Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội lần thứ XI đã khép lại với đồng giải nhất (bảng chuyên nghiệp) giành cho hai thí sinh Nguyễn Thu Phương (Quảng Bình) và Vũ Thắng Lợi (Đại học Văn hóa Nghệ thuật). Tại bảng không chuyên, không có giải nhất được trao nhưng giải nhì được giành cho thí sinh cao tuổi Lê Xuân Hiền (Hà Nội, 62 tuổi).
Chất lượng chưa xứng với đẳng cấp giải
Với 10 lần tổ chức, Giọng hát hay Hà Nội được đánh giá là một trong những giải thưởng có uy tín, có chất lượng chuyên môn cao nhất hiện nay tại Hà Nội, chính nó đã góp phần tìm ra nhiều giọng ca hay của Thủ đô, là chiếc nôi sự nghiệp đầu tiên của nhiều ngôi sao trong làng âm nhạc Việt Nam hiện nay như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tấn Minh, Trọng Tấn, Hồ Quỳnh Hương... Tuy nhiên nếu theo dõi cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2008 được tổ chức lần thứ XI vừa diễn ra cách đây ít hôm, những người yêu mến cuộc thi sẽ không khỏi lo lắng cho sự ngày càng đi xuống của giải.
Nếu như các cuộc thi trước là một sân chơi sôi nổi, được đông đảo những ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp của các đoàn, các trường đào tạo âm nhạc tại thủ đô Hà Nội tham gia thì cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội lần thứ XI diễn ra khá “im hơi lặng tiếng”. Các thông tin tuyển thí sinh được Sở văn hóa thông tin Hà Nội gửi trực tiếp tới các trường đào tạo chuyên nghiệp nên hầu hết thí sinh biết đến và tham dự cuộc thi là do được trường hoặc qua bạn bè giới thiệu. Các phương tiện truyền thông hầu như không được thông báo về cuộc thi. Chính vì vậy mà ngay cả khi đã bước vào vòng chung khảo thì chỉ có rất ít phóng viên báo đài biết nó đang diễn ra.
Tại cuộc thi lần thứ 10 năm 2004, cuộc thi được chia làm ba dòng nhạc: giao hưởng, thính phòng và nhạc nhẹ thì cuộc thi lần này lại được chia làm hai bảng là bảng không chuyên dành cho các ca sĩ phong trào và bảng chuyên nghiệp dành cho các học sinh, sinh viên các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.
Sáu buổi chung khảo được tổ chức tại sân khấu ngoài trời bên Đền Bà Kiệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội tuy thu hút được một lượng khán giả đi chơi trên đường dừng lại ghé xem nhưng cũng bộc lộ nhiều nhược điểm. Chính không gian, chất lượng âm thanh của sân khấu ngoài trời cùng sự “cổ vũ thờ ơ” của khán giả đường phố đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến phần biểu diễn của số đông thí sinh lần đấu đứng trên sân khấu. Nhiều thí sinh có giọng hát hay đã không thể hiện được mình trong một điều kiện như vậy.
|
Có lẽ để khắc phục nhược điểm này, tại vòng chung kết, BTC đã đưa các thí sinh vào rạp Khăn quàng đỏ, Cung thiếu nhi Hà Nội để dự thi. Tuy nhiên chất lượng âm thanh sân khấu vẫn có vấn đề. Vòng chung kết được diễn ra ba đêm thì cả ba đêm âm thanh đều có sự khác biệt và không đồng nhất. Khá nhiều thí sinh sau khi biểu diễn đêm đầu tiên khi bước xuống khán đài đều phân trần “nhạc nhỏ quá, trên sân khấu không nghe thấy gì”.
Đêm thứ hai chất lượng âm thanh tốt hơn nhưng cả hai đêm này, các thí sinh đều sử dụng nhạc nền có sẵn để thi. Riêng đêm xếp hạng, BTC bố trí ban nhạc phục vụ nhưng không ít thí sinh vẫn sử dụng nhạc đã ghi sẵn. Ca sĩ Trọng Tấn (giải Nhất cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 1997) cho biết:
“Tại các cuộc thi trước, không có chuyện thí sinh được hát với nhạc đã được thu sẵn. Các thí sinh đều phải thi hát với ban nhạc, vì nhạc sống sẽ mang hơi thở và sinh lý đúng của con người hơn. Dù hay dù dở, dù thành công hay thất bại thì nó không mang tính máy móc, các thí sinh có thể biểu lộ được chất giọng, tình cảm của thí sinh”.
Giọng hát hay Hà Nội không chỉ là một cuộc thi hát mà nó còn có ý nghĩa sinh hoạt chính trị bổ ích dành cho mọi công dân đang sinh sống và học tập trên địa bàn Thủ đô tham gia. Nhưng vì không được tuyên truyền tích cực nên ý nghĩa này không đạt được hiệu quả.
Dù được tổ chức trùng với ngày lễ lớn 30.04 và 01.05 nhưng số lượng khán giả đến theo dõi cuộc thi không quá được 100 người. Chủ yếu là BTC, thí sinh, người nhà thí sinh và trẻ em vui chơi ở ngoài vào xem... Những cô bé, cậu bé thoải mái hò hét chạy đùa trên khán đài nhưng không một ai trong BTC can thiệp. Đêm chung kết xếp hạng tuy đông hơn với khoảng 200 người nhưng vẫn diễn ra tình trạng đi lại lộn xộn, nói chuyện riêng, thiếu chuyên nghiệp.
Mới là triển vọng hát hay
Nhìn một cách khách quan thì Giọng hát hay Hà Nội 2008 chưa thực sự tìm ra được những giọng ca xuất sắc. Dẫu cho giải nhất của bảng chuyên nghiệp được dành cho hai thí sinh là Nguyễn Thu Phương (Quảng Bình) và Vũ Thắng Lợi đến từ Đại học Văn hóa Nghệ thuật thì đây cũng không hẳn là những giọng hát nổi trội hơn hẳn các thí sinh khác. Yếu tố mới, yếu tố lạ hay sự chuyên nghiệp bài bản trong giọng hát vẫn chưa rõ nét. Sẽ là một sự khập khiễng để so sánh nhưng rõ ràng nếu so với giải nhất của Hồng Nhung, Mỹ Linh hay của Trọng Tấn, Tấn Minh giành được từ những năm trước thì rõ ràng Thu Phương và Thắng Lợi không có nhiều nội lực để tiến xa hơn.
Nếu từng chứng kiến Thu Phương hát khi tham dự Sao Mai 2007 và bị loại tại vòng chung kết khu vực miền Trung rồi so sánh với Thu Phương của Giọng hát hay Hà Nội 2008 có thể thấy rằng phong cách, kỹ thuật xử lý bài hát của Phương không có nhiều tiến bộ. Thành công lớn nhất của Phương có lẽ là đã biết cách chọn bài hát phù hợp với tiêu chí giải đưa ra. Cô hát sạch sẽ nhưng không có nhiều cảm xúc. Trường hợp của Vũ Thắng Lợi cũng không tạo được ấn tượng mạnh ngoài việc đây là một chất giọng ổn nhưng không có gì đặc biệt.
Một số gương mặt được coi là triển vọng tại cuộc thi này như Trần Hoàng Anh (Hà Nội), Nguyễn Văn Chung (Thanh Hóa), Phạm Hồng Anh (Hà Nội), Lê Công Phước (Đắk Lắc) tuy đã có nhiều tiến bộ so với các cuộc thi trước nhưng lại vấp váp trong việc chọn bài, giữ sức, mất bình tĩnh khi xử lý ca khúc nên kết quả nhận được không cao. Hầu hết các ca khúc được chọn để thể hiện là các ca khúc cũ hoặc ca khúc đã gắn liền tên tuổi với các ca sĩ thành danh đã được mài mòn qua hấu hết các cuộc thi nên sức hấp dẫn của các phần thi dành cho khán giả không nhiều.
Rất nhiều các thí sinh trước, trong và sau cuộc thi tâm sự tham gia Giọng hát hay Hà Nội 2008 chỉ là để lấy kinh nghiệm bước tiếp vào các cuộc thi ngang bằng hoặc cao hơn, mang tính quy mô hơn. Những giải thưởng chỉ mang ý nghĩa khích lệ, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng (phần thưởng của giải nhất chỉ là 3 triệu đồng) nên các thí sinh đoạt giải cũng không tỏ rõ mấy sự hạnh phúc và vinh quang.
Nguyễn Văn Chung (Thanh Hóa), Phạm Hồng Anh (Hà Nội) đoạt giải nhì cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2008 sẽ tiếp tục “nhảy” sang cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội 2008 sắp diễn ra trong vài ngày tới. Sau đó sẽ là thời gian để chuẩn bị tham dự cuộc thi Sao Mai 2009. Trần Hoàng Anh (Hà Nội) giải khuyến khích cũng đã đăng ký hồ sơ tham dự Sao Mai Điểm Hẹn 2008.
Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội lần thứ XII sẽ được tổ chức năm 2010 để kỷ niệm ngày lễ lớn 1000 năm Thăng Long - Đông Đô – Hà Nội.