Kiên quyết xóa bỏ rào cản, gia tăng sự an toàn

Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68-NQ/TW) đã được Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 4/5/2025, là một dấu ấn lớn đối với khu vực kinh tế tư nhân. Việc thực thi kịp thời, đầy đủ, nhất quán định hướng của Đảng trong Nghị quyết này vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc ngay lập tức của cả hệ thống chính trị. Trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, khẳng định.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội.
Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội.

- Đang là tâm điểm của các cuộc thảo luận và có ý kiến cho rằng, Nghị quyết 68-NQ/TW đã chạm vào những điểm then chốt nhất trong việc định vị và phát triển khu vực kinh tế quan trọng này. Quan điểm của cá nhân ông thì sao?

- Tôi muốn gọi Nghị quyết 68-NQ/TW là một dấu ấn lớn, tạo nên bước ngoặt thứ ba trong hành trình phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

Hai dấu ấn có ý nghĩa bước ngoặt trước đó là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, lần đầu thừa nhận doanh nghiệp tư nhân; và Luật Doanh nghiệp năm 1999, bắt đầu thực hiện nguyên tắc doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Sau hai bước ngoặt này, khu vực kinh tế tư nhân có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, tạo cơ sở cho sự hình thành và phát triển của lực lượng doanh nghiệp tư nhân hiện nay.

Lần này, với bước ngoặt thứ ba là Nghị quyết 68-NQ/TW, tôi tin tưởng, khu vực kinh tế tư nhân bước vào giai đoạn phát triển về chất lượng, bên cạnh số lượng, để thực hiện được vai trò là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Vì sao tôi nói vậy?

Thứ nhất, Nghị quyết 68-NQ/TW khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, kiên quyết xóa bỏ các định kiến về khu vực này.

Thứ hai, những giải pháp của Nghị quyết 68-NQ/TW không chỉ xóa bỏ rào cản, gỡ điểm nghẽn mà còn gia tăng sự an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các giải pháp bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.

Các giải pháp này đã chạm vào những điểm lo lắng nhất của doanh nghiệp hiện tại, khi nhiều doanh nghiệp vì lo ngại rủi ro mà “không dám làm, không dám lớn”. Đây cũng là bước tiến vượt bậc trong tư duy về phát triển doanh nghiệp, sẽ tác động rất lớn tới hành vi, ứng xử của cả hệ thống, từ cơ quan hoạch định, thực thi chính sách, doanh nghiệp và cả xã hội.

- Thực tế, việc thực thi luôn là thách thức lớn đối với các chủ thể liên quan mỗi khi một văn bản mới ra đời. Với Nghị quyết 68-NQ/TW thì sao, thưa ông?

- Mấy ngày vừa qua, tôi nhận được nhiều điện thoại, trao đổi của doanh nghiệp. Họ vô cùng phấn khởi khi đọc nội dung của Nghị quyết 68-NQ/TW. Vì vậy, việc thực thi kịp thời, đầy đủ, nhất quán Nghị quyết này vô cùng quan trọng. Càng đầy đủ, kịp thời bao nhiêu, tác động tích cực càng nhân lớn bấy nhiêu.

Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất tích cực, chủ động và sáng tạo trong việc triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đây là lý do tôi rất trông đợi tinh thần chủ động, sáng tạo này được tiếp tục phát huy khi triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW, để có những hành động cụ thể, kết quả cụ thể. Tôi nhấn mạnh rằng, Nghị quyết này đặt yêu cầu rất cụ thể về đổi mới tư duy và hành động cho cả giai đoạn xây dựng và thực thi chính sách.

Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban. Tôi kỳ vọng, Ban này cũng sẽ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW, bảo đảm thống nhất cả về tư duy và hành động”.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội

- Trách nhiệm của Quốc hội trong thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW chắc chắn sẽ rất lớn, khi Nghị quyết đòi hỏi rà soát tổng thể hệ thống pháp luật, thưa ông?

- Thực tế, cả Quốc hội, Chính phủ cùng phải bắt tay vào thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW, với số lượng công việc vô cùng lớn.

Trước hết, ngay trong tháng 5 này, trong Kỳ họp thứ chín Quốc hội XV, việc cần làm ngay là rà lại các dự thảo luật đang được trình Quốc hội theo tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW. Thí dụ, cần rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ban hành kèm theo Luật Đầu tư, theo tinh thần của Nghị quyết này, để có đề xuất cắt giảm, bãi bỏ... Với các dự án luật khác cũng tương tự, để bảo đảm các nội dung, quy định trong các văn bản luật ban hành của kỳ họp này phải đúng theo tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW. Đây cũng phải là công việc ưu tiên của Chính phủ tới đây, để kịp trình Quốc hội danh mục các luật cần bãi bỏ, thay thế, sửa đổi…

Tôi cho rằng, việc thực thi Nghị quyết 68-NQ/TW không thể tách rời với các Nghị quyết mà Bộ Chính trị vừa ban hành, gồm Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 66-NQ/TW.

- Với doanh nghiệp tư nhân, ông có khuyến nghị gì về cách tiếp cận Nghị quyết của chính khu vực này?

- Không ai thật sự hiểu doanh nghiệp cần gì hơn chính họ. Tuy vậy, quan điểm của tôi, doanh nghiệp cần chuẩn bị cho một thời kỳ phát triển cởi mở hơn, mới mẻ hơn.

Tư duy quản lý nhà nước sẽ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, duy trì trật tự cạnh tranh công bằng, bình đẳng và quyết liệt. Cạnh tranh sẽ gia tăng, thậm chí là khốc liệt hơn trên thị trường. Thí dụ, một số doanh nghiệp trước đây có thể được “bảo hộ” bởi sự phức tạp, khó khăn của quá trình xin giấy phép. Với nhiều doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh có điều kiện như tấm “bùa hộ mệnh”, có được là yên tâm làm ăn. Nhưng chuyển sang hậu kiểm, nếu doanh nghiệp không kịp thời chuyển đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, rất có thể sẽ bị đào thải trong cạnh tranh.

Đây có thể nói là cuộc đại phẫu thuật để nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp phải tự nâng cấp mình, từ quản trị, tư duy, cách thức kinh doanh. Đặc biệt, doanh nghiệp cần có tư duy “vượt lên trên sự tuân thủ”. Doanh nghiệp nào chủ động thu thập thông tin về mình tốt, có chất lượng, có uy tín, thí dụ có báo cáo tài chính rõ ràng, đáng tin cậy, sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận với các nguồn lực khi nhiều định chế trung gian được phát triển. Hiện quy định pháp luật không yêu cầu doanh nghiệp nhỏ và vừa có báo cáo tài chính, kiểm toán, nhưng nếu thực hiện một cách minh bạch, họ sẽ trở thành đối tác đáng tin cậy hơn trên thị trường.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!