"Hồi sinh" các dòng sông phía tây Hà Nội

Phía tây Hà Nội có nhiều con sông lớn chảy qua, là khu vực quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh-quốc phòng của Thủ đô. Tuy nhiên an ninh nguồn nước khu vực này còn nhiều vấn đề cần giải quyết như tình trạng thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước; khô cạn vào mùa kiệt, lũ lụt, ngập úng mùa mưa…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Các dòng sông khu vực phía tây Thủ đô ô nhiễm nghiêm trọng.
Các dòng sông khu vực phía tây Thủ đô ô nhiễm nghiêm trọng.

Khu vực phía tây Hà Nội hiện có bốn dòng sông làm nhiệm vụ tiêu thoát lũ, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, gồm sông Tích, sông Bùi, sông Ðáy và sông Nhuệ, còn lại bốn dòng sông có nhiệm vụ tiêu thoát lũ, gồm sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu.

Nhiều năm trở lại đây, các dòng sông này đều lâm vào tình trạng cạn kiệt nước, ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành các dòng sông "chết", ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người dân.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dòng sông phía tây Hà Nội đang chết dần, chết mòn, theo các chuyên gia thủy lợi, do mực nước sông Hồng và sông Ðà hạ thấp kéo dài đẩy hệ thống thủy lợi phía tây Hà Nội rơi vào tình trạng cạn nước đến mức báo động.

Từ năm 2010 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng nhiều công trình thủy lợi, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, khai thác và quy hoạch tổng thể nguồn nước.

Cùng với đó, tình trạng khai thác cát quá mức đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, gây sạt lở, xói mòn nhiều khu vực bãi sông. Ðáng chú ý, nguồn nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa qua xử lý xả trực tiếp vào các dòng sông.

Theo các chuyên gia thủy lợi, phương án căn cơ là cần nâng cao mực nước sông Hồng để cấp nước tự chảy vào sông Nhuệ, sông Ðáy; đồng thời nâng mực nước sông Ðà để tự chảy vào sông Tích và vận hành chủ động các trạm bơm lớn như Trung Hà, Phù Sa, Ðan Hoài. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, hai đập dâng Xuân Quang và Long Tửu sẽ được xây dựng để hỗ trợ quá trình này.

Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi, thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường Ðỗ Văn Thành chỉ rõ, sự suy giảm dòng chảy khiến các hệ thống thủy lợi bị tê liệt, nhiều dòng sông ô nhiễm nghiêm trọng trong mùa kiệt, khiến các con sông ở phía tây Thủ đô trở thành sông chết. Giải pháp xây dựng các đập dâng trên sông Hồng và sông Ðuống là phù hợp, khả thi để nâng cao mực nước, bảo đảm cấp nước cho các công trình thủy lợi trọng điểm phía tây Hà Nội như trạm bơm Trung Hà, trạm bơm Phù Sa, cống Cẩm Ðình, cống Liên Mạc. Bên cạnh đó, cần cải tạo và nâng cấp các hệ thống thủy lợi chính như hệ thống Phù Sa - Ðồng Mô, hệ thống thủy lợi sông Nhuệ, sông Ðáy.

Bên cạnh đó, có thể lấy nước từ sông Ðà để cấp cho ba con sông phía tây Thủ đô là sông Tích, sông Nhuệ và sông Ðáy, duy trì dòng chảy tự nhiên bền vững, cải thiện môi trường, thúc đẩy giao thông thủy, du lịch và chủ động cấp nước cho khoảng 70.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, Giáo sư Ðào Xuân Học cho rằng, việc xây dựng hai đập dâng để hồi sinh các dòng sông suy kiệt là khả thi. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng về chiều cao của đập dâng và phối hợp với các nhà máy thủy điện để bảo đảm lưu lượng xả ổn định.

Rõ ràng, việc cải tạo các dòng sông khu vực phía tây Thủ đô là rất cần thiết, cấp bách để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Vì thế, cùng với việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp kỹ thuật, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần tích cực vào cuộc, xử lý tình trạng khai thác cát quá mức dưới lòng sông, nhất là những trường hợp khai thác cát trái phép; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ðặc biệt, cần có giải pháp xử lý, tách các nguồn nước thải công nghiệp, làng nghề chưa qua xử lý ra khỏi các sông, đưa về các nhà máy xử lý nước thải tiến hành xử lý theo quy định.