Giải bài toán nhân lực nghiên cứu khoa học

Nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực khoa học, công nghệ đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển dịch nền kinh tế từ thâm dụng nhân công, thâm dụng vốn tới thâm dụng tri thức và công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều viện nghiên cứu đang thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận tài năng. Ảnh: VŨ SINH
Nhiều viện nghiên cứu đang thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận tài năng. Ảnh: VŨ SINH

Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thiếu hụt số lượng

Tìm hiểu tại một số viện nghiên cứu đầu ngành, được biết tình trạng chung hiện nay là nguồn nhân lực nghiên cứu đang thiếu hụt số lượng, hụt hẫng giữa các thế hệ, đồng thời việc thu hút nhân lực chất lượng cao rất khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này là do chính sách tinh giản biên chế, chính sách đãi ngộ, điều kiện làm việc của chuyên gia trong thời gian qua chưa tính đến đặc thù của ngành khoa học, công nghệ.

Chia sẻ về thực trạng nêu trên, GS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, dường như các tổ chức khoa học, công nghệ công lập chưa có sự khác biệt so với một đơn vị hành chính khi không có cơ chế đặc thù trong chính sách tinh giản biên chế. Trong 10 năm vừa qua, 20% nhân lực đã bị cắt giảm và Viện hiện chỉ có hơn 2.000 biên chế cho tất cả các viện đầu ngành quốc gia là quá ít.

Thời gian qua, tình trạng nhà khoa học chuyển ra ngoài làm theo các chuyên môn khác để có mức lương hấp dẫn hơn cũng khá phổ biến. Kinh phí chi trả lương được Nhà nước cấp hằng năm theo định mức quy định là lý do của tình trạng chảy máu chất xám này.

Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra mục tiêu đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40-50 tổ chức khoa học công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới.

Thêm vào đó, chính sách tinh giản cũng khiến các cán bộ trẻ chất lượng cao không thể đợi chờ việc làm ổn định và Viện cũng khó có thể tuyển dụng được người trẻ tài năng.

Được biết, một sinh viên tốt nghiệp đại học mất khoảng 5-6 năm tiếp theo để học thạc sĩ, tiến sĩ rồi mới có thể tiến hành nghiên cứu độc lập. Để có nguồn nhân lực kế cận chất lượng, các viện nghiên cứu trên thế giới thường tuyển hợp đồng đối với nhân lực trẻ tài năng để đào tạo theo quy trình như thế. Song, các viện nghiên cứu trong nước dù muốn theo mô hình này cũng không thể thực hiện được do không có nguồn để chi trả lương các cán bộ hợp đồng.

Đối với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, theo PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng, Học viện Khoa học xã hội, đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia của Viện cũng có xu hướng ngày càng giảm. Đặc biệt, là tình trạng thiếu các chuyên gia đầu ngành có khả năng định hướng, dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu lớn, mới, phức tạp về khoa học. Tình trạng thiếu hụt về thế hệ viên chức, cả viên chức quản lý khoa học và cán bộ quản lý cũng bộc lộ ngày càng rõ rệt. Một số ngành đào tạo quan trọng có tính chất đặc thù đang có nguy cơ bị mai một dần do thiếu các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành như Khảo cổ học, Hán Nôm, Tôn giáo học, Dân tộc học, Văn hóa học.

Nâng cấp, nâng tầm nghiên cứu

Để đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 57-NQ/TW đề cập việc đầu tư nâng cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng các cơ sở nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trọng điểm quốc gia. Tại Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW đã giao hai Viện Hàn lâm phối hợp các bộ liên quan xây dựng đề án triển khai chủ trương đầu tư nâng cấp này.

Theo GS Chu Hoàng Hà, để đáp ứng các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa cho Viện trong việc nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, cần hạn chế số lượng, tinh giản biên chế, tinh giản đầu mối để không làm thâm hụt số lượng cán bộ có trình độ cao; xây dựng chính sách, quy định nhằm nâng cao dần về quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ lao động hợp đồng giống như cán bộ biên chế, từ đó thu hút được các nhà khoa học trẻ có trình độ cao. Thêm nữa, cần nghiên cứu xây dựng chính sách đãi ngộ đối với các nhà khoa học có chất lượng cao để họ có thể cống hiến trọn đời cho khoa học mà không làm ảnh hưởng hoạt động của đội ngũ kế cận. Ngoài ra, xây dựng các chủ trương, chính sách nhằm bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển thành nguồn nhân lực xuất sắc, nguồn nhân lực chủ chốt.

Trong giai đoạn tới, cần có chính sách thu hút các sinh viên theo học các chuyên ngành, lĩnh vực khoa học cơ bản; các nhà khoa học giỏi, xuất sắc trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài về hợp tác nghiên cứu trong nước để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo, theo kịp xu thế quốc gia; tạo lập các môi trường nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại, tiên tiến tại Việt Nam để thu hút nguồn lực tri thức đến làm việc.

PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ quan điểm, để Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có được những thành tích khoa học ngang tầm các cơ sở khoa học của các nước trong khu vực và thế giới, cần có cơ chế đặc thù phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực khoa học xã hội với cơ cấu hợp lý, đồng bộ, có sự tiếp nối giữa các thế hệ khoa học, chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhất là chuyên gia đầu ngành, có trình độ cao, có năng lực nghiên cứu, đào tạo và giải đáp những vấn đề bức xúc của thực tiễn phát triển đất nước.