Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em để ứng phó với các hành vi nguy hiểm

Thời gian qua, nhiều vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại đã xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em, đây là thực trạng đau lòng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. 

Sự quan tâm, thấu hiểu từ cha mẹ là yếu tố then chốt giúp trẻ tránh khỏi các hành vi bạo lực.
Sự quan tâm, thấu hiểu từ cha mẹ là yếu tố then chốt giúp trẻ tránh khỏi các hành vi bạo lực.

Nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh truyền thông, giáo dục kỹ năng sống, giúp trẻ nhận biết và ứng phó với các hành vi nguy hiểm.

Ngày 22/6/2025, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận điều trị cho một bé gái 3 tháng tuổi bị xâm hại tình dục. Sự việc gây phẫn nộ trong dư luận xã hội, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ em bị xâm hại. Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ trẻ em; phòng chống xâm hại trẻ em sau hàng loạt các vụ việc đau lòng xảy ra.

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2024, cơ quan chức năng đã khởi tố 2.361 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 1.927 vụ xâm hại tình dục, chiếm 81,6%. Thống kê cho thấy, chỉ riêng ở Bệnh viện Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh) trong hai năm qua đã tiếp nhận gần 800 trường hợp “trẻ em sinh con”.

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị xâm hại là do thiếu kỹ năng sống, kỹ năng nhận biết nguy cơ và ứng phó với tình huống nguy hiểm, dẫn đến không phản kháng hoặc không tìm kiếm được sự giúp đỡ. Theo TS, BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương: Việc giáo dục giới tính từ sớm rất quan trọng. Ở từng giai đoạn phát triển, trẻ cần được trang bị kiến thức phù hợp để biết cách bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại tình dục, giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Việc giáo dục giới tính từ sớm rất quan trọng. Ở từng giai đoạn phát triển, trẻ cần được trang bị kiến thức phù hợp để biết cách bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại tình dục, giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

TS, BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương

Một nguyên nhân đáng lo ngại khác là trẻ thiếu sự quan tâm, chia sẻ từ chính người thân trong gia đình. Đáng buồn, nhiều vụ việc đau lòng cho thấy kẻ xâm hại thường là người quen, lợi dụng sự tin tưởng của gia đình nạn nhân để tiếp cận và thực hiện hành vi sai trái. Không ít trường hợp, do nhận thức hạn chế, thái độ bao che hoặc dung túng từ chính người thân của các em đã vô tình tiếp tay cho tội ác.

Ngoài ra, tình trạng bạo hành, bạo lực với trẻ em cũng xuất hiện nhiều trong những năm gần đây, chủ yếu trong gia đình hoặc tại các cơ sở nuôi dạy trẻ. Gần 90% số vụ bạo hành trẻ mầm non do báo chí phản ánh xảy ra tại các cơ sở ngoài công lập - nơi thiếu sự giám sát và đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn...

Bạo lực đối với trẻ không chỉ dừng ở thể xác, mà còn bao gồm cả bạo lực ngôn từ, tinh thần, những lời xúc phạm, bôi nhọ gây tổn thương nghiêm trọng về tâm lý. Tình trạng này thể hiện rõ trên không gian mạng, nơi trẻ em ngày càng tiếp cận sớm với internet và mạng xã hội. Không ít vụ việc trẻ bị cô lập, dụ dỗ, lôi kéo rồi lăng mạ bằng ngôn từ độc hại trên mạng xã hội đã để lại hậu quả đau lòng. Bạo lực học đường cũng xuất hiện nhiều, trong đó bạo lực về tinh thần cũng đáng sợ không kém bạo lực thể xác.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động truyền thông, kêu gọi cộng đồng tăng cường bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trọng tâm là trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện và tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại.

Đặc biệt, Tổng đài 111 - dịch vụ công đặc biệt theo Luật Trẻ em 2016 hoạt động 24/7, tiếp nhận và xử lý thông tin, tố giác nguy cơ xâm hại trẻ từ các cá nhân, tổ chức, cơ sở giáo dục và gia đình. Ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế), cho biết: Những năm qua, Tổng đài 111 đã trở thành chỗ dựa an toàn cho trẻ em. Tùy theo nội dung, cán bộ tổng đài sẽ áp dụng phương thức xử lý phù hợp, như trao đổi qua mạng xã hội, gọi lại để xác minh thông tin; với các vụ việc nghiêm trọng như xâm hại, bạo hành, thông tin sẽ được chuyển ngay tới cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời xử lý.

Có thể bạn quan tâm

back to top