Không được phép chậm trễ
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã “điểm danh” tám bộ, ngành và 11 địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ tổng hợp, thống kê, công bố, công khai thủ tục hành chính trước ngày 30/4/2025. Đây là mốc thời hạn được xác định tại Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026.
Theo Văn phòng Chính phủ, đến hạn, 100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện; tám bộ, ngành, 52 địa phương hoàn thành việc tổng hợp, thống kê danh mục thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện công bố, công khai thủ tục hành chính nội bộ.
Tại Công điện 56/CĐ-TTg vừa được ký ngày 4/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng của tám bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân của 11 tỉnh bị “điểm danh” phải rút kinh nghiệm về việc chậm trễ và khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ này trước ngày 8/5/2025.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thủ tục hành chính nội bộ, bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ...
Cũng phải nhắc lại, theo Nghị quyết 66/NQ-CP, các phần việc trên phải được hoàn thành trong năm 2025. Năm 2026, mục tiêu là cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, 50% chi phí tuân thủ so năm 2024; 100% chế độ báo cáo của doanh nghiệp được thực hiện điện tử; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được thực hiện trực tuyến toàn trình...
Sẽ có môi trường kinh doanh không điểm nghẽn
Trước Công điện 56/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện 22/CĐ-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tại đây, Thủ tướng yêu cầu giải quyết kịp thời, thực chất các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Thậm chí, Thủ tướng xác định rõ, các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ về lề lối, tác phong làm việc; chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà, tham nhũng, tiêu cực để củng cố, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Tinh thần không có giới hạn trong cải thiện môi trường kinh doanh mà Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến đang được thể hiện rất rõ. TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM-nay là Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược) đã nhắc đến môi trường kinh doanh không điểm nghẽn với sự kỳ vọng vô cùng lớn. “Cuộc cải cách môi trường kinh doanh chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ khi những thay đổi được bắt đầu từ gốc - đó là công tác xây dựng và thi hành pháp luật, với yêu cầu tháo gỡ điểm nghẽn thể chế. Mấy chục năm làm về môi trường kinh doanh, tôi cảm nhận rõ điều này!”, TS Cung nói và nhắc đến những mốc thời gian mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định trong bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”.
Theo đó, năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền ba cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN.
Đây cũng chính là các thời hạn được xác định tại Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, để đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Điều này có nghĩa, tốc độ trong rà soát và tháo gỡ các điểm nghẽn của môi trường kinh doanh tiếp tục được đặt vào đà chạy gấp rút, nhưng với trách nhiệm và công việc nặng nề hơn. Kích hoạt mạnh mẽ động lực tăng trưởng
Trong vài năm trở lại đây, có thể nói không gian mới cho khu vực kinh tế tư nhân đang được mở ra không giới hạn. Có thể nhìn thấy rõ điều này trong các nỗ lực hoàn thiện thể chế, với tốc độ và số lượng lớn văn bản pháp luật được rà soát, sửa đổi, bổ sung trong vài năm qua. Ngay trong kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XV đang diễn ra, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được quyết định. Hàng chục văn bản luật cũng đã có trong nghị trình xem xét thông qua, trong đó có những văn bản luật vừa được sửa đổi, bổ sung trong kỳ họp thứ sáu, như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Quy hoạch...
Đặc biệt, chưa bao giờ tên tuổi của các doanh nghiệp tư nhân được nhắc tới cùng sự xuất hiện của các dự án, công trình lớn của đất nước như hiện tại. Thậm chí, trong Thông báo số 52/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp, ban hành vào tháng 2 vừa qua, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, để trong quý II/2025, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng các doanh nghiệp triển khai các dự án lớn mang tầm quốc gia.
Tất cả những điều này đang kích hoạt mạnh mẽ các động lực tăng trưởng trong nền kinh tế, nhất là tinh thần kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng chính là cơ sở để khu vực kinh tế tư nhân gánh vác vai trò là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia… mà Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân xác lập.
Quan điểm chỉ đạo quan trọng
trong Nghị quyết 68-NQ/TW:
1. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.
2. Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài.
3. Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm; tạo dựng, củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân.
4. Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu. Kịp thời xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển và làm giàu hợp pháp, chính đáng.
5. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội.