Liên kết phát triển bền vững du lịch miền Tây

Năm 2025, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với chủ đề “Nâng tầm kết nối-phát triển bền vững”, chương trình tập trung liên kết phát triển du lịch bền vững, an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
0:00 / 0:00
0:00
Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Óc Om Bóc tại Sóc Trăng.
Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Óc Om Bóc tại Sóc Trăng.

Từ Thủ đô Hà Nội, chị Trần Thu Hương cùng gia đình vừa có chuyến trải nghiệm tìm hiểu văn hóa của đồng bào Khmer Sóc Trăng với tour du lịch miền tây từ Thành phố Hồ Chí Minh. Chị Hương cho biết: “Chuyến đi lần này thật bổ ích vì công ty tổ chức khá bài bản, giới thiệu được nét văn hóa đặc trưng từng nơi đến nên không có sự trùng lặp như trước đây. Chương trình khám phá văn hóa phong phú các dân tộc thật thú vị cho nên gia đình tôi quyết định sẽ trở lại Sóc Trăng để tham gia lễ hội Óc Om Bóc-Đua ghe Ngo năm nay”.

Với nét văn hóa bản địa phong phú và hệ sinh thái đa dạng như sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… vùng đất miền Tây Nam Bộ có nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển nhiều loại hình du lịch.

Đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: Kế hoạch của năm 2025 là tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ trong việc tăng cường liên kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, tập trung liên kết phát triển du lịch bền vững.

Theo đó, đã thực hiện ký kết các thỏa thuận giữa doanh nghiệp lữ hành các tỉnh, thành phố trong vùng với các đơn vị cung ứng du lịch của Sóc Trăng; góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác và tiến tới đồng thuận đưa ra những giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực về liên kết phát triển du lịch. “Chúng tôi kỳ vọng tiếp tục nhận được sự phối hợp, đồng hành của các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết, giúp cho kinh tế- xã hội nói chung và du lịch nói riêng của các địa phương trong vùng. Tỉnh Sóc Trăng cam kết thực hiện đúng nội dung liên kết trong năm 2025, nhằm nâng cao hoạt động du lịch ngày càng chất lượng”, đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp khẳng định.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Năm 2024, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch đã công bố 55 tuyến du lịch đường sông từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong năm có hơn 2,7 triệu lượt khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến miền Tây.

Năm 2025, chương trình sẽ triển khai nhiều nội dung thiết thực, đó là: Công bố “Đề án phát triển sản phẩm du lịch liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long”; Chương trình du lịch về nguồn gắn với giá trị lịch sử vùng biên giới của các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang; quảng bá du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long tại các tỉnh miền trung; quảng bá điểm đến du lịch trên nền tảng ứng dụng bản đồ thông minh 3D của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tỉnh Sóc Trăng đang từng bước huy động nguồn lực để đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng; kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các khu dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng tại địa phương; phát triển hệ thống nhà hàng ăn uống phục vụ du khách tham quan.

Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết: Mô hình du lịch cộng đồng của địa phương đang thu hút du khách gần xa, nhất là các nguồn khách trong và ngoài nước qua Thành phố Hồ Chí Minh, khách đi du lịch Côn Đảo và mong muốn kết hợp trải nghiệm du lịch văn hóa, sông nước, miệt vườn Nam Bộ. Theo đó, tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ năng ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho người dân.

Thông qua chương trình liên kết, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho người dân tham gia làm du lịch cộng đồng và nguồn nhân lực du lịch tại các điểm đến gắn với du lịch đường thủy tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhằm đa dạng sản phẩm du lịch, các địa phương còn đề xuất khai thác lợi thế giao thông đường thủy kết nối tour du lịch đường sông qua các cửa ngõ biên giới.

Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ đề xuất: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển du lịch từng vùng, xây dựng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Kết nối với các quốc gia trong tiểu vùng sông Mê-Kông để mở rộng phát triển tuyến du lịch đường sông, chủ yếu với Thái Lan và Campuchia.

Năm 2025, với chương trình hành động về phát triển du lịch xanh, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến du lịch bền vững và mục tiêu Net Zero, giảm thiểu hoặc loại bỏ lượng khí thải cac-bon cùng những tác động tiêu cực đến môi trường từ hoạt động du lịch. Qua đó, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của thế giới về biến đổi khí hậu.