Kiến nghị nhiều giải pháp xử lý tài sản khi thi hành án kinh tế

NDO - Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội khóa 12 ban hành ngày 14/11/2008 đã có những chuyển biến tích cực, tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc nhất là khi tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, vụ án có giá trị tài sản lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dự hội thảo "Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế" do Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. (Ảnh: THUẬN VĂN)
Các đại biểu dự hội thảo "Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế" do Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. (Ảnh: THUẬN VĂN)

Nhiều giải pháp, ý kiến xây dựng, đóng góp đã được các chuyên gia, luật sư nêu ra tại hội thảo góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự với chủ đề “Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế” mới đây.

Băn khoăn về năng lực định giá của ngân hàng

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, một trong những lo ngại lớn nhất khi giao quyền xử lý tài sản cho ngân hàng là vấn đề định giá. Trong các vụ án gần đây có liên quan đến một số ngân hàng, nhiều tài sản có giá trị là cổ phần, cổ phiếu khi ngân hàng tham gia xử lý đã bị quy về 0 đồng.

Khi đó cơ quan thi hành án rất khó đưa ra một giá trị khác. Điều đó đã tạo ra sự chênh lệch rất lớn trong định giá giữa giá trị thực và giá trị định giá. Cách làm này cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của người phải thi hành án”.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Thành Công, Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, trong vụ án dân sự, ngân hàng là bên liên quan trong hợp đồng tín dụng, có thể trực tiếp xử lý tài sản. Nhưng trong các vụ án hình sự thì không nên giao cho ngân hàng xử lý tài sản.

Nguyên nhân là do sẽ có nhiều vướng mắc như: việc định giá tài sản, việc xác định lại tài sản và nhiều vấn đề khác mà chỉ có những cơ quan, tổ chức có nghiệp vụ về thi hành án, cơ quan hỗ trợ thi hành án phối hợp mới giải quyết hiệu quả vấn đề.

Kiến nghị nhiều giải pháp xử lý tài sản khi thi hành án kinh tế ảnh 1

Đại diện Chi cục thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội thảo.

Với các vụ án hình sự, đa số mục tiêu của việc xử lý tài sản là nhằm khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản. Việc giao ngân hàng, một chủ thể có lợi ích trực tiếp xử lý tài sản dễ nảy sinh xung đột lợi ích và khó bảo đảm khách quan.

Vấn đề năng lực thực thi của ngân hàng trong thi hành án cũng là một vấn đề cần bàn thảo kỹ. Đây là ý kiến của Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) khi ông đặt câu hỏi: “Cơ quan thi hành án hiện nay đã được trao đầy đủ thẩm quyền như cưỡng chế, kê biên, xác minh hiện trạng tài sản... nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ngân hàng vốn không có chức năng cưỡng chế. Sau khi bán đấu giá, nếu không bàn giao được tài sản, ngân hàng cũng không có quyền buộc giao. Vậy ai chịu trách nhiệm?”.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra rằng khi tổ chức bán đấu giá, ngân hàng chỉ dựa trên hồ sơ lúc thế chấp trong khi giá trị tài sản có thể đã thay đổi rất nhiều, thậm chí bị tranh chấp hoặc bị chiếm dụng, gây rủi ro lớn cho người trúng đấu giá.

Đề xuất nhiều giải pháp nâng cao công tác thi hành án

Từ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, các luật sư, chuyên gia đề xuất, thay vì giao quyền xử lý cho ngân hàng, nhà nước cần tăng cường vai trò thực hiện của các cơ quan chuyên môn thi hành án, tăng hiệu quả cơ chế giám sát của các cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân.

Về vấn đề này, Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện pháp lý quản lý, giám sát tài sản, đặc biệt là các dự án bất động sản lớn thì việc giao ngân hàng và cơ quan thi hành án phối hợp xử lý dưới sự giám sát của Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao là một hướng xử lý mới tích cực.

Nguyên nhân là do, việc phối hợp không những giúp các cơ quan có phương án xử lý tốt nhất mà còn thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với công tác thu hồi tài sản, bảo đảm tính minh bạch và quyền lợi của người có nghĩa vụ thi hành án.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, cho biết, tuy luật cho phép người phải thi hành án, chủ sở hữu tài sản được tham gia vào quá trình thi hành án nhưng việc tham gia này lâu nay chỉ chủ yếu về mặt thủ tục.

Điều này dẫn đến rất nhiều khiếu nại, tố cáo, thậm chí là sai phạm từ chấp hành viên, đấu giá viên do xâm phạm đến lợi ích của của chủ tài sản.

Ông Quân cho rằng, việc cho người phải thi hành, chủ sở hữu tài sản tham gia sâu vào quá trình thi hành án là cần thiết. Thứ nhất, họ có thể giảm tối đa khiếu nại, tố cáo; thứ hai là đối với những tài sản lớn tại thời điểm thi hành án mà chưa hoàn thiện về mặt thủ tục pháp lý thì chỉ có chủ sở hữu tài sản, người phải thi hành án mới hiểu rõ “nội tình” nhất, qua đó sẽ phối hợp các cơ quan, chủ thể khác giải quyết nhanh nhất các vấn đề phát sinh nếu có.

Thậm chí đối với những tài sản “chính chủ” thì chủ thể là người phải thi hành án mới có thể đàm phán, phối hợp đối tác để bán tài sản với giá cao nhất, thu về tối đa giá trị của tài sản.

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại, Phó hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định, trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thường các tài sản cần xử lý trong giai đoạn thi hành án là rất lớn mà người phải thi hành án thường là các bị án đang chấp hành án phạt tù.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà “quên” đi các quyền lợi của họ đối với tài sản. Do đó, đề xuất cho đối tượng này “tham gia sâu” vào quá trình thi hành án cũng là một giải pháp mà các cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc xem xét bổ sung vào quy định của pháp luật. Bởi mục đích cuối cùng của việc xử lý tài sản thi hành án là thu về tối đa giá trị của tài sản để khắc phục hậu quả của vụ án.

Luật sư Phan Trung Hoài cũng đề xuất thêm việc thành lập Hội đồng xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án phức tạp, có quy mô lớn để tập trung nguồn lực, chuyên môn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoàn thiện pháp lý để nhanh chóng đưa các tài sản này vào khai thác, tránh lãng phí.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định về định giá tài sản, Hội đồng định giá cần tham khảo mức giá tại địa phương hoặc căn cứ vào giá trị tài sản do các bên cung cấp để chia ra giá trị bình quân.

Hội đồng định giá chỉ định giá theo khung giá khi thu thập được đầy đủ các chứng cứ chứng minh khung giá đó là sát với giá thị trường.