Vài năm trở lại đây, khi mới xuất hiện, các chương trình truyền hình thực tế, gameshow mua bản quyền nước ngoài đã được một số người ví như “luồng gió mới”, làm thay đổi diện mạo của truyền hình, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng phong phú, đa dạng của khán giả. Tuy nhiên, sự nồng nhiệt của khán giả với “luồng gió mới” này bắt đầu suy giảm khi các chương trình dù khoác những “chiếc áo” khác nhau nhưng chất lượng ngày một đi xuống vì hình thức nhàm chán, nội dung lặp lại, đơn điệu, trình diễn những “chiêu trò” na ná nhau… Điểm nhanh có thể thấy số gameshow ca nhạc hiện là khoảng 20 chương trình, số gameshow hài khoảng gần chục chương trình. Nếu không để ý, người xem rất có thể nhầm lẫn giữa các chương trình này với nhau. Trước nguy cơ bão hòa các chương trình giải trí, để níu chân người xem, nhiều chương trình đã phải cầu cứu đến “ghế nóng” của giám khảo. Lẽ thường, uy tín của giám khảo chính là uy tín của cuộc thi, cho nên trước đây các cuộc thi âm nhạc hay diễn xuất thường lựa chọn giám khảo rất kỹ lưỡng. Người được chọn phải có trình độ chuyên môn, có uy tín và am hiểu về lĩnh vực liên quan cuộc thi, đồng thời cũng là người có cách ứng xử, giao tiếp chuẩn mực, có văn hóa. Tuy nhiên, gần đây các chuẩn mực này dường như đang dần bị phá vỡ. Về nguyên tắc, chuyên môn của giám khảo là yếu tố quan trọng nhất và quyết định họ có xứng đáng ngồi vào chiếc “ghế nóng” hay không, nhưng nếu theo dõi nhiều chương trình giải trí thời gian qua có thể thấy trình độ chuyên môn dường như không còn là yêu cầu đầu tiên, quan trọng nhất? Nhìn lên sân khấu, với những bộ trang phục lạ mắt và phát ngôn gây sốc,… giám khảo bỗng trở thành nhân tố gây lạ để khán giả phải chú ý. Có lẽ vì thế mà chưa khi nào giám khảo lại bỗng nhanh chóng trở thành một “nghề thời thượng” như hiện nay. Phải chăng với một số chương trình, việc chọn giám khảo có khi chỉ vì nghệ sĩ nào đó từng có phát ngôn gây tranh cãi, hoặc có khả năng làm trò gây cười,… như vậy mới thu hút người xem? Sự tùy tiện trong việc chọn người ngồi vào chiếc ghế giám khảo còn thể hiện ở chỗ dường như bất kỳ người nổi tiếng hoặc mới nổi lên nào (như: một “siêu mẫu” - danh hiệu hơi quá tầm với người mẫu Việt Nam, một diễn viên hài, một ca sĩ mới vào nghề,…) cũng có thể ngồi ghế giám khảo, miễn là họ có người hâm mộ, được công chúng quan tâm. Nên có người làm giáo khảo từ cuộc thi này đến cuộc thi khác, thậm chí cùng một buổi tối, bật kênh truyền hình này thấy một “danh hài” đang làm giáo khảo một cuộc thi, bật kênh truyền hình khác lại thấy chính “danh hài” đó đang làm giám khảo cuộc thi khác! Dẫn đến tình trạng giám khảo được lựa chọn rất tréo ngoe, như có người là ca sĩ lại ngồi chấm diễn xuất, có diễn viên hài lại ngồi ghế đánh giá giọng hát, hoặc oái oăm hơn là người mẫu cũng có thể ngồi “ghế nóng” tại cuộc thi về tài năng âm nhạc và đưa ra một số đánh giá... ngoài âm nhạc! Có lẽ, mục đích chính của các nhà sản xuất là chỉ để tăng rating (chỉ số người xem) mà bỏ qua yếu tố quan trọng nhất là trình độ chuyên môn hẹp, thậm chí rất hẹp của giám khảo?
Bên cạnh đó, việc một số nghệ sĩ xuất hiện ở quá nhiều gameshow truyền hình khác nhau, không chỉ gây nhàm cho khán giả, mà còn nhàm với chính bản thân họ khi xuất hiện. Cho nên để thể hiện sự khác biệt, có giám khảo chỉ lặp đi lặp lại một chiêu trò. Thí dụ điển hình là trong show Thách thức danh hài, trước khung cảnh nam nghệ sĩ dẫn chương trình ba lần liên tục quỳ lạy trước thí sinh để “chiêu mộ” thí sinh này về đội của mình, người xem cảm thấy rất kỳ quặc, và khó chịu. Hay trong chương trình Vietnam’s Next Top Model 2016 phát sóng tối 24-5-2016, không hiểu vì quá phấn khích hay vì muốn diễn cho xôm trò mà một giám khảo quỳ trước một giám khảo khác để xin vé cho thí sinh đi tiếp! Việc sử dụng quá đà các chiêu trò, những lời khen ngợi, tâng bốc “lên tận mây xanh” của giám khảo không chỉ làm người xem thấy “nhột”, mà còn có thể khiến chính các thí sinh đôi khi ảo tưởng về khả năng của bản thân, dẫn đến hiện tượng không đạt kết quả như ý thì ấm ức cho rằng mình bị chơi xấu, hoặc đánh giá kết quả không khách quan, không công bằng. Đáng nói là, có giám khảo tự cho mình quyền nói gì mình thích, chứ không nói những gì đúng và cần thiết cho thí sinh. Thậm chí, có giám khảo còn cố tình nói nhịu dung tục, phản cảm, nên vô hình trung biến mình thành “trò cười” và phần nào cho thấy thái độ coi thường người xem.
Có thể khẳng định, sự tùy tiện trong cách hành xử của giám khảo tại một số gameshow ngày càng có chiều hướng gia tăng. Trong chương trình Giọng hát Việt mùa 2, một giám khảo khiến khán giả ngỡ ngàng khi nhận xét phần dự thi của ca nương Kiều Anh rằng: “Anh muốn em kết hợp giữa làn điệu chèo của em và âm nhạc hiện đại để tạo nên một điều gì đấy Việt Nam và cũng rất độc đáo”! Có thể vị giám khảo này quá bối rối nên không nhớ rằng ca nương thì không hát chèo và chỉ hát ca trù chăng? Ở chương trình Giọng hát Việt 2017, người xem ngạc nhiên khi nghe một giám khảo nhận xét theo lối chẳng giống ai: “Chúng ta là những người có mặt mũi…”. Ở gameshow Vietnam Idol 2016, trong các tập Audition, khán giả không ít lần chứng kiến các giám khảo chê thí sinh một cách khiếm nhã. Khi một thí sinh 21 tuổi đến từ Quảng Ninh vừa bước vào bên trong, một giám khảo hồn nhiên thốt lên: “21 tuổi cơ à? Cứ tưởng mười mấy. Lao vào như một con thiêu thân”. Cũng vị giám khảo này bình luận rất phản cảm về thí sinh khác: “Phần trình diễn của em hoàn toàn ngớ ngẩn. Em có cảm giác mình ngớ ngẩn không?”. Khi bàn về chuyên môn của thí sinh, một vị giám khảo là ca sĩ nhận xét: “Phần trình diễn của em, anh tưởng tượng ra con loăng quăng. Phần hát của em khiến anh tưởng tượng ra con cua, nó ngang phè ra”. Những nhận xét như vậy chỉ mang lại cho thí sinh cảm xúc tiêu cực, thậm chí khiến họ thấy bị xúc phạm. Với một số trường hợp, thái độ, cách nói gây sức ép của giám khảo khi nhận xét còn khiến thí sinh rơi vào trạng thái lo lắng, hoang mang.
Hiện nay giám khảo cho các gameshow ngày càng được trẻ hóa. Nhiều gương mặt trẻ, có lượng người hâm mộ lớn của showbiz Việt đều đã được nhà sản xuất các chương trình giải trí “trưng dụng”. Sự trẻ hóa là cần thiết nếu chọn được người cầm cân nảy mực thật sự xứng đáng, tuy nhiên những gì diễn ra trên thực tế đang chứng tỏ điều ngược lại: trẻ hóa đồng nghĩa với sự non nớt về trình độ chuyên môn cũng như sự hiểu biết và khả năng ứng biến. Có trường hợp khá oái oăm là giám khảo đôi khi còn kém chuyên môn hơn cả thí sinh, nhưng lại là người nhận định chuyên môn cho họ!? Nhận xét về dàn giám khảo của Giọng hát Việt 2017, một nhà báo chuyên theo dõi văn hóa, văn nghệ phải thốt lên trên facebook của mình rằng: “Có người hát còn chưa sạch nước cản mà đã ngồi lên ghế huấn luyện viên. Không hiểu thí sinh sẽ ra sao?”. Đồng tình với quan điểm này, nhiều facebooker khác bình luận: “Nhìn dàn giám khảo là tắt ti-vi luôn, bát nháo, ba chi khươn”; “giám khảo quá lố, chỉ tập trung thể hiện bản thân, không nhận xét gì về chuyên môn”,… Có người đã thẳng thắn góp ý: “Các nhà sản xuất chương trình hãy học lại định nghĩa thế nào là giám khảo rồi hãy lựa chọn người và ngôi vị đó cho xứng tầm…”…
Bên cạnh đó, cùng với việc phải chứng kiến một số điều bất ổn về chuyên môn, về sử dụng ngôn ngữ,… của giám khảo, khán giả còn ngao ngán với những màn “khoe da thịt” khi thường xuyên phải chứng kiến một số nữ giám khảo vận những bộ trang phục theo kiểu “mặc như không mặc”, ngồi hớ hênh trên ghế,… Trên một số diễn đàn và mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã có ý kiến phản ánh về trang phục có phần không hợp với cuộc thi dành cho thiếu nhi của một nữ ca sĩ trẻ, khi hóm hỉnh nhận xét “vừa xem, vừa lo cho “số phận” của cái váy đến thót tim”. Có ca sĩ đã bị khán giả tẩy chay khi mặc váy quá hở hang và có tư thế ngồi kém tế nhị, nên dẫu không muốn thì hình ảnh phản cảm cũng đập vào mắt người xem. Không chỉ thế, vị giám khảo này còn trình diễn những màn hú hét quá đà, cười hô hố gây ức chế cho người xem. Trong một gameshow gần đây, sự xuất hiện lòe loẹt của ba giám khảo với những bộ trang phục giống như bảng mầu bị lỗi cũng khiến công chúng hoang mang không hiểu các vị giám khảo này muốn định hướng thời trang cho giới trẻ thế nào?!
Nếu thực hiện nghiêm túc, có chất lượng tốt cả về nghệ thuật và nội dung, các chương trình truyền hình thực tế và gameshow chắc chắn sẽ đem lại những giây phút giải trí bổ ích cho người xem, đồng thời có thể giúp họ nâng cao nhận thức, hiểu biết thêm về nghệ thuật. Thực tế cho thấy, nhiều chương trình truyền hình thực tế ở nước ngoài được coi là hấp dẫn, một số thí sinh đoạt giải là do được lựa chọn kỹ càng và sau đó thành công thật sự trong sự nghiệp. Đây cũng là lý do chủ yếu để ở Việt Nam xuất hiện phiên bản các chương trình này. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, do cách thức tổ chức còn có những bất cập, cho nên đã và đang gây ra nhiều tranh cãi, trong đó không thể không đề cập tới trách nhiệm của giám khảo cuộc thi. Có thể nói, cùng với thí sinh, giám khảo là “linh hồn” của mỗi cuộc thi tài năng, nhất là tài năng về nghệ thuật, thậm chí có thể nói, nhìn vào dàn giám khảo là ít nhiều đánh giá được chất lượng cuộc thi. Dù kết quả mỗi cuộc thi còn phụ thuộc một số yếu tố, trong đó có lĩnh vực cuộc thi hướng vào, định hướng của nhà sản xuất, tài năng của người tham dự,... nhưng các giám khảo thường là yếu tố nổi trội hơn và muốn độc lập trong vai trò của mình, giám khảo cần tự khẳng định giá trị và “thương hiệu” thông qua đánh giá, lựa chọn, hành xử văn hóa. Xét đến cùng, nhiệm vụ quan trọng nhất của giám khảo là qua mỗi cuộc thi tìm ra nhân tố mới, nhận được sự đồng thuận của khán giả, từ đó giúp nhân tố mới phát triển đúng đắn, đóng góp vào sự phát triển chung. Chỉ có như vậy chiếc ghế giám khảo mới thật sự có chỗ đứng trong lòng công chúng.