Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu,... trao đổi về vị trí, vai trò, chức năng, thực trạng hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tổ chức đại diện khu vực hợp tác xã; đề xuất hoàn thiện mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm tính pháp lý, thực tiễn và khả năng vận hành hiệu quả.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có đặc thù đều quy định chức năng tổ chức đại diện. Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần thay đổi để hướng tới mô hình hoạt động đa nguồn lực, đổi mới hoạt động cung cấp dịch vụ công, xã hội hóa để hỗ trợ các hợp tác xã.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Thái (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Liên minh Hợp tác xã cần xác định rõ thành viên của hợp tác xã, thực hiện được chức năng dịch vụ cho kinh tế hộ.
"Trong bối cảnh hiện nay, Liên minh Hợp tác xã cần tạo ra thị trường cho các hợp tác xã để hợp tác xã có thể phát triển lớn mạnh hơn. Hiện nay, vẫn chưa có hợp tác xã kiểu mới, Liên minh Hợp tác xã cần năng động trong cơ chế thị trường, mở rộng thị trường để các hợp tác xã phát triển", ông Trương Xuân Quý, Phó Trưởng Ban Công tác hội quần chúng (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhận định.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã được Chính phủ phê duyệt điều lệ.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, cần thống nhất theo một điều lệ chung trên cả nước và gấp rút hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để đồng bộ hoạt động hợp tác xã theo chỉ đạo chung.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại biểu đều đồng thuận quan điểm cần nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển, theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và yêu cầu đặt ra trong thực tiễn.