Khi trang phục gắn liền với văn hóa dân tộc
Giờ ra chơi, khuôn viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Kon Plông như bừng lên sức sống. Những hàng cây xanh làm nền cho sắc màu tươi thắm của trang phục truyền thống các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Hrê,… lấp lánh theo từng bước chân, nụ cười.
Dù nhà trường chỉ quy định học sinh mặc trang phục dân tộc vào thứ hai và thứ sáu hằng tuần, nhưng nhiều em vẫn chọn mặc vào những ngày học bình thường. Với các em, đó không còn là quy định bắt buộc mà đã trở thành niềm yêu thích tự nhiên, là cách thể hiện niềm tự hào.
Thầy Phan Anh Khánh, Hiệu trưởng chia sẻ: “Chúng tôi xác định giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh không thể chỉ nằm trên sách vở mà phải bằng hành động cụ thể, trực quan sinh động để các em tự cảm, tự hiểu và tự yêu lấy văn hóa của mình. Việc mặc trang phục truyền thống là một trong những cách thiết thực nhất”.
Không chỉ dừng lại ở hình thức, Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Kon Plông còn lồng ghép nội dung giáo dục bản sắc dân tộc vào từng môn học. Ở môn Mỹ thuật, học sinh học cách phối màu, tìm hiểu ý nghĩa của từng họa tiết hoa văn thổ cẩm. Môn Ngữ văn giúp các em cảm nhận vẻ đẹp của trang phục dân tộc qua hình tượng thơ văn.
Ở môn Âm nhạc, các em được giới thiệu về giai điệu cồng chiêng, điệu múa xoang và nghi thức lễ hội, nơi những trang phục truyền thống giữ vai trò trung tâm. Em Y Hương chia sẻ: “Qua mỗi môn học, em hiểu thêm vì sao váy áo dân tộc mình lại dùng màu chàm làm chủ đạo, vì sao các hoa văn thường gắn với núi rừng, với chim thú.
Em thấy mỗi bộ trang phục như kể lại câu chuyện của dân tộc mình. Em rất tự hào khi được khoác lên mình bộ váy của người Xơ Đăng”.
Song song với việc tích hợp trong chương trình học, nhà trường còn chú trọng đến hoạt động ngoại khóa và không gian học tập mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Từ mô hình nhà rông, cây nêu, tượng gỗ cho đến gian trưng bày các loại trang phục truyền thống… tất cả đều được giáo viên và học sinh cùng nhau xây dựng, chăm chút.
Nhờ đó, mỗi góc nhỏ của trường đều mang một phần hồn của dân tộc. Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh các chuyến tham quan làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong các chuyến đi ấy, các em đều mặc trang phục truyền thống, giao lưu với người dân địa phương, tìm hiểu quy trình dệt vải, thêu hoa văn, từ đó có cái nhìn sống động hơn về giá trị lao động và tinh thần gửi gắm trong từng đường kim mũi chỉ.
Để sắc màu truyền thống hòa nhịp tuổi trẻ
Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum là nơi hội tụ học sinh của 15 dân tộc anh em. Không gian sinh hoạt tại trường vào dịp lễ hội luôn rộn ràng sắc màu văn hóa. Những bộ váy áo truyền thống kết nối học sinh bằng tinh thần gắn bó và tự hào.
Thời gian qua, song song với việc dạy và học, nhà trường luôn chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa dân tộc như liên hoan ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, thi thiết kế mô hình… trong đó, trang phục dân tộc là yếu tố bắt buộc và được các em hưởng ứng rất tích cực”.
Em Bùi Thúy Quỳnh, dân tộc Mường, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum cho biết: “Em rất thích mặc váy truyền thống của dân tộc mình. Mỗi lần mặc là một lần em thấy mình gắn bó hơn với quê hương, với văn hóa của cha ông. Em cũng rất thích tìm hiểu váy áo của các dân tộc bạn.
Qua đó, chúng em thấy mình khác nhau về ngôn ngữ, phong tục nhưng đều rất giàu bản sắc và đáng trân trọng”. Từ những hoạt động nhỏ ở nhà trường, các em học sinh dần thấm thía giá trị truyền thống không chỉ là thứ để “khoe” trong dịp lễ, mà còn là một phần trong bản sắc cá nhân.
Đồng thời, các em được hướng dẫn cách nhận diện đặc trưng của từng kiểu trang phục, cách phân biệt hoa văn giữa các dân tộc và cách thức tạo tác theo đúng truyền thống. Đây là những kiến thức mà sách giáo khoa thông thường không thể cung cấp, nhưng lại rất hữu ích trong việc bồi đắp niềm tự hào trong bản sắc dân tộc cho mỗi học sinh, giúp tình yêu dành cho trang phục truyền thống được nuôi dưỡng, lan tỏa, và lớn dần theo năm tháng.
Em A Viên, người dân tộc Xơ Đăng, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum bày tỏ: “Mỗi lần có dịp mặc trang phục truyền thống, em lại thấy mình như được sống trong không gian của làng, của lễ hội quê em. Chính vì vậy, em rất trân trọng và giữ gìn trang phục.
Ở trường, em được thầy cô giải thích kỹ hơn về nguồn gốc họa tiết, điều đó giúp em hiểu rằng, váy áo dân tộc không chỉ là trang phục thường ngày mà còn là nơi gìn giữ câu chuyện của người xưa, của cộng đồng mình”.
Trong nhịp sống hiện đại, không thể phủ nhận trang phục truyền thống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số có thể đứng trước nguy cơ mai một khi bị thay thế bởi các kiểu dáng công nghiệp tiện dụng, bắt mắt.
Tuy nhiên, chính tại những ngôi trường trên vùng đất Tây Nguyên, “hạt mầm yêu văn hóa”, trong đó có tình yêu với trang phục truyền thống của dân tộc, vẫn đang được gieo trồng một cách bền bỉ và đầy hy vọng. Sự hiện diện của trang phục truyền thống nơi mái trường không chỉ là nét đẹp thị giác mà còn là ngọn lửa âm ỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
“Giữ lửa” cho trang phục truyền thống cũng là giữ một phần hồn dân tộc. Và thầy, cô cùng với các em học sinh, đang ngày ngày làm điều ấy, bằng tình yêu, bằng ý thức, và cả bằng niềm tin vào một thế hệ trẻ biết trân trọng những giá trị mà cha ông truyền lại.