Những gương mặt trẻ tại các chương trình lớn
Tại chương trình nghệ thuật mở đầu lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước sáng 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, cùng với nhiều gương mặt kỳ cựu của nghệ thuật nước nhà, còn có sự xuất hiện của hai nghệ sĩ trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề, trong màn trình diễn một ca khúc cách mạng “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”. Đó là Phương Mỹ Chi và Double 2T, vốn được biết đến nhiều hơn ở các dòng nhạc trẻ.
Tiết mục của Phương Mỹ Chi và Double 2T là một trong số 3 ca khúc cách mạng của chương trình nghệ thuật kỷ niệm 30/4 lọt vào Top Trending Music của Youtube trong dịp này. Hiện tại, sau 2 tuần được up lên Youtube, MV “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của hai ca sĩ trẻ hiện đang giữ vị trí thứ 9 của bảng xếp hạng Top Trending và đạt hơn 1,7 triệu lượt xem.
![]() |
Phương Mỹ Chi và Double 2T tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: DUY LINH) |
Sau MV “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” của Võ Hạ Trâm và Đông Hùng cũng trong chương trình này, thì Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của Phương Mỹ Chi và Double 2T cũng là ca khúc cách mạng hiếm hoi đạt thành tích cao này trong một bảng xếp hạng vốn xưa nay được coi là “lãnh địa” của nhạc trẻ.
Phương Mỹ Chi và Double 2T không phải là những gương mặt nghệ sĩ nhạc trẻ đầu tiên trong năm nay được tham gia những chương trình nghệ thuật đặc biệt, thể hiện những ca khúc cách mạng vốn lâu nay chỉ dành cho các nghệ sĩ “nhạc đỏ”, với chất nhạc mang tính thính phòng nhiều hơn.
![]() |
Ca sĩ Hòa Minzy trong chương trình “Non sông gấm vóc – Một dải vinh quang”. |
Trước đó, nhiều nghệ sĩ nhạc trẻ đã được mời hoặc mạnh dạn tự mình thử sức trong các tiết mục nhạc cách mạng, với những cách thể hiện rất riêng, đem lại những màu sắc hết sức mới mẻ cho dòng nhạc tưởng chừng kén khán giả trẻ này.
![]() |
Đỗ Hoàng Hiệp tại “Hòa nhạc ánh sáng – Chào năm mới 2025”. (Ảnh:THÀNH ĐẠT) |
Trong chương trình “Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025” do Báo Nhân Dân phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức tối 18/1 tại khu vực ngã tư Nguyễn Hoàng Tôn-Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội, khán giả đã hết sức bất ngờ khi giọng rock máu lửa của Hoàng Hiệp thể hiện rất mượt mà ca khúc “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.
Nhạc sĩ Dương Cầm, Giám đốc âm nhạc của chương trình cho biết, bản thân Đỗ Hoàng Hiệp ban đầu cũng khá ngại ngần khi biết mình sẽ trình diễn ca khúc này cùng với dàn nhạc giao hưởng. Nhưng với sự động viên và nỗ lực khám phá những khả năng mới, vượt qua giới hạn bản thân đã giúp anh tài Hoàng Hiệp “vượt chông gai” và tạo nên một tiết mục thực sự khác biệt.
![]() |
Ca sĩ Hà Lê trong chương trình “Hòa nhạc ánh sáng – Chào năm mới 2025”. (Ảnh:THÀNH ĐẠT) |
Cùng trong chương trình “Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025”, phần trình diễn kết hợp giữa NSND Thanh Hoa và ca sĩ Hà Lê trong tiết mục “Làng lúa làng hoa” cũng gây bất ngờ không kém cho khán giả. Phần rap của Hà Lê như một nét chấm phá trẻ trung, tươi mới làm cho ca khúc sinh động và trẻ trung hơn.
Hoàng Hiệp và Hà Lê là hai nghệ sĩ bước ra từ chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” thử sức mình ở những “lãnh địa” mới mẻ với tinh thần khám phá cái mới và khám phá chính bản thân mình.
![]() |
Các nghệ sĩ trong "Anh trai vượt ngàn chông gai" trong chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. (Ảnh: GANGA Studio) |
Cùng với Hà Lê, Hoàng Hiệp, nhiều nghệ sĩ trẻ khác cũng từ “Anh trai vượt ngàn chông gai” cũng đã được mời tham gia nhiều chương trình nghệ thuật lớn nhân những dịp kỷ niệm lớn của đất nước. Các nghệ sĩ nhạc trẻ như Huy R, Neko Lê, Thanh Duy, Liêm Bỉnh Phát, Đăng Khôi đã góp mặt cùng NSND Tự Long, danh thủ Hồng Sơn, nghệ sĩ Khánh Hưng trong chương trình “Đất nước trọn niềm vui” với ca khúc “Bài ca cây lúa” của nhạc sĩ Hoàng Vân, Rymastic viết phần lời rap.
![]() |
Soobin cùng NSND Tự Long và danh thủ Hồng Sơn trong chương trình “Mùa xuân thống nhất”. |
Soobin, Jun Phạm, Hà Lê cùng NSND Tự Long và danh thủ Hồng Sơn tham gia chương trình “Mùa xuân thống nhất” với ca khúc “Niềm tin chiến thắng”. Ca sĩ Anh Tú góp giọng cùng NSND Tự Long trong mash-up “Mẹ yêu con - Tự nguyện” trong chương trình “Hẹn ước bắc nam”. Hòa Minzy hòa giọng cùng NSND Thanh Hoa cũng trong “Hẹn ước bắc nam”… Đó là một vài trong số nhiều nghệ sĩ nhạc trẻ đã làm mới mình trong những ca khúc cách mạng trong những dịp trọng đại của đất nước.
“Làm mới” nhạc cách mạng
Một điều đặc biệt là, những ca khúc cách mạng, qua cách thể hiện của các nghệ sĩ nhạc trẻ đã mang hơi thở mới, sức sống mới mà không hề mất đi sự hào hùng, sôi nổi và khí thế vốn có.
Nhiều ca khúc được sáng tạo bằng phần lời rap viết thêm, như một cách kể chuyện mới bằng âm nhạc, gần gũi với giới trẻ mà vẫn giữ được sự uy nghiêm của lịch sử.
![]() |
Ca sĩ Jun Phạm trong ca khúc "Mẹ yêu con". |
Những bản phối mới này có thể thấy rõ nhất trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, khi một số ca khúc qua cách thể hiện mới mẻ này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo khán giả, và trở thành một phiên bản mới, hấp dẫn, tươi trẻ hơn, được yêu thích hơn, điển hình là “Mẹ yêu con” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, "Áo mùa đông" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và “Chiếc khăn piêu” của đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho.
![]() |
Các nghệ sĩ "Anh trai vượt ngàn chông gai" trình diễn bài "Chiếc khăn piêu" được phối lại. |
Bản thân nhạc sĩ Doãn Nho cũng dành những lời ngợi khen cho việc làm mới ca khúc “Chiếc khăn piêu” của mình: “Tôi đã trực tiếp nghe bài “Chiếc khăn piêu” với nhiều phiên bản biến tấu của các ca sĩ trẻ. Trước đây có Tùng Dương thể hiện bài này cũng rất mới lạ và được khán giả thích. Sau này có nhóm các ca sĩ ở chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” hát tốp ca, theo kiểu hợp xướng, với rất nhiều biến tấu mới mẻ. Bài hát được phát triển, ứng dụng nhiều thứ mới, nhưng cuối cùng vẫn là “Chiếc khăn piêu” mỗi ngày một mới mẻ. Qua mỗi giai đoạn, bài hát lại được các nghệ sĩ trẻ biến đổi, sáng tạo cho phù hợp với khán giả trẻ hôm nay, là một tác giả, tôi rất hoan nghênh điều đó”.
Nhạc sĩ Doãn Nho cũng nhận xét, cách làm mới lại các ca khúc cách mạng này thể hiện đúng yêu cầu của ngày hôm nay. “Cách đây mấy chục năm, không ai hình dung được bài ‘Chiếc khăn piêu’ vốn chỉ dành cho một người hát ‘Tiếng tôi vang rừng núi. Sao không ai trả lời’ lại có thể hát phụ họa sáng tạo như vậy với một dàn nam nghệ sĩ. Ngay cả Tùng Dương cũng đã là đổi mới, chứ chưa nói đến các nghệ sĩ của ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’. Là một tác giả, tôi rất cảm ơn những sáng tạo đó” – đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho nhấn mạnh.
Rèn giũa để có chiều sâu cảm xúc
Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ chuyên dòng nhạc cách mạng, hàn lâm cũng cho rằng, mặc dù là tín hiệu tốt, nhưng các nghệ sĩ nhạc trẻ cũng cần có sự rèn giũa chính bản thân mình để thể hiện cho ra chất của những ca khúc cách mạng, bởi tính chất nghiêm cẩn và ý nghĩa thiêng liêng trong những ca khúc đó.
![]() |
Ca sĩ Phạm Thu Hà. (Ảnh: NVCC) |
Ca sĩ Phạm Thu Hà, một nghệ sĩ chuyên dòng nhạc bán cổ điển và cũng là gương mặt quen thuộc của dòng nhạc cách mạng trong các chương trình lớn cho rằng, cô trân trọng những nỗ lực trong việc làm mới các ca khúc của dòng nhạc này. Nhưng bất kỳ sự đổi mới nào cũng phải giữ vững phẩm giá của tác phẩm và sự tôn kính sâu sắc đối với lịch sử. Lấy sự dễ dãi, hời hợt làm cái cớ cho sự lan tỏa rộng rãi, ấy là một hành vi phản bội chính tinh thần của những ca khúc cách mạng.
“Bản thân những ca khúc cách mạng không chỉ đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc mà còn yêu cầu một chiều sâu cảm xúc, một vốn sống dày dạn, một sự thấm nhuần trong tư tưởng, lịch sử và tâm hồn. Nếu người nghệ sĩ chỉ "hát" ca khúc cách mạng như thể hát một bài tình ca phổ thông, chỉ tô vẽ bằng kỹ thuật bề ngoài mà thiếu đi sự rung động nội tại, thì dù âm sắc có trau chuốt đến đâu, biểu diễn có hoành tráng thế nào, tất cả cũng chỉ là những lớp âm thanh trống rỗng, vô hồn và… hời hợt. Và hiển nhiên, những khán giả tinh tế và khắt khe sẽ không khó để nhận ra sự khiếm khuyết ấy” - Phạm Thu Hà nói.
Với nữ nghệ sĩ, nghệ thuật lớn, nhất là nghệ thuật gắn liền với vận mệnh dân tộc, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ dung thứ cho sự dễ dãi.
Chung quan điểm này, nghệ sĩ violon Trịnh Minh Hiền cho rằng, nhạc cách mạng không nên dùng để câu view, hay thông qua đó mong cầu đạt mục đích gì ngoài tôn vinh và tri ân lịch sử, cũng như giá trị của những hy sinh.
![]() |
Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền. (Ảnh: NVCC) |
Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền cho rằng, các nghệ sĩ trẻ lan tỏa tinh thần yêu nước là đáng khích lệ, tuy thế, bản thân nhạc cách mạng luôn trường tồn chứ không cần bảo tồn. Cho nên chỉ cần trau dồi cảm xúc thật sự với sự hiểu biết, lòng biết ơn sâu sắc, thì mới có thể trình diễn thành công. Hy vọng chính điều này sẽ giúp mỗi nghệ sĩ trở thành một cây đuốc lan truyền lòng yêu nước, ý chí tự hào dân tộc đến khán giả, chứ không chỉ là hình thức.
Trịnh Minh Hiền nhấn mạnh, đã là ca sĩ được hát về Tổ quốc cũng là một vinh dự. Từ 2 năm trước chính cô cũng đã làm nhiều sản phẩm tôn vinh đất nước như “Tiến Quân ca”, “Đất nước trọn niềm vui”..., khi đó còn rất ít nghệ sĩ quan tâm và làm sản phẩm riêng.
![]() |
Ca sĩ Anh Tú và NSND Tự Long trong chương trình "Hẹn ước bắc nam". |
Nghệ sĩ cũng cho rằng, bây giờ, nhạc cách mạng phổ biến hơn trong giới trẻ, trong ca sĩ trẻ, cũng là điều đáng mừng, nhưng nhạc cách mạng thuộc về giai đoạn kháng chiến, đầy lý tưởng, sẽ luôn đủ "mạnh" để mọi thế hệ yêu thích. Chỉ khi có lý tưởng, mới có thể hát thành công. Chỉ cần một lớp trẻ mong cầu lý tưởng, mới có thể hiểu và yêu thích nhạc cách mạng. Còn mọi sự làm mới, là rất tốt nhưng nếu không đi vào cốt lõi là hành động, thì vẫn chỉ là hình thức.
“Trong âm nhạc cách mạng có "lửa", có "năng lượng", có "linh". Phải trau dồi bản lĩnh, ý chí và lòng biết ơn để khi hát lên, chơi lên, chúng ta sẽ là một khối đoàn kết, một dân tộc đoàn kết, khi đó âm nhạc cách mạng sẽ là cầu nối các thế hệ” - nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền bày tỏ.