Tại các trường mầm non, không khí chào mừng ngày đại thắng tháng 4 thật rộn ràng, sinh động. Những mô hình tái hiện trận đánh lịch sử, những bức tranh đầy mầu sắc từ chính bàn tay non nớt vẽ nên, những câu chuyện giản dị về lòng dũng cảm, ý chí quật cường của quân và dân ta… tất cả đã được truyền tải qua từng tiết học, buổi sinh hoạt. Bằng phương pháp gần gũi, sinh động, thầy cô giáo đã thắp lên trong các em niềm tự hào dân tộc, để những mốc son lịch sử trở thành ký ức đầu đời ấm áp và thiêng liêng.
Không chỉ dừng lại ở khuôn viên từng trường học, tinh thần ấy còn lan tỏa mạnh mẽ qua các hoạt động cộng đồng. Ngày hội phát triển giáo dục mầm non Thành phố Hồ Chí Minh - một hoạt động nổi bật do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đã quy tụ đông đảo giáo viên, phụ huynh và các em nhỏ. Tại đây, các em được trải nghiệm, tham quan những mô hình sinh động như xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, tái hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những bước chân nhỏ bé tung tăng, những đôi mắt tròn xoe chăm chú lắng nghe, ngắm nhìn như đang dệt nên sợi dây kết nối vô hình nhưng bền chặt giữa thế hệ hôm nay với những năm tháng oai hùng của dân tộc.
Trong tiếng nhạc hào hùng, các em nhỏ biểu diễn thể dục trong đồng phục cờ đỏ sao vàng, hào hứng với trò chơi “bé tập làm chiến sĩ”, say mê với những bức tranh non sông liền một dải… Mỗi hoạt động đều là cách gieo vào tâm hồn các em những hạt giống yêu nước đầu tiên, để mai này khi lớn lên, trong tim các em luôn trào dâng niềm tự hào, ý chí vươn lên vì đất nước.
Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ “măng non” được Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, năm 1975, khi điều kiện vật chất còn vô cùng thiếu thốn, thành phố đã đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục mầm non bằng những cơ sở nhỏ lẻ đầu tiên. Sự ra đời của những ngôi trường như Mầm non 19/5, Mầm non Thành phố… không chỉ là bước đi tiên phong, mà còn thể hiện tầm nhìn sâu rộng: Chăm lo cho trẻ em chính là chăm lo cho tương lai đất nước.
Qua từng giai đoạn phát triển, giáo dục mầm non thành phố đã có những bước tiến vượt bậc. Từ vài trăm cơ sở ban đầu, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 3.250 cơ sở giáo dục mầm non khang trang, hiện đại trải đều khắp các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, đội ngũ giáo viên ngày càng chuyên nghiệp, các chương trình giáo dục liên tục được đổi mới theo hướng tích hợp, chú trọng phát triển kỹ năng sống, tư duy sáng tạo và giá trị nhân văn cho trẻ. Những thành tựu ấy không chỉ là niềm tự hào riêng của ngành giáo dục, mà còn là minh chứng sống động cho sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đối với sự nghiệp “trồng người”. Mỗi mái trường mầm non hôm nay thật sự là những “ngôi nhà hạnh phúc”, nơi trẻ em được lớn lên trong tình yêu thương, trong không gian tràn đầy cảm hứng, tự hào về dân tộc.
Gieo mầm yêu nước cho thế hệ “măng non” là một hành trình bền bỉ, đòi hỏi sự chung tay vun đắp của toàn xã hội. Bởi tình yêu nước không thể cưỡng cầu hay đợi đến khi trưởng thành mới hình thành. Ngay từ khi còn bé, qua những câu chuyện lịch sử kể bằng ngôn ngữ trẻ thơ, những hành động nhỏ như vẽ lá cờ, hát bài ca đất nước, thăm di tích lịch sử… tình yêu nước đã âm thầm thấm vào tâm hồn các em, trở thành một phần bản sắc, động lực sống và cống hiến.
Trách nhiệm này, trước hết thuộc về nhà trường, đội ngũ thầy, cô giáo. Bên cạnh đó là các bậc phụ huynh - những người đồng hành bền bỉ, truyền cho con niềm tự hào về lịch sử dân tộc qua những câu chuyện đời thường. Và rộng hơn là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi công dân nước Việt hôm nay.