Những cánh rừng REDD+
Indonesia là quốc gia sở hữu diện tích rừng lớn thứ 3 trên thế giới. Thế nhưng, trong 50 năm qua, hơn 74 triệu ha rừng nhiệt đới tại đây đã biến mất do nạn khai thác gỗ, cháy rừng và các kỹ thuật canh tác không bền vững. Hiện chỉ còn khoảng 20% diện tích rừng nguyên sinh ở nước này còn tồn tại.
Dù luôn bị liệt vào nhóm ba quốc gia có tỷ lệ phá rừng cao nhất thế giới, song Indonesia lại là một trong những nước đi đầu về phát triển tín chỉ carbon rừng thông qua cơ chế giảm phát thải từ suy thoái và mất rừng (REDD+). Các dự án REDD+ giúp thúc đẩy việc bảo vệ rừng, giảm phát thải CO2 từ nạn phá rừng, đồng thời cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Đầu tháng 2 năm nay, cơ quan xếp hạng tín dụng carbon độc lập BeZero đã thăng cấp cho dự án Katingan Mentaya lên AA, với nỗ lực bảo vệ 149.800 ha rừng đầm lầy than bùn nhiệt đới trên đảo Borneo (Indonesia). Điểm số mới được công bố giúp Katingan Mentaya lọt top 1% trong số hơn 487 dự án được kiểm duyệt nghiêm ngặt. Dựa trên Báo cáo tác động của SDG (gồm 17 mục tiêu Phát triển bền vững) cùng Báo cáo quản lý và giảm thiểu cháy rừng, dự án REDD+ Katingan Mentaya được đánh giá cao nhờ khả năng thu giữ và loại bỏ CO2.
Theo Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, kể từ khi triển khai các dự án REDD+, quốc gia này đã giảm hơn 29% lượng khí thải nhà kính trong lĩnh vực sử dụng đất so mức phát thải năm 2010. Con số trên cho thấy giá trị đích thực của tín chỉ carbon rừng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Không chỉ Katingan Mentaya, những dự án như Rimba Raya, Kaliau-Ketapang hay Katingan Peatland góp phần bảo vệ hàng trăm nghìn ha rừng. Chỉ tính riêng Rimba Raya, dự án này đã phát hành khoảng 33,63 triệu tín chỉ carbon, trong đó 25,7 triệu tín chỉ được sử dụng để bù đắp phát thải toàn cầu.
Một điểm đáng lưu ý khác là giá tín chỉ carbon tại các dự án đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe (như Gold Standard hay REDD+ có giám sát nghiêm ngặt) thường cao hơn, lên tới 10-20 USD/tín chỉ so mức trung bình khoảng 2-5 USD. Nếu được sử dụng hiệu quả và minh bạch, khoản tiền thu được có thể tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực, góp phần tái đầu tư vào bảo vệ rừng, giúp cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương, đồng thời đóng góp vào nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu BloombergNEF, nhu cầu về các khoản tín dụng carbon dự kiến sẽ tăng đột biến, với giá trị thị trường lên tới 1 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Một thị trường carbon trị giá 100 tỷ USD sẽ hỗ trợ 17 triệu việc làm trên toàn cầu và đóng góp khoảng 700 tỷ USD hằng năm vào hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.
Hướng đi của đảo quốc sư tử
Với một hướng đi khác, Singapore đã cam kết cung cấp tới 500 triệu USD tài trợ ưu đãi để hỗ trợ sáng kiến “Đối tác tài trợ chuyển đổi châu Á”. Ông Ravi Menon, Giám đốc Điều hành Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), chia sẻ, nỗ lực này nhằm mục đích huy động nguồn vốn từ cả khu vực công và tư để tài trợ cho các dự án khí hậu ở châu Á, qua đó thể hiện sự cống hiến của Singapore trong việc hỗ trợ giảm phát thải carbon trong khu vực.
Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy các dự án khí hậu, quốc gia này còn cho thấy tham vọng trở thành trung tâm giao dịch carbon số 1 khu vực, nơi các công ty có thể mua tín chỉ carbon chất lượng cao từ châu Á hay bất cứ địa điểm nào để bù đắp lượng khí thải nhà kính tạo ra. Chưa hết, Singapore cũng cung cấp các dịch vụ liên quan như giám sát carbon hay xác minh tín chỉ.
Theo Báo cáo của Hội đồng Phát triển Kinh tế (EDB), Singapore có lợi thế để phát triển như một trung tâm giao dịch carbon. Quốc đảo sư tử hoàn toàn có thể trở thành chất xúc tác giúp các nước láng giềng tìm ra nền tảng cho tín dụng carbon của riêng họ nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập. Quá trình này cũng tạo ra các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Singapore. Hơn 100 nhà cung cấp dịch vụ carbon tập trung tại đây là số lượng nhiều nhất được ghi nhận ở Đông Nam Á.
Đến thời điểm này, đã có 16 quốc gia châu Á bày tỏ mong muốn cung cấp tín chỉ carbon cho thị trường toàn cầu. Đặc biệt, khu vực này đã triển khai nhiều giải pháp thiên nhiên để loại bỏ carbon, như: bảo vệ rừng mưa, phục hồi rừng ngập mặn, áp dụng các biện pháp canh tác nông nghiệp tốt...
Và Singapore sở hữu vị thế tốt để hỗ trợ đầu tư, kích thích tăng trưởng, cũng như sử dụng các khoản tín dụng carbon sẵn có trên thị trường. Mặt khác, là một trung tâm hàng không và vận chuyển quốc tế cũng khiến Singapore trở thành điểm đến hấp dẫn cho các Chương trình bù trừ và giảm thiểu carbon cho hàng không quốc tế (CORSIA). Từ năm 2027, các hãng bay có nghĩa vụ pháp lý phải mua tín dụng carbon, nhằm loại bỏ khí thải từ các chuyến bay quốc tế. Trong khi đó, các lĩnh vực khác như vận chuyển dự kiến cũng sẽ bị triển khai các biện pháp tương tự.
Theo EDB, châu Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, nơi có hơn 60% các siêu đô thị và cũng là trung tâm của hàng loạt ngành sản xuất sử dụng nhiều carbon. Dù thị trường carbon tại đây có quy mô còn tương đối nhỏ, nó chắc chắn sẽ phát triển chóng mặt trong những năm tới đây. Nếu sở hữu một trung tâm carbon, EDB ước tính, có thể tạo ra tới 5,6 tỷ USD giá trị gộp cho nền kinh tế Singapore vào năm 2050.