Cụ thể, tại xã Vân Khánh Tây và xã Vân Khanh của huyện An Minh, mưa to trên diện rộng, mưa dông phát triển mạnh trên vùng biển trùng với thời điểm đỉnh triều cường làm nước biển dâng cao nhanh bất thường, tràn qua tuyến đê biển gây ngập sâu, có nơi ngập hơn một mét nước. Sau đó, nước đột ngột rút nhanh cuốn trôi nhà cửa, và nhiều tài sản, đồ dùng trong nhà của các hộ dân sống ven đê thuộc hai xã này.
Ảnh hưởng nặng nề nhất là đoạn đê từ Tiểu Dừa đến Kim Quy dài khoảng 4,5 km bị sạt lở nghiêm trọng. UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp và đang chuẩn bị triển khai biện pháp khắc phục khu vực này, hiện nay đã cắm biển cảnh báo sạt lở.
Theo UBND huyện An Minh, tổng cộng trên địa bàn huyện này có 105 căn nhà bị thiệt hại. Trong đó, nhà bị nước cuốn mất là sáu căn, nhà bị sập là 35 căn, một căn nhà bị tốc mái, 63 căn nhà bị ngập nước thiệt hại tài sản. Tổng thiệt hại ước tính bằng tiền gần bảy tỷ đồng.
Ngoài ra, tại các huyện Châu Thành, An Biên, Vĩnh Thuận, mưa và lốc xoáy đã làm sập 14 nhà; các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, An Biên, Hà Tiên, Phú Quốc, Gò Quao cũng đã có 75 căn nhà bị tốc mái. Thiệt hại tại các huyện này ước tính khoảng hai tỷ đồng.
![]() |
Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Trung, các địa phương có nhà dân bị thiệt hại đã cử lực lượng xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả. Huyện An Minh đã chỉ đạo lực lượng quân sự, công an, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ với tổng số 188 lượt cán bộ, chiến sĩ xuống hiện trường giúp dân di dời, thu gom tài sản, giữ an ninh trật tự. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh cũng xuống An Minh để chỉ đạo các giải pháp ứng phó và thống kê thiệt hại để sớm hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại.
Ngay trong đêm 3 và sáng 4-8, nhiều tổ chức, cá nhân đã đến huyện An Minh hỗ trợ lương thực, mùng, tiền… cho các hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa.
Chiều 4-8, mưa dông còn tiếp tục phát triển trên vùng biển từ An Minh đến Hòn Đất. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh đã cảnh báo các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng chủ động ứng phó. Huyện An Minh, An Biên vận động dân đưa các tàu đánh bắt ven bờ vào nơi neo đậu an toàn, không để người dân nào còn ở lại trên các chòi canh nuôi trồng thủy sản, các hộ dân ven biển chủ động kê kích đồ dùng, tài sản, có biện pháp chống tràn tạm thời, di dời người già, khuyết tật, phụ nữ, trẻ em đến nơi an toàn.
* Ngày 4-8, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tổ chức đoàn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do trận dông, lốc xoáy xảy ra ngày 3-8, làm sập và tốc mái 153 căn nhà và 5 phòng học ở các huyện, thị trên địa bàn. Trong đó, huyện Phụng Hiệp là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất với ba căn nhà bị sập, 55 căn nhà và hai phòng học bị tốc mái. Rất may không có thiệt hại về người.
Đến thăm các hộ dân bị thiệt hại, đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang gửi lời thăm hỏi, động viên bà con, đồng thời trao ba triệu đồng hỗ trợ cho mỗi hộ dân bị thiệt hại, nhằm giúp đỡ người dân sửa chữa lại nhà cửa, vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các địa phương nhanh chóng bố trí lực lượng, cùng người dân khắc phục hậu quả, giúp đỡ người dân dựng lại nhà cửa ổn định đời sống. Chính quyền các địa phương bị thiệt hại do dông lốc phải xuống địa phương nắm tình hình và chỉ đạo trực tiếp, không tổ chức hội họp; rà soát những hộ đặc biệt khó khăn để hỗ trợ kịp thời; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả; chỉ đạo ngành điện lực thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn điện trong khu vực bị ảnh hưởng.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Lữ Văn Hùng đến thăm và trao tiền hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại ở huyện Phụng Hiệp.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát đánh giá mức độ thiệt hại để tổng hợp báo cáo, làm cơ sở hỗ trợ thiệt hại cho người dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Theo khuyến cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong mùa mưa, thiên tai thường xuất hiện bất thường, khi xuất hiện dông lốc, sét đánh... người dân cần tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa vật mang kim loại, không trú ẩn ở những nơi có cành cây lớn; chằng chống nhà cửa, cắt tỉa các cành cây chung quanh nhà để bảo đảm an toàn.