Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế ngày một sâu rộng, việc sửa đổi Luật nói trên được kỳ vọng vừa nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực vốn nhà nước, vừa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cũng như khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế quốc gia.
Xác định rõ đối tượng quản lý
Đây là một dự án luật theo đánh giá của giới lập pháp, là rất khó, có nhiều nội dung mới, vấn đề phức tạp nên cần nghiên cứu kỹ
lưỡng, cẩn trọng. Suốt thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan khắc phục hạn chế, tồn tại của Luật số 69/2014/QH13, đặc biệt đã định hình các quy định mới về phương pháp phân tích, đánh giá, định lượng hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc sửa đổi Luật phải nhất quán quan điểm bảo đảm giảm chi phí cho doanh nghiệp, hạn chế cơ chế “xin-cho”, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu mà các Nghị quyết của Đảng, cơ quan Trung ương đề ra. Bên cạnh đó, dự án Luật phải xử lý được triệt để những vướng mắc hiện còn tồn tại. Nhiệm vụ luật hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là rất nặng nề. “Tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, các Bộ, ngành liên quan, đối tượng áp dụng khi xây dựng chính sách đã xác định “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác” là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ”, Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết.
Chính vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, để bảo đảm thống nhất nguyên tắc nhà nước quản lý theo dòng vốn đầu tư và theo đúng phần vốn góp tại doanh nghiệp, trên cơ sở ý kiến đề nghị của các doanh nghiệp, các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan, Chính phủ thống nhất dự thảo Luật không đưa đối tượng “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác” vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật và giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước chịu trách nhiệm.
Theo đó, tại Điều 2 dự án Luật về đối tượng áp dụng gồm: Doanh nghiệp nhà nước theo quy định của luật, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư của nhà nước; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, tập đoàn rất đồng tình với bước tiến quan trọng này. Vị đại diện cũng kiến nghị, về phạm vi điều chỉnh không nên đưa doanh nghiệp cấp 2 vào đối tượng quản lý của Luật này. Hình thức quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trong điều kiện giả định chỉ nên quản lý đến công ty con của doanh nghiệp nhà nước (F1).
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Với quan điểm Luật sửa đổi phải kế thừa những nội dung có giá trị trong Luật số 69/2014/QH13, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc định hướng, về bố cục, Luật phải bảo đảm dễ theo dõi, dễ hiểu, dễ thực hiện. Về nội dung, trước hết, Luật sửa đổi phải bảo đảm nguyên tắc “chỗ nào có vốn nhà nước thì chỗ đó phải quản lý”. Vấn đề là có hình thức quản lý phù hợp để vừa quản lý hiệu quả, vừa kiến tạo phát triển.
Chia sẻ định hướng này, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề nghị, trong luật sửa đổi cần phân cấp mạnh mẽ và cụ thể quyền tự chủ thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị; đề xuất bổ sung quy định về xử lý rủi ro; có cơ chế đánh giá doanh nghiệp theo cả quá trình để phản ánh đúng hoạt động của doanh nghiệp…
Cụ thể hơn, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam góp ý, về phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư; thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm, kế hoạch 5 năm; làm rõ nội hàm khái niệm Quỹ đầu tư phát triển, cơ chế quản lý đối với việc bổ sung vốn; cơ chế phân phối lợi nhuận… Việc tạo lập cơ chế quản lý chỉ đến F1 sẽ tăng quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật này chỉ nên quy định khung, đẩy mạnh phân quyền cho các chủ thể.
Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, Bộ Tài chính sẽ rà soát, tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo báo cáo Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Với quan điểm dự thảo luật mới là quản lý “dòng tiền”, Bộ Tài chính sẽ rà soát, để hoàn thiện các khái niệm; đánh giá, giữ lại những quy định hợp lý, không vướng mắc của Luật số 69/2014/QH13; thiết kế các cơ chế quản lý “thiên về hậu kiểm”; thể chế hóa các quy định liên quan đến Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của doanh nghiệp để đưa vào dự thảo, nhất là quy định về tiền lương, thẩm quyền quyết định sản xuất, kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel cũng đồng tình với các kiến nghị của các doanh nghiệp khác về đối tượng áp dụng theo hướng chỉ nên quản lý với doanh nghiệp F1.