- Cán mốc 2,3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện
Tính đến ngày 31/12/2024, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 2,3 triệu người, tăng 10,2 lần so với năm 2017 - trước khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 28-NQ/T.Ư. Ông Hoàng Văn Ba (phường Hợp Minh, TP Yên Bái) từng là cán bộ công tác tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến tuổi nghỉ hưu mới có gần 14 năm đóng BHXH bắt buộc, còn thiếu 6 năm 2 tháng nữa mới đủ 20 năm đóng BHXH. Sau khi tìm hiểu, ông quyết định đóng BHXH tự nguyện một lần cho số thời gian còn thiếu. Ngay sau đó, ông được nhận khoản lương hưu hơn 2,6 triệu đồng/tháng, đủ lo chi phí sinh hoạt cho bản thân và được cấp thẻ BHYT.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) cũng là một trong những người hưởng lương hưu nhờ đóng BHXH tự nguyện. Trước đây, bà Hạnh tham gia công tác Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, có thời gian tham gia BHXH bắt buộc là 16 năm 11 tháng. Đến khi đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí nhưng thời gian tham gia lại chưa đủ theo quy định, được cán bộ BHXH huyện tư vấn, bà đã chọn đóng BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Theo bà Hạnh, với thời gian còn thiếu là 3 năm 1 tháng, sau khi được tư vấn kỹ, bà chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu với mức thu nhập lựa chọn làm căn cứ đóng là 5,45 triệu đồng, hằng tháng đóng bằng 22% mức lựa chọn và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 10% (tính trên mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn). Trừ số tiền được ngân sách nhà nước hỗ trợ khi tham gia BHXH tự nguyện hơn 625.000 đồng, bà đã đóng một lần 48 triệu đồng và được hưởng lương hưu ngay sau khi đóng đủ thời gian 20 năm theo quy định. Hiện bà Hạnh hưởng lương hưu với mức 3,3173 triệu đồng. Số tiền này đủ để bà trang trải cuộc sống, đồng thời còn được cấp thẻ BHYT suốt đời lên đến 95%, nên không lo chi phí khám bệnh và thuốc.
Những trường hợp trên cho thấy ngày càng nhiều người đã hiểu và quyết định từ bỏ ý định rút BHXH một lần, thay vào đó tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu. Theo BHXH Việt Nam, đến thời điểm này, con số 2,3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện thật sự đáng ghi nhận.
BHXH tự nguyện có giá trị nhân văn, ưu việt và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia. Khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định và được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, phù hợp thu nhập của bản thân như: Đóng định kỳ (hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần); hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Bên cạnh quyền lợi khi hưởng chế độ hưu trí, người tham gia BHXH còn được hưởng nhiều chế độ, quyền lợi khác.
Điểm mới của Luật BHXH năm 2024, từ 1/7/2025, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng thêm trợ cấp thai sản. Bên cạnh việc hưởng lương hưu, người lao động tham gia BHXH khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia BHYT theo hộ gia đình). BHXH Việt Nam cho biết, mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, giúp người hưởng có đủ khả năng trang trải chi phí trong cuộc sống.
Giảm áp lực tài chính cho người dân
Mới đây, BHXH Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan thống nhất báo cáo UBND thành phố Hà Nội xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho một số đối tượng người dân đang thường trú trên địa bàn. Chính sách dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2026 cho khoảng 614.000 người thụ hưởng với tổng kinh phí trích từ ngân sách gần 709 tỷ đồng, trong đó chính sách BHYT là hơn 520 tỷ đồng, còn lại là chính sách BHXH tự nguyện.
Người hưởng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo và thoát cận nghèo theo mức chuẩn nghèo, cận nghèo đa chiều của thành phố; người từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi; người khuyết tật nhẹ; dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông - lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình. Các nhóm này thường trú trên địa bàn TP, trừ người không có nhu cầu. Trong đó, người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và chưa có thẻ BHYT được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.
Theo BHXH thành phố, việc xây dựng Nghị quyết căn cứ trên cơ sở kế thừa những chính sách hiện hành đồng thời sửa đổi, bổ sung đối tượng, chính sách phù hợp với tình hình thực tế và các quy định mới ban hành của thành phố. Đây là chính sách phù hợp chủ trương đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế của Hà Nội, cũng như khả năng cân đối ngân sách và đúng thẩm quyền.
Giám đốc BHXH Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, từ năm 2022 - 2024, thành phố đã triển khai thực hiện các giải pháp tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, trong đó hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện, BHYT theo quy định của Chính phủ và một số nhóm đối tượng đặc thù của thành phố. Giai đoạn 2022 - 2024, Hà Nội đã hỗ trợ hơn 10,9 triệu người tham gia BHXH, BHYT với kinh phí hơn 5.430 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo BHXH Hà Nội, từ 1/7/2024 lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng dẫn đến mức đóng BHYT hộ gia đình tối thiểu tăng 1,3 lần. Tiền đóng BHYT theo năm với các thành viên hộ gia đình từ người thứ nhất trở đi lần lượt là 1.263.600 đồng, 884.520 đồng, 758.160 đồng, 631.800 đồng và 505.440 đồng. Nhiều nhóm gặp khó khăn về kinh phí tham gia, nhất là người già không có lương hưu và các hộ có mức sống trung bình. Do đó, việc hỗ trợ thêm tiền đóng BHYT sẽ tạo điều kiện khuyến khích người dân tham gia BHYT và được quỹ BHYT chi trả khi ốm đau, từ đó giảm áp lực tài chính cho người dân.
Dư luận mong mỏi chính sách này sớm được triển khai và nhân rộng ở nhiều địa phương. Bà Nguyễn Thị Thân (58 tuổi, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) cho biết, do hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, một mình bà phải gánh vác việc gia đình nên chưa có điều kiện tham gia BHYT hộ gia đình. “Nếu đề xuất của BHXH Hà Nội được thông qua, chúng tôi rất phấn khởi. Việc hỗ trợ tiền đóng giúp giảm áp lực tài chính cho những người có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia BHXH, BHYT. Tôi hy vọng chính sách này được nhân rộng ở nhiều địa phương để người dân được hưởng lợi”, bà Thân bày tỏ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế để nhân rộng chính sách này cần phải có nguồn thu ngân sách lớn, không phải địa phương nào cũng thực hiện được. TS Phạm Đình Thành, nguyên Viện trưởng Khoa học BHXH cho rằng, từ trước đến nay, mọi chế độ của Nhà nước hỗ trợ người dân đều rất đáng quý. Với đề xuất trên, cơ quan chức năng, địa phương nên tính toán số lượng đối tượng từ 60 đến dưới 75 hiện nay chưa có thẻ BHYT là bao nhiêu người. Khi đóng BHYT cho các đối tượng này, mức đóng phải tương ứng với các thành viên khác trong xã hội.
“Thiết nghĩ, để thực hiện điều này cần phải có lộ trình về quy định số tuổi. Thí dụ, cơ quan chức năng có thể quy định giảm độ tuổi, hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người 65 - 70 tuổi theo nguồn ngân sách cụ thể. Còn với đề xuất hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người 60 đến dưới 75 tuổi, đây là một khoản tiền không nhỏ. Bởi căn cứ vào khả năng của nguồn ngân sách thành phố phân phối hoạt động đóng BHYT cho toàn bộ người dân chưa có thẻ BHYT từ 60 - 75 tuổi, nếu hỗ trợ chế độ cho các đối tượng trên, các địa phương phải bảo đảm cân đối ngân sách thường xuyên, liên tục, duy trì xuyên suốt, lâu dài cho mọi thành viên trong xã hội”, TS Phạm Đình Thành phân tích.
Theo BHXH Việt Nam, việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện vô cùng khó khăn. Nếu vận động được những người chỉ phải đóng thêm khoảng 1 - 7 năm BHXH tự nguyện đã khó thì với nhiều người khác, nếu chỉ thuần túy tham gia BHXH tự nguyện (thời gian cần đóng khoảng 15 - 20 năm) càng khó hơn nhiều. Đặc biệt, không chỉ thuyết phục, vận động người dân đăng ký tham gia mà quan trọng hơn là phải “giữ chân”, giúp người dân duy trì đóng trong suốt 15 - 20 năm cho đến khi đủ tuổi và đủ số năm đóng để hưởng lương hưu.