Ứng phó thiên tai bất thường:

Kích hoạt các công nghệ cảnh báo sớm

Sự bất thường của cơn bão số 3 (có tên quốc tế là Wipha), với tốc độ di chuyển chậm, kéo dài tới chín giờ trên đất liền, gây mưa lớn trên diện rộng sau bão, đã tạo nên các trận lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu tại nhiều địa phương. Theo các chuyên gia, mùa mưa bão năm nay sẽ có những bất thường, cần chủ động, thường trực ứng phó.

Nhiều ngôi nhà ngập sát mái ở Tương Dương, tỉnh Nghệ An. (Ảnh CTV)
Nhiều ngôi nhà ngập sát mái ở Tương Dương, tỉnh Nghệ An. (Ảnh CTV)

Lũ lớn, nhiều khu vực ngập sâu

Lũ lớn đổ về trong đêm ngày 22/7 khiến nhiều xã miền núi ở Nghệ An ngập sâu trong nước, người dân tất tả chạy lũ.

Ngay trong đêm 22/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An gửi thông báo khẩn tới các địa phương cho biết: Lúc 21 giờ, lưu lượng nước về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543 m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500 m3/s. Tỉnh Nghệ An yêu cầu chính quyền các địa phương vùng hạ du thủy điện Bản Vẽ, như xã Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn… khẩn trương hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn trước diễn biến hồ thủy điện Bản Vẽ đang tăng lưu lượng xả. Tới 2 giờ ngày 23/7, lưu lượng nước về hồ Bản Vẽ tăng lên 12.800 m3/s.

Tỉnh Nghệ An đã sơ tán gần sáu trăm hộ dân tại các xã Nhôn Mai, Hữu Kiệm, Tam Thái, Tam Hợp, Mường Quàng, Huồi Tụ, Quế Phong, Nga My, Tiền Phong và Mường Xén nhằm phòng ngừa nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho biết, sáng 23/7, lực lượng chức năng ghi nhận trên địa bàn có hai người tử vong; hơn 3.000 ngôi nhà bị ngập sâu; 45 vị trí sạt lở trên quốc lộ và đường tỉnh do ảnh hưởng của bão Wipha.

Mưa lớn đã gây ngập nặng tại nhiều tuyến đường ở các phường trung tâm tỉnh Thanh Hóa, như Đại lộ Lê Lợi, đường Lê Hoàn, Hàn Thuyên, Lê Quý Đôn trong ngày 22/7, ảnh hưởng đến sinh hoạt và tài sản của người dân. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa thống kê: Có khoảng 20 xã, phường với gần 41.000 hộ và hơn 169.000 nhân khẩu đang sinh sống khu vực ven biển và cửa sông phải sơ tán khi có bão số 3 và lụt lớn.

Ứng phó bão số 3, các tỉnh miền bắc đã huy động tối đa nhân lực, vật lực, căng mình chuẩn bị sẵn sàng nhiều phương án trong những ngày vừa qua. Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tính đến 22/7 có 119.408 ha lúa bị ngập, trong đó Hưng Yên 26.000 ha; Ninh Bình 74.017 ha, Thanh Hóa 19.391 ha. Một số sự cố đê điều đã xảy ra tại Đa Phúc (Hà Nội); Nghĩa Sơn (Ninh Bình); Hồng Vũ (Hưng Yên) và Hoằng Châu (Thanh Hóa).

dsc-8177.jpg
Lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân thu dọn ngư cụ, chằng buộc tàu thuyền tại tỉnh Ninh Bình. (Ảnh THẾ TÙNG)

Chủ động ứng phó thường xuyên, thường trực

Từ đầu năm đến nay, Biển Đông xuất hiện ba cơn bão, trong đó hai cơn ảnh hưởng đến Việt Nam. Cơ quan Khí tượng thủy văn dự báo, từ nay đến tháng 10, Biển Đông sẽ xuất hiện khoảng sáu đến tám cơn bão, trong đó hai đến ba cơn có khả năng đổ bộ đất liền.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong các ngày 21-23/7, các tỉnh: Sơn La, Phú Thọ, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, trên các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An xuất hiện lũ, biên độ lũ từ 3-6 m, nguy cơ ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, các khu đô thị, khu tập trung dân cư. Các mô hình độ ẩm đất cho thấy, một số khu vực thuộc các tỉnh này gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu lưu ý rằng: Từ năm 2024 đến nay chúng ta chứng kiến sự “chuyển pha” liên tục của các trạng thái thời tiết, từ El Nino sang La Nina, và hiện nay là giai đoạn trung tính âm (gần với La Nina hơn). Dự báo, số lượng các cơn bão đi vào Biển Đông cũng như đất liền Việt Nam sẽ nhiều hơn trung bình các năm. Bên cạnh đó, hệ thống khí hậu cho thấy sự bất thường, có nhiều mưa cực đoan và giông lốc. Ngoài bão có thể hình thành các đợt mưa dài, hình thái giống như dạng dòng sông khí quyển nên sẽ kéo dài đợt mưa, gây nguy cơ lũ lụt, sạt lở với các tỉnh miền núi phía bắc và dải miền trung. “Bởi vậy, khi mùa bão mới bắt đầu, sự chuẩn bị cho công tác ứng phó phải dài hơi, tránh tâm lý chủ quan khi bão đi qua. Ứng phó với bão không phải một lần. Với sự bất thường của khí hậu, nguy cơ xảy ra mưa bão, lũ lụt có thể vào bất cứ thời gian nào, nên tinh thần ứng phó phải thường trực và thường xuyên”, Tiến sĩ Huy nhấn mạnh.

Với hoạt động ứng phó lũ quét, sạt lở đất, GS Đỗ Minh Đức, Khoa Địa chất, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Trong những năm qua, chúng tôi đã nghiên cứu về các yếu tố gây nguy cơ sạt lở, lũ quét. Từ kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đã xây dựng các trang cổng thông tin trượt lở, trang dữ liệu về lượng mưa thực đo tại 2.538 trạm trên toàn quốc. Các thông tin trên được tích hợp trong app di động “Sạt lở Việt Nam 2.2” (tên app là SatloVN22). Khi dùng app này, người dân sẽ được nhận cảnh báo đa thiên tai (trượt lớn, sạt lở và lũ quét); thông tin cập nhật liên tục 20 phút/lần, bao gồm toàn bộ vùng đất dốc Việt Nam; cảnh báo chi tiết đến từng vị trí, khu tập trung dân cư, thôn, bản; cung cấp thông tin lượng mưa ngày, 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ trong vùng chung quanh người dùng (bán kính vùng do người sử dụng tùy chọn, từ 100m đến

5.000m). Cảnh báo sạt lở xuất hiện khi người dùng ở trong khoảng cách dưới 300m tới vị trí có nguy cơ.

Người dân có thể cài đặt, tự theo dõi lượng mưa lớn trên ứng dụng Sạt lở Việt Nam (tên app là SatloVN22) với bán kính 3.000-5.000m (3-5 km). Khi mưa lớn cần thường xuyên kiểm tra các dòng chảy có khu dân cư lân cận, khoảng 30-60 phút/lần. Nếu mưa lớn tiếp diễn mạnh mà mực nước không tăng, thậm chí giảm thì cần cảnh báo ngay và di chuyển đến địa hình cao hơn dòng chảy ít nhất 5-6m.

Có thể bạn quan tâm

back to top