Đây cũng là một trong những nội dung được các đại biểu trong nước và quốc tế đưa ra thảo luận tại Phiên thảo luận cấp cao Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G).
Những chuyển đổi nông nghiệp xanh tại Việt Nam
Theo ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, trong những năm gần đây, khách hàng có sự quan tâm rõ nét về quy trình sản xuất sạch, đáp ứng Bộ tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp (ESG) hoặc chứng nhận quy trình canh tác bền vững. Nông nghiệp xanh, bền vững đang trở thành yêu cầu cấp thiết trước tác động của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng.
Theo ông Bá, an ninh lương thực tương lai không chỉ gói gọn ở số lượng, mà phải là đủ-đúng-lâu dài.
“Chúng tôi không đi theo con đường chú trọng về sản lượng nhưng phải đánh đổi hoặc làm tổn hại đến các nguồn tài nguyên trong tương lai. Mô hình thực tiễn của Tân Long là mô hình làm từ “gốc đến ngọn”, từ sản xuất đến đầu ra thành phẩm để truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn hội nhập quốc tế”, ông Bá nói.
![]() |
Các đại biểu thảo luận tại Phiên thảo luận cấp cao Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G). |
Hiện nay doanh nghiệp này đang liên kết với hơn 10.000 nông hộ, hơn 20 hợp tác xã thay vì thu mua lúa thông qua thương lái để bảo đảm nguồn đầu ra lúa gạo. Đồng thời tích cực tham gia vào các chương trình canh tác bền vững như “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao” của Chính phủ Việt Nam, Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu” được tài trợ bởi Đại sứ quán Australia và Tổ chức Phát triển Hà Lan, hợp tác với IFC.
Đánh giá về chuyển đổi sang nông nghiệp xanh tại Việt Nam, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz nhấn mạnh, việc Việt Nam đã thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho thấy Chính phủ đang hướng tới một chiến lược phát triển nông nghiệp toàn diện, kết hợp giữa bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
“Đan Mạch có hơn 90% nông dân sử dụng công nghệ nông nghiệp chính xác như máy móc điều khiển GPS và trí tuệ nhân tạo trong việc quản lý dinh dưỡng cây trồng, giảm phát thải khí nhà kính và tăng năng suất. Sự hợp tác lâu dài giữa Đan Mạch và Việt Nam trong việc thúc đẩy nông nghiệp bền vững, bao gồm việc giảm phát thải, sản xuất chăn nuôi ít phát thải và mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Đan Mạch cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển các dự án nông nghiệp xanh thông qua các hợp tác chiến lược và đầu tư vào đổi mới công nghệ”, Đại sứ khẳng định.
Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz cũng nhận định, cách mạng xanh 4.0 không chỉ là sự tiến bộ công nghệ mà là một cam kết tập thể để bảo vệ hành tinh và bảo đảm lương thực cho các thế hệ tương lai.
Công nghệ là yếu tố then chốt
Theo Phó Chủ tịch Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) Donald Brown, công nghệ không chỉ là công cụ mà còn là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Ông đề cập các sáng kiến như nông nghiệp chính xác, nền tảng kỹ thuật số, biotechnology và quản lý tài nguyên thông minh như nước và đất, nhằm tối ưu hóa năng suất, giảm thiểu chất thải và duy trì tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Khuyến nghị về chính sách, Phó Chủ tịch Quỹ IFAD cho rằng, cần có sự hợp tác toàn diện giữa các bên công-tư-nông dân để xây dựng một hệ thống lương thực bền vững.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Ethiopia, Girma Amente ứng dụng công nghệ là điều quan trọng giúp tăng năng suất trong nông nghiệp. Sử dụng nông nghiệp thông minh, thân thiện với khí hậu sẽ giúp tăng cường năng suất ở đồng bằng, hỗ trợ khu vực trung nguyên, cao nguyên.
![]() |
Ông Girma Amente, Bộ trưởng Nông nghiệp Ethiopia, chia sẻ tại phiên thảo luận. |
Ngoài ra, cần có các biện pháp nâng cao năng lực cho người dân địa phương, mở rộng cơ khí hóa nông nghiệp, hỗ trợ và ưu đãi thuế quan. Cần xây dựng các chương trình dịch vụ để cung cấp đào tạo kỹ năng cho lao động nông nghiệp, xây dựng mục tiêu khí hậu nhắm tới giảm phát thải carbon, xây dựng nông nghiệp thông minh thân thiện với khí hậu.

[Ảnh] Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu lần thứ tư
Chia sẻ kinh nghiệm từ Nam Phi, Thứ trưởng Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Narend Singh, cho biết, một số công ty khởi nghiệp ở nước này đã đưa ra sáng kiến về áp dụng công nghệ để thu thập dữ liệu, giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra các điều luật hợp lý, hay sử dụng năng lượng Mặt trời và tái tạo để bảo vệ nông nghiệp.
Ông Singh lưu ý, trong một thế giới đang phân mảnh, đối mặt nhiều vấn đề địa chính trị, kinh tế, nhiều quốc gia đang bị bỏ lại phía sau vì biến đổi khí hậu, trong đó, các ngành nông lâm nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề đòi hỏi phải có những lựa chọn sáng suốt để bảo đảm môi trường bền vững.
Thứ trưởng Nam Phi đề xuất một số giải pháp như áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng nước bền vững, bảo vệ sức khỏe đất và tìm ra biện pháp bảo đảm bền vững đất, cùng với đó, giúp đỡ, hỗ trợ các hộ dân nhỏ tiếp cận các kiến thức về bảo vệ nguồn đất, nước.
"Cần bảo đảm cơ hội cả hai bên cùng thắng để thay đổi được nền nông nghiệp và có các tác động tích cực với môi trường", ông Singh nói.