Là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang gánh vác vai trò đầu tàu trong công cuộc phát triển. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, bộ máy hành chính cấp xã phải chịu sức nặng của sự phân tán, thiếu gắn kết vùng, khiến nguồn lực bị dàn trải, hiệu quả phục vụ chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của thành phố.
Việc duy trì quá nhiều đơn vị hành chính nhỏ dẫn đến hệ lụy không nhỏ: chồng chéo chức năng, đội ngũ cán bộ bị phân tán, ngân sách hành chính tiêu tốn trong khi người dân lại phải đi qua nhiều khâu trung gian để tiếp cận dịch vụ công. Đó không chỉ là bất cập về tổ chức, mà còn là lực cản cho mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, minh bạch. Do đó, sắp xếp lại đơn vị hành chính không đơn thuần là gộp địa giới. Đây là một cuộc tái cấu trúc hệ thống quản trị cấp cơ sở - nơi trực tiếp thực thi chính sách, tiếp xúc người dân và tiếp nhận phản hồi từ thực tiễn. Một khi bộ máy được tinh gọn, nguồn lực được tập trung, thì hiệu quả điều hành sẽ nâng lên, người dân cũng sẽ được phục vụ nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Dĩ nhiên, bất kỳ sự thay đổi nào cũng kéo theo tâm lý băn khoăn, thậm chí lo lắng. Người dân có thể đặt câu hỏi về tên gọi địa phương, về trụ sở mới, về nơi sinh hoạt cộng đồng... Nhưng những lo toan ấy cần được đặt trong một cái nhìn xa hơn - vì tương lai của một chính quyền đô thị hiện đại, vì lợi ích lâu dài của cộng đồng dân cư.
Kinh nghiệm từ các quốc gia và địa phương thành công cho thấy, muốn phát triển nhanh và bền vững, không thể trói mình trong tư duy cục bộ. Những thành phố năng động là những thành phố dám thay đổi, dám gỡ bỏ những mô hình đã cũ để vươn tới những chuẩn mực mới. Với vai trò tiên phong, Thành phố Hồ Chí Minh càng cần đi đầu trong thực hiện các chủ trương lớn, làm hình mẫu để các đô thị khác nhìn vào, học hỏi và noi theo. Điều đáng mừng là trong quá trình lấy ý kiến, phần lớn người dân đã thể hiện sự đồng thuận, ủng hộ. Đây là nền tảng quan trọng để biến một quyết sách từ trên xuống thành phong trào lan tỏa từ cơ sở - nơi người dân không chỉ là đối tượng chịu tác động, mà là chủ thể tham gia.
Tuy nhiên, để sự đồng thuận ấy trở thành động lực, công tác tuyên truyền phải được thực hiện sâu rộng, bài bản, thuyết phục và gần dân. Chính quyền các cấp không chỉ nói cho dân hiểu, mà còn phải lắng nghe để điều chỉnh cho hợp lý. Đó chính là thể hiện trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, đồng thời là minh chứng cho tinh thần cầu thị, dân chủ và vì dân. Muốn người dân an tâm, chính quyền phải chứng minh được lợi ích thiết thực: rút ngắn thời gian làm giấy tờ, giảm thủ tục hành chính rườm rà, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Phải để người dân thấy rõ rằng họ đang được phục vụ tốt hơn, nhanh hơn - đó mới là thước đo chân thực nhất của hiệu quả cải cách.
Giảm còn 102 đơn vị hành chính cũng không phải là chuyện “gộp lại cho gọn”, mà là một thông điệp cải cách sâu rộng. Đây là điểm khởi đầu cho một bước phát triển - nơi chính quyền tinh gọn, vận hành thông minh, kết nối công nghệ - con người - dữ liệu một cách tối ưu, hướng đến một nền hành chính hiện đại, kiến tạo và phục vụ.
Một bộ máy được tổ chức khoa học sẽ là nền móng vững chắc để Thành phố Hồ Chí Minh hiện thực hóa những mục tiêu lớn: chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế xanh, hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Không phải là mất đi-mà là lớn lên. Không phải là chia tách cộng đồng - mà là kết nối tốt hơn. Đó là tinh thần mà thành phố cần lan tỏa trong hành trình cải cách vì một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình ■