Triển khai hiệu quả gói tín dụng 500.000 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai gói tín dụng ưu đãi 500.000 tỷ đồng cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược, đã có 21 ngân hàng đăng ký tham gia.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm công nghệ mới chăm sóc sức khỏe.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm công nghệ mới chăm sóc sức khỏe.

Bốn ngân hàng thương mại nhà nước đăng ký tham gia 240.000 tỷ đồng, tương đương mỗi ngân hàng 60.000 tỷ đồng. Ngoài ra, 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký 20.000 tỷ đồng mỗi đơn vị; năm ngân hàng tham gia khoảng 4.000 tỷ đồng/ngân hàng. Các ngân hàng đưa ra mức ưu đãi tối thiểu là 1% lãi suất so với lãi suất thông thường bình quân hiện nay của các ngân hàng thương mại đang cho vay; thời gian ưu đãi tối thiểu là hai năm.

Triển khai gói tín dụng ưu đãi 500.000 tỷ đồng là sự vào cuộc nhanh chóng và kịp thời của ngành ngân hàng nhằm thực hiện chủ trương lớn tập trung nguồn lực đầu tư vào hai lĩnh vực chủ chốt để phát triển bền vững nền kinh tế trong giai đoạn mới là: Hạ tầng và công nghệ số. Để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, hai lĩnh vực này đòi hỏi phải được ưu tiên đầu tư sớm và thỏa đáng với vốn đầu tư dài hạn, làm nền tảng cho các ngành, nghề khác.

Gói tín dụng ưu đãi 500.000 tỷ đồng sẽ đáp ứng niềm mong mỏi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng và công nghệ số. Chia sẻ kỳ vọng về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số, lãnh đạo một tập đoàn công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm các quốc gia và vùng lãnh thổ đi trước và thành công. Đó là bài học của Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) sớm đưa ra những khoản tài trợ rất lớn cho doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn suốt 10 năm cho đến khi doanh nghiệp đó đứng vững. Nhà nước phải có những chính sách hỗ trợ tương tự. Và chính sách này phải đến tận tay những đơn vị làm thật, tránh đầu tư vào những đơn vị hình thức rồi cuối cùng lãng phí vốn liếng.

Được kỳ vọng tạo “cú huých” mạnh mẽ cho đầu tư vào hạ tầng, công nghệ số, nhưng để gói tín dụng này đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả là bài toán khó khăn trong bối cảnh nhiều gói tín dụng ưu đãi đang được triển khai, có chương trình được giải ngân rất tốt nhưng cũng vẫn có gói tín dụng bị vướng mắc bởi một số yếu tố như doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện vay vốn, nên nhiều khi gói vay ưu đãi chỉ “nằm trên giấy”.

Để gói tín dụng 500.000 tỷ đồng được khơi thông, cần tháo gỡ các điểm nghẽn. Trước hết, đối tượng hưởng ưu đãi phải được xác định rõ. Trong lĩnh vực hạ tầng và công nghệ số, có hàng trăm, hàng nghìn dự án; do đó, phải xác định rõ dự án nào là hạ tầng trọng điểm, thế nào thì được tính là dự án “công nghệ số” để tập trung nguồn lực hiệu quả. Điểm nghẽn nữa là cho vay đầu tư hạ tầng thường có thời hạn dài (ít nhất là 5-10 năm), trong khi các ngân hàng thương mại đang chủ yếu huy động vốn ngắn hạn. Do đó, cần cơ cấu, tính toán để bảo đảm kế hoạch cung ứng nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, cũng như bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Chính vì vậy, các bộ, ngành chức năng và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để làm rõ các đối tượng cùng thành phần, lĩnh vực hay dự án cần sự hỗ trợ của gói này. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần có kế hoạch, định hướng nhu cầu vốn cho các dự án trong từng giai đoạn để ngành ngân hàng cân đối nguồn vốn cho vay. Đồng thời, các ngân hàng tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cũng cần có kế hoạch chủ động nguồn vốn, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để bảo đảm cam kết.