Một cậu bé con nhà nghèo quê Quảng Bình, đậu một lúc ba trường đại học. Chọn kiến trúc vì muốn xây được những ngôi nhà không bao giờ sập như những ngôi nhà ở quê... Mới nhập Đại học Kiến trúc Hà Nội, Võ Trọng Nghĩa nhận được học bổng du học Nhật Bản (1996) khi vừa 20 tuổi.
Chỉ ba năm sau, Nghĩa liên tiếp đoạt các giải thưởng về kiến trúc tại Nhật Bản. Khởi đầu là giải vàng cuộc thi thiết kế của tập đoàn Suzuki (1999). Rồi giải thưởng đồ án xuất sắc nhất của trường đại học công nghiệp Nagoya (2000). Kế tiếp, ba giải thưởng trong bốn kỳ thi của trường này (2001). Đến năm 2002, Nghĩa nhận giải thưởng luận án tốt nghiệp xuất sắc nhất trường Nagoya, đồng thời nhận thêm giải thưởng kiến trúc sinh viên của Hội Kiến trúc sư Nhật Bản. Năm 2003, Nghĩa lại nhận giải thưởng luận văn đặc biệt của Hội kiến trúc sư Rotary. Năm 2004, Nghĩa nhận bằng thạc sĩ với giải thưởng luận văn xuất sắc nhất của Đại học Tokyo.
Hiện nay, Nghĩa tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, đồng thời thực hiện các công trình đầu tay của mình việt Nam với nguyên tắc sử dụng năng lượng tự nhiên như ánh sáng trời, gió, kết hợp giữa kiến trúc và môi trường.
Nhìn vào bảng thành tích học hành ấy quả là cũng đáng nể, nhưng điều ấy không có nghĩa là Nghĩa sẽ chắc chắn thành công ngoài đời. Anh cần phải chứng tỏ mình, một cách nói rất thời thượng. Và anh đã chứng tỏ bằng công trình đầu tiên của mình ở Việt Nam: Một quán cà-phê ở Thủ Dầu Một-học tập ông bà về cái nguyên lý thông gió trong kiến trúc cổ ở Hội An.
Đây cũng là đề tài luận văn tốt nghiệp mang về cho Nghĩa cái giải thưởng xuất sắc nhất. Anh áp dụng vào việc thiết kế một quán cà-phê đủ mát mẻ mà tự tin đến độ không sử dụng hệ thống quạt. Mái nhà là bộ phận đón gió, kết hợp với một hệ thống hồ nước (trông như một tấm kính lớn bởi cách cho nước đầy ngang với bờ thành đã được cắt xéo). Hướng gió được tính có thể đón nhận trong khoảng 70% thời gian trong năm vào những mùa nóng nhất.
Đề án "Đô thị của gió và ánh sáng".
Nguyên tắc kiến trúc của Võ Trọng Nghĩa là tiết kiệm năng lượng và hòa nhập với môi trường.
Nghĩa nói: "Với tôi, một kiến trúc nếu mất điện vẫn không sao". Và người ta có thể tìm thấy những giá trị kiến trúc gần chung quanh như tre nứa, đất (nếu biết cách làm có thể có độ bền vững hàng trăm năm).
Nghĩa đã từng thiết kế một ngôi nhà gỗ năm tầng, trong khi ở Nhật Bản người ta chỉ cho phép dựng tối đa ba tầng, và đã được Bộ xây dựng Nhật Bản cấp phép. Giải pháp cho sự an toàn của ngôi nhà gỗ cao lêu nghêu này là phương pháp ruột bút chì, tức là Nghĩa đút cái lõi sắt vào trong cột gỗ (giống như cây bút chì). Người ta sẽ hỏi kiếm đâu ra cột cao đủ năm tầng? Nghĩa bảo tất nhiên là không thể kiếm cột bằng gỗ cao đến thế, cách làm của Nghĩa là tầng này chồng lên cái tầng kia, thế thôi. Ngôi nhà gỗ năm tầng đầu tiên này được dùng làm gallery và đã đi vào lịch sử kiến trúc nhà gỗ của Nhật Bản.
Nghĩa kể: "Khi mới xong đại học, cũng là lúc đã đoạt nhiều giải thưởng, tôi gặp một giáo sư Nhật Bản, ông ấy nói: Cái núi mà em xây được đã đụng trần, điều ấy nhiều người cũng làm được. Trước đây, em chỉ nhìn thấy cái đẹp bằng mắt, cảm nhận được nó qua làn da, bây giờ em phải tìm được cái đẹp mà người ta nhắm mắt cũng thấy. Đó là cái đẹp được cảm nhận bằng tâm hồn, bằng trái tim".
Nghĩa cho biết khuynh hướng kiến trúc của Nhật Bản hiện nay là hướng đến sự đơn giản. Còn vấn đề kiến trúc Việt Nam hiện nay là không phù hợp với con người và khí hậu Việt Nam. Điều cần khắc phục là tất cả từ cách suy nghĩ giữa kiến trúc và truyền thống, giữa kiến trúc và phong thổ. Một kiến trúc mà đặt ở đâu cũng được là hỏng. Nhật Bản đã từng đau khổ vì những kiến trúc kiểu Phú Mỹ Hưng.
Tôi cũng đã có dịp nhìn thấy một dự án khác của Nghĩa với một quán cà-phê ba tầng đặt trên một hồ nước mà người ta không nhìn thấy lối vào. Cũng như cái giải pháp cho các nhà hẹp chiều ngang mà sâu bằng hệ thống gió (trời) hai sân, được tạo ra bởi sự chênh lệch áp suất. Và cả cái dự án hai trăm tỷ đồng ở Côn Đảo về một khu nghỉ mát với những căn nhà một cột.