, gắn với thị trường.
Đồng hành, tiếp sức nông dân
Theo Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất bằng nhiều cơ chế, chính sách cụ thể. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện 34 mô hình chuyển giao kỹ thuật với 1.157 hộ tham gia; tổ chức 10 mô hình trồng trọt, bảy mô hình chăn nuôi, tám mô hình thủy sản, chín mô hình lâm nghiệp; từ đó tuyển chọn giống cây, con phù hợp với địa phương. Nhiều dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được triển khai. Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) cũng đạt nhiều kết quả tích cực với 218 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Nguồn vốn hỗ trợ nông dân được đẩy mạnh nhằm mục tiêu tạo nền tảng để nông dân đầu tư mở rộng sản xuất. Riêng Hội Nông dân tỉnh đã cho 703 lượt hội viên vay vốn với hơn 33 tỷ đồng từ quỹ hội; ủy thác vốn ngân hàng chính sách xã hội hơn 922 tỷ đồng cho hơn 12.400 hộ vay... Cùng với đó, các cấp hội cũng tổ chức hơn 2.100 lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ thành lập 78 hợp tác xã, 744 tổ hợp tác, hướng dẫn xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như trồng lúa nếp Tài, bí thơm, khôi nhung dưới tán rừng…
Theo ông Nguyễn Đình Điệp, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Ngày càng nhiều hộ có thu nhập từ 800 triệu đồng đến hơn một tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, các hộ sản xuất giỏi còn tích cực hỗ trợ hội viên khác. Từ năm 2021 đến nay có hơn 11.600 lượt hộ khó khăn được giúp đỡ với số tiền gần ba tỷ đồng và hơn 28.500 ngày công lao động.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu có hơn 60% hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó ít nhất 30% đạt cấp tỉnh. Các cấp hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường hỗ trợ hội viên xây dựng mô hình hợp tác sản xuất gắn với chuỗi giá trị bền vững. Ông Nguyễn Đình Điệp cho biết: “Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi xác định tiếp tục hướng về cơ sở. Từ đó, các cấp hội sẽ đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phát triển và liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế bền vững hơn nữa”.
Với những thành quả vững chắc, Bắc Kạn đang từng bước hình thành thế hệ nông dân mới giỏi sản xuất, mạnh liên kết, khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình.