Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025): Mặt trận "không đánh mà thắng"

Kỳ 3: Những bài học sâu sắc, còn nguyên giá trị thời sự và thời đại

(Tiếp theo và hết)

“Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những bài học mà hoạt động binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để lại vẫn còn nguyên giá trị thời sự, sâu sắc và cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay” - PGS, TS Hồ Sơn Đài, giảng viên cao cấp, khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với chúng tôi về những điều cần tiếp tục thực hiện để có thể xác định chính xác tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của “mũi tiến công chiến lược” - binh vận.

0:00 / 0:00
0:00
Trong ảnh: Nhân dân miền nam tham gia đấu tranh với Mỹ-ngụy trong Phong trào Đồng khởi. (Ảnh Tư liệu)
Trong ảnh: Nhân dân miền nam tham gia đấu tranh với Mỹ-ngụy trong Phong trào Đồng khởi. (Ảnh Tư liệu)

Đứng giữa ranh giới của hai làn đạn

- Thưa ông, là một chuyên gia nghiên cứu sâu về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở khu vực phía nam, ông có thể phác họa một số nét chính về hoạt động binh vận trong giai đoạn đặc biệt này?

- Trong lịch sử các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, cha ông ta đã luôn thực hiện song song đòn tiến công quân sự, chính trị với binh vận, phương thức tác động tâm lý đối phương để thực hiện nhiệm vụ chính trị của lực lượng kháng chiến. Một thí dụ trong thế kỷ XV, người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi thực hiện cực kỳ xuất sắc mũi tiến công binh vận trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta đã tiếp nối truyền thống sáng tạo và đặc biệt nhân văn đó. Dấu mốc khẳng định vị trí “đòn tiến công chiến lược” của hoạt động binh vận được ghi nhận là từ phong trào Đồng Khởi, năm 1960. Tuy nhiên, thực tế, hoạt động binh vận, theo nghiên cứu của tôi, đã bắt đầu từ cuối năm 1956, với việc hỗ trợ các lực lượng vũ trang của các giáo phái bị chính quyền Ngô Đình Diệm truy sát, phải chạy vào vùng chiến khu của lực lượng Cách mạng. Bằng sự giúp đỡ chí tình cùng việc tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng, giải thích bản chất âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, các chiến sĩ cách mạng đã cảm hóa được lực lượng này, đưa họ trở thành một bộ phận của lực lượng vũ trang cách mạng.

Bên cạnh một bộ phận cán bộ được phân công chịu trách nhiệm chính triển khai công tác binh vận, tất cả các lực lượng cách mạng từ hoạt động phong trào đến lực lượng vũ trang đều chú trọng thực hiện nội dung công tác binh vận. Đó là một trong ba “đòn tiến công chiến lược” được Đảng ta xác định: Đấu tranh chính trị, Đấu tranh quân sự và Đấu tranh binh vận. Ba mũi tiến công này được thực hiện xuyên suốt, gắn bó với nhau một cách hữu cơ, mũi này hỗ trợ cho mũi kia, cho đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng.

Kỳ 3: Những bài học sâu sắc, còn nguyên giá trị thời sự và thời đại ảnh 1
Đại tá,PGS,TS Hồ Sơn Đài (người ngồi bên trái) nguyên là Trưởng phòng Khoa học quân sự, Quân khu 7.

- Một “mũi tiến công” được thực hiện bởi tất cả các lực lượng cách mạng, hẳn phải có rất nhiều phương thức triển khai sáng tạo và độc đáo?

- Có ngàn vạn biện pháp để thực hiện, vô cùng sinh động trong thực tiễn của cuộc đấu tranh chống Mỹ ở miền nam Việt Nam. Thí dụ, ở vùng nông thôn, ta tổ chức cho những thân nhân của sĩ quan, binh lính quân đội Việt Nam Cộng hoà tìm đến nơi đóng quân để vận động, kêu gọi, giải thích - cách này rất hiệu quả. Nhiều nơi tìm cách đưa người vào các hệ thống thông tin truyền thông như báo chí, đài phát thanh để tuyên truyền, khơi gợi tinh thần yêu nước, thương dân qua các tác phẩm báo chí, vănhọc-nghệ thuật...; đưa người vào hệ thống giáo dục để giáo dục tinh thần yêu nước cho học sinh trong các nhà trường. Có những ngôi trường mà từ Ban giám hiệu cho đến các thầy, cô đều là người cách mạng, như Trường Văn Lương (thị trấn Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ngoài việc dạy các nội dung kiến thức phổ thông, các thầy, cô ở ngôi trường này đã truyền dạy cho học sinh về tinh thần yêu nước, kháng chiến. Sau 7 khóa đào tạo, do tình hình cách mạng có nhiều thay đổi, trường đóng cửa, một số giáo viên ưu tú bị địch bắt, phải chịu cảnh tù đày. Sau này, Trường Văn Lương đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vô cùng, vô cùng nhiều, hết sức phong phú, sinh động và sáng tạo.

- Như ông vừa nói, công tác binh vận rất đa dạng và lực lượng nào cũng có thể thực hiện, nhưng tôi muốn nhắc đến những người thuộc bộ phận chịu trách nhiệm chính triển khai công tác này. Họ là những người phải đối diện với lực lượng quân thù, đúng nghĩa là đứng ngay trước hòn tên mũi đạn mà chỉ có vũ khí duy nhất là tinh thần cách mạng, tình yêu nước, thương nòi cùng sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng được giao. Vậy thì theo ông, điều gì đã khiến họ dồn hết mọi tâm sức, mang cả tính mạng mình để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt đó?

- Ai là người yêu nước thì đều muốn đứng về phía nhân dân, đứng về phía cách mạng và trong những điều kiện có thể, trong những hoàn cảnh cụ thể, hoặc được giao nhiệm vụ hoặc một cách tự nhiên trong máu của mình, họ đều làm công tác binh vận.

Đúng như bạn vừa nói, để thực hiện công tác binh vận thì những người làm công tác binh vận được bố trí vào những vị trí thường là không an toàn, bởi vậy, khi tổ chức cách mạng chọn những người được phân công làm công tác binh vận thường chú trọng những người có một số phẩm chất phù hợp. Trước hết, họ có năng lực cảm hóa người khác. Thứ hai, họ là những cán bộ rất kiên trung, dũng cảm. Các cán bộ được chọn lựa cho công tác này đều sẵn sàng chấp nhận hy sinh, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Khác với nhiều lực lượng cách mạng khác phải chịu gian khổ, hy sinh trên chiến trường, những người làm công tác binh vận lại phải chịu sự đánh giá không công bằng của người dân, thậm chí ngay cả đồng chí, đồng đội, do yêu cầu bí mật của hình thức hoạt động công khai này. Tức là họ phải chấp nhận đứng giữa ranh giới của hai làn đạn.

Muộn còn hơn không

- Ở dấu mốc kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, vượt lên cả câu chuyện của chiến thắng, công tác binh vận, góc độ nào đó, có vị trí như một lực lượng góp phần tích cực vào sự hòa hợp, hòa giải dân tộc, phần nào xóa mờ những vết thương ngang trái của chiến tranh? Ông có nghĩ như vậy?

- Khi nói về bất cứ một cuộc chiến tranh giữ nước trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng thì người ta thường nhắc đến những chiến công quân sự, nói nhiều về các hoạt động đấu tranh chính trị mà ít nói đến hoạt động của lực lượng binh vận và mũi binh vận. Từ những nghiên cứu đã có, tôi cho rằng, trong thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoạt động binh vận giữ một vai trò vô cùng quan trọng, được đánh giá như một đòn tiến công chiến lược có tầm quan trọng ngang với đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự.

Tuy vậy, những người hoạt động trên trận tuyến đấu tranh binh vận chưa được nói đến nhiều, và có không ít trường hợp vì đặc thù của công việc mà không được vinh danh một cách công khai cũng như thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa một cách đầy đủ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã khép lại cách đây nửa thế kỷ nhưng những bài học mà nó để lại vẫn còn nguyên giá trị thời sự sâu sắc, nóng hổi, cần được nghiên cứu, vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Các lĩnh vực đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, đấu tranh quân sự đã được chú trọng tổng kết, với rất nhiều công trình nghiên cứu công phu, đồ sộ. Nhưng, như tôi vừa nêu, công tác tổng kết về hoạt động binh vận dù đã được thực hiện vẫn còn chưa xứng tầm, và do đó, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải chú ý đến lĩnh vực này nhiều hơn, cần phải có những công trình nghiên cứu chuyên sâu và đầy đủ, hệ thống hơn về hoạt động binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Liệu đã muộn chưa, đối với binh vận, thưa ông? Khi mà 50 năm đã trôi qua, rất nhiều cán bộ, nhân chứng đã ra đi mãi mãi, mang theo rất nhiều ký ức lịch sử không còn có cơ hội để kể?

- Nói muộn cũng đúng, nhưng muộn còn hơn không. Cần phải bắt tay vào làm ngay, khi vẫn còn có thể tìm kiếm được một số nhân chứng lịch sử còn lưu giữ nhiều ký ức giá trị. Phải triển khai khẩn trương, nhanh chóng, tập hợp tất cả những người trong cuộc lại và chắt lọc, sàng kiếm những tư liệu ít ỏi trong các trung tâm lưu trữ để thực hiện các công trình tổng kết về hoạt động binh vận trong kháng chiến chống Mỹ.

- Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Kỳ 2: Những con đường "không giống ai" của tình yêu đất nước