Quang cảnh một buổi trao đổi trong khuôn khổ Chương trình Chống khai thác thủy sản IUU và thúc đẩy nghề cá bền vững ở Đông Nam Á. (Ảnh: HẢI YẾN)
Quang cảnh một buổi trao đổi trong khuôn khổ Chương trình Chống khai thác thủy sản IUU và thúc đẩy nghề cá bền vững ở Đông Nam Á. (Ảnh: HẢI YẾN)

Việt Nam góp phần định hình mạng lưới chống khai thác IUU ở Đông Nam Á

NDO - Tại Đông Nam Á, khu vực có nguồn tài nguyên thủy sản phong phú nhưng cũng chịu áp lực khai thác lớn, Việt Nam đang khẳng định vai trò tiên phong trong kết nối, đào tạo và lan tỏa tri thức nhằm thúc đẩy nghề cá bền vững.

Trong bối cảnh nghề cá toàn cầu đang chịu sức ép lớn từ tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhu cầu cấp thiết về một mạng lưới kiểm soát hiệu quả ngày càng trở nên rõ rệt.

Đáp ứng yêu cầu đó, Việt Nam đang đóng vai trò nòng cốt trong một chương trình quy mô khu vực do Chính phủ Australia tài trợ, nhằm nâng cao năng lực chống khai thác IUU. Thông qua chương trình này, các cán bộ quản lý nghề cá đến từ 8 quốc gia ASEAN, cùng với Đông Timor và Papua New Guinea, được kết nối trong một diễn đàn đào tạo và hợp tác hiếm có, dự kiến kéo dài đến tháng 6/2027.

Giải mã thủy sản - ADN trở thành công cụ kiểm ngư

Một nội dung thực hành nổi bật của chương trình năm 2025 là hướng dẫn kỹ thuật phân tích ADN để xác định giống loài, kích thước và nguồn gốc của các loài cá. Kỹ năng này giúp hỗ trợ công tác giám sát và kiểm tra tính hợp pháp của các tàu cá, cũng như truy xuất nguồn gốc các lô hàng thủy sản xuất nhập khẩu, yêu cầu ngày càng khắt khe trong thương mại quốc tế.

Các cán bộ nghề cá được hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp bởi chuyên gia đến từ Cơ quan Quản lý nghề cá Australia (AFMA), ông David Power, Giám đốc cấp cao chương trình. Ông David nhấn mạnh: “Việc nâng cao năng lực phân tích khoa học cho lực lượng kiểm ngư sẽ giúp các quốc gia trong khu vực không chỉ kiểm soát tốt hơn tình trạng khai thác trái phép, mà còn tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy trong chuỗi cung ứng thủy sản, yếu tố then chốt để hướng đến thị trường toàn cầu”.

Việt Nam góp phần định hình mạng lưới chống khai thác IUU ở Đông Nam Á ảnh 1

Ông David Power đến từ Cơ quan Quản lý nghề cá Australia (AFMA) đang hướng dẫn các cán bộ nghề cá đến từ các nước lấy mẫu phân tích ADN cá. (Ảnh: HẢI YẾN)

Từ góc nhìn chuyên gia tại Việt Nam, ông Trần Văn Hào, Giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, Trường đại học Nha Trang, cho biết: “Các cán bộ tham gia đến từ nhiều quốc gia, mỗi người có xuất phát điểm khác nhau về kỹ năng, nhưng đều thể hiện sự quan tâm lớn đến các phương pháp giám sát hiện đại và giải pháp kỹ thuật chống IUU. Chúng tôi thiết kế chương trình để kết nối lý thuyết với thực tiễn tại hiện trường, đồng thời khuyến khích trao đổi đa chiều để tăng tính ứng dụng sau khi các chuyên gia quay trở về nước”.

Ông Hào cũng nhấn mạnh: “Vai trò của Việt Nam trong chương trình không chỉ là nước đăng cai, mà còn là trung tâm chia sẻ tri thức, thể hiện trách nhiệm khu vực trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU và nâng cao hình ảnh nghề cá Việt Nam trên trường quốc tế”.

Việt Nam góp phần định hình mạng lưới chống khai thác IUU ở Đông Nam Á ảnh 2

Ông Trần Văn Hào, Giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, Trường đại học Nha Trang, trao đổi về Chương trình

Chương trình năm 2025 dự kiến kéo dài 12 tuần là một trong số rất ít chương trình không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới hiện nay tập trung đào tạo chuyên biệt về kỹ năng kiểm ngư và chống khai thác IUU.

Trường đại học Nha Trang, với thế mạnh trong đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản, không chỉ đảm nhiệm vai trò triển khai mà còn đóng vai trò đầu mối kết nối nguồn nhân lực quản lý nghề cá trong khu vực.

ASEAN đồng hành chống IUU: Việt Nam làm trung tâm kết nối

Không dừng lại ở khía cạnh kỹ thuật, chương trình còn hướng tới xây dựng một mạng lưới hợp tác nghề cá khu vực - điều vốn còn thiếu trong quản trị thủy sản Đông Nam Á.

Các học viên được tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, phân tích chính sách, cùng thảo luận các mô hình giám sát hiệu quả, từ đó xây dựng nền tảng cho hợp tác xuyên biên giới, cảnh báo rủi ro và chia sẻ dữ liệu giám sát.

Việt Nam góp phần định hình mạng lưới chống khai thác IUU ở Đông Nam Á ảnh 3
Toàn cảnh một buổi trao đổi của Chương trình Chống khai thác thủy sản IUU và thúc đẩy nghề cá bền vững ở Đông Nam Á. (Ảnh: HẢI YẾN)

Chia sẻ cảm nhận khi tham gia chương trình tại Việt Nam, anh Kantaphat Siricheingpin, chuyên viên pháp lý thuộc Cục Thủy sản Thái Lan, cho biết: “Chương trình cung cấp những kiến thức rất thiết thực về công nghệ giám sát. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách Việt Nam đang chủ động áp dụng khoa học vào kiểm ngư. Việc được học tập trực tiếp tại một quốc gia đang tích cực chống IUU như Việt Nam mang lại cho tôi góc nhìn thực tế và nhiều bài học có thể áp dụng cho Thái Lan”.

Đồng quan điểm, anh Vergara Ivann James Zalameda, cán bộ thuộc Văn phòng Thủy sản Khu vực MIMAROPA (Philippines), chia sẻ: “Ở Philippines, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản còn nhiều hạn chế. Những kỹ năng mà tôi học được tại đây, như phân tích ADN và xác minh tính hợp pháp của tàu cá, sẽ rất hữu ích khi tôi trở về công tác. Sự hỗ trợ tận tình từ các chuyên gia giúp tôi tự tin hơn trong việc áp dụng các công cụ mới”.

Những chia sẻ trên không chỉ phản ánh hiệu quả thiết thực của chương trình, mà còn cho thấy niềm tin của các nước trong khu vực vào vai trò điều phối, dẫn dắt của Việt Nam trong lĩnh vực đầy thách thức này.

Định hình mạng lưới, hướng tới phát triển nghề cá bền vững

Trong bối cảnh áp lực toàn cầu về phát triển nghề cá bền vững ngày càng gia tăng, chương trình Chống khai thác thuỷ sản IUU và thúc đẩy nghề cá bền vững ở Đông Nam Á dưới sự dẫn dắt của Việt Nam mang ý nghĩa chiến lược. Không chỉ là nơi truyền đạt kỹ năng, đây còn là nền tảng kiến tạo một cộng đồng nghề cá khu vực - nơi các quốc gia cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, cùng gìn giữ đại dương và cùng hướng đến tương lai bền vững.

Việt Nam góp phần định hình mạng lưới chống khai thác IUU ở Đông Nam Á ảnh 5

Mua bán hải sản tại cảng cá Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi. (Ảnh: HIỂN CỪ)

Anh Kantaphat Siricheingpin, chuyên viên pháp lý của Cục Thủy sản Thái Lan, chia sẻ thêm: “Tôi đánh giá cao các phiên thảo luận đa chiều với cán bộ, chuyên gia đến từ nhiều quốc gia. Qua đó, tôi nhận ra rằng nhiều thách thức về IUU không chỉ là vấn đề riêng của từng nước, mà mang tính xuyên biên giới và cần được xử lý bằng hợp tác khu vực”.

Trong khi đó, anh Vergara Ivann James Zalameda, cán bộ thuộc Văn phòng Thủy sản Khu vực MIMAROPA (Philippines), nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ học từ giáo trình, mà còn học từ việc lắng nghe ý kiến của nhau. Các cuộc trao đổi nhóm giúp tôi hiểu rõ hơn về hệ thống pháp lý, cách tổ chức lực lượng kiểm ngư của các quốc gia khác. Điều này rất quan trọng nếu chúng tôi muốn xây dựng một mạng lưới giám sát khu vực hiệu quả”.

Sau hai năm triển khai, chương trình đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, từ việc hình thành mạng lưới thông tin hiệu quả đến việc lan tỏa kỹ năng về kiểm ngư tại các quốc gia tham gia. Trong giai đoạn tiếp theo, chương trình dự kiến sẽ mở rộng thêm các nội dung về giám sát bằng vệ tinh, mô hình đồng quản lý cộng đồng và cải thiện khuôn khổ pháp lý về IUU trong khu vực.

Việc Việt Nam đóng vai trò trung tâm trong chương trình không chỉ góp phần nâng cao năng lực nội tại mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây cũng là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm hiện đại hóa nghề cá, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong giám sát và quản lý dữ liệu.

back to top