Mệnh lệnh cấp bách

Trên hành tinh của chúng ta, nước chắc chắn là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Không có nước, sự sống không thể tồn tại. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là vai trò cốt lõi của nước lại thường bị xem nhẹ, thậm chí lãng quên.
Nguồn nước dồi dào ở lòng hồ thủy điện Sơn La phục vụ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Nguyễn Đăng
Nguồn nước dồi dào ở lòng hồ thủy điện Sơn La phục vụ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Nguyễn Đăng

Thách thức cho cả nhân loại

Nông nghiệp không thể phát triển nếu thiếu nước. Thiếu nước đồng nghĩa với năng suất cây trồng suy giảm, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người.

Tuy nhiên, trên thế giới, một phần đáng kể diện tích canh tác nằm ở những khu vực có nguồn nước trong tình trạng căng thẳng, không ổn định hoặc thậm chí đang bị suy thoái nghiêm trọng. Bối cảnh ấy đã khiến một số quốc gia “đau đầu” với những bài toán hóc búa. Thí dụ, ở Ấn Độ, gần 270 triệu tấn lương thực (chiếm khoảng 24% tổng sản lượng nông nghiệp của cả nước) được trồng ở các lưu vực sử dụng nhiều nước hơn trữ lượng nước tự nhiên. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới (1.459.365.825 người, tính đến ngày 25/2/2025, theo thống kê từ Liên hợp quốc), vì vậy, đã phải dựa vào các giải pháp không bền vững như bơm nước ngầm không tái tạo, hay chuyển hướng các con sông nhằm phục vụ nông nghiệp. Viện Tài nguyên Thế giới cũng từng cảnh báo: “Thế giới đang phải đối mặt một cuộc khủng hoảng nước sạch chưa từng có”.

Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) ước tính: Đến năm 2050, nhu cầu lương thực sẽ tăng 60%, do áp lực dân số. Để nuôi sống khoảng 10 tỷ người, sản lượng nông nghiệp toàn cầu cũng sẽ phải tăng 50%. Song, vấn đề sẽ không chỉ còn là trồng nhiều lương thực hơn mà còn là việc áp dụng những phương thức canh tác bền vững, sử dụng nước hiệu quả, như mở rộng hệ thống tưới tiêu tiên tiến, áp dụng các loại cây trồng chịu hạn và cải thiện cơ sở hạ tầng nước, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những nỗi ám ảnh khủng hoảng lương thực.

Trên hết, cần tái định hình nhận thức: Sự sống của loài người phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng nông nghiệp lại không chỉ đòi hỏi diện tích đất canh tác mà còn phụ thuộc vào số lượng cũng như chất lượng nguồn nước. Cần phải hiểu khái niệm “an ninh nguồn nước” như sự bao hàm mọi khía cạnh, từ các thảm họa liên quan đến nước và các bệnh lây truyền qua nước, qua xung đột về các nguồn tài nguyên chung và thách thức quản trị, đến đa dạng sinh học và chất lượng nước ngầm.

Ước tính, có khoảng 80% lượng nước thải từ các ngành công nghiệp và đô thị được thải ra môi trường mà không qua xử lý, có khả năng gây ô nhiễm nước mặt, ô nhiễm nước ngầm và các tài nguyên thiên nhiên khác, kể cả tài nguyên đất canh tác nông nghiệp.

Hơn thế, tách khỏi mối quan hệ mật thiết với nông nghiệp và lương thực, mọi cá nhân cũng cần được cung cấp đủ nước với chất lượng an toàn, để bảo đảm khỏe mạnh, duy trì sinh kế, phát triển kinh tế cũng như tham gia bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Một thí dụ tiêu biểu về những hệ lụy của sự suy giảm chất lượng nguồn nước là ở Bangladesh, nơi cộng đồng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ô nhiễm nước nghiêm trọng. Nhiều con sông đã “chết” về mặt sinh học, và 28% số ca bệnh nhân tử vong ở Bangladesh là do phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm ấy. Những lời kêu gọi hợp tác, nhằm huy động khoảng 450 triệu USD tài chính công và 100 triệu USD vốn tư nhân, để giải quyết vấn đề cấp bách này, đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy, chuyện đáp ứng nhu cầu tài chính toàn cầu cho các dự án cung cấp và làm sạch nguồn nước hiện là một thách thức khổng lồ. Cơ sở hạ tầng nước ước tính cần một lượng vốn đáng kinh ngạc: 6,7 nghìn tỷ USD vào năm 2030; và 22,6 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Tuy nhiên, ngành nước toàn cầu hiện thu hút chưa đến 2% chi tiêu công, với mức đầu tư tư nhân tương tự ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Rõ ràng, cần có thêm nguồn tài chính, bên cạnh những cách tiếp cận sáng tạo hơn, sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến hơn, để tối đa hóa tác động của nguồn vốn.

Mỗi giọt nước sạch trong tương lai, vì thế, sẽ đều mang “giá trị liên thành”. Đó cũng là lý do để hiện tại, trên thế giới đã xuất hiện những mâu thuẫn gay gắt, về phân chia quyền sử dụng nguồn nước. Đơn cử, tranh chấp giữa hai nước Ai Cập và Sudan với Ethiopia, sau khi quốc gia này tiến hành xây dựng đập thủy điện Đại Phục Hưng, có quy mô lớn nhất châu Phi, chặn dòng sông Nile.

Hành động như thế nào, trước sứ mệnh tồn vong?

Với Việt Nam, vấn đề an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập từ lâu đã được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những nội dung quan trọng, liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, đến chủ quyền quốc gia.

Nước sạch là một tài nguyên không thể thiếu đối với cuộc sống của con người. Ảnh: Thanh Trúc
Nước sạch là một tài nguyên không thể thiếu đối với cuộc sống của con người.
Ảnh: Thanh Trúc

Tại Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị nêu rõ các yêu cầu: Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý; chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Những yêu cầu, chỉ đạo nêu trên xuất phát từ các vấn đề gay gắt trong thực tiễn. Thí dụ, Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10 km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm hiện nay khoảng 830 tỷ mét khối, nhưng 63% nguồn nước mặt được tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Trong đó, hệ thống sông Cửu Long có 90% lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, con số này đối với sông Hồng là trên 50%. Do đó, chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước. Thực tế, tình trạng xâm nhập mặn gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long như đang diễn ra, có một phần nguyên nhân là thiếu nước đầu nguồn.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và hệ lụy là những hiện tượng thời tiết cực đoan cũng ngày càng tạo thêm nhiều thách thức khó lường, về lưu lượng cũng như chất lượng nguồn nước. Đặc biệt, do nước ta có nhiều vùng, tiểu vùng khí hậu khác nhau, cũng như có sự phân bổ tự nhiên về nguồn nước không đồng đều cả về thời gian và không gian, thực tế đã xuất hiện tình trạng mất cân bằng giữa nhu cầu dùng nước và khả năng dự trữ nước. Biểu hiện trên nhiều khía cạnh, theo tiêu chí quốc tế, Việt Nam lại đang… thiếu nước sạch.

Không chỉ vậy, việc đắp đập làm thủy lợi, thủy điện, lấp ao hồ, sông suối để phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ... góp phần tạo nên thực trạng: Hầu hết các con sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam còn bao gồm sự gia tăng dân số kéo theo sự gia tăng lượng rác thải, từ rác thải sinh hoạt đến rác thải y tế. Ở nhiều vùng nông thôn, nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ các nhà máy, từ phân bón và chăn nuôi chưa qua xử lý theo tiêu chuẩn, được xả thẳng ra hệ thống dòng chảy chung. Ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 84,5 triệu tấn chất thải từ chăn nuôi được thải vào môi trường, phần lớn không qua xử lý.

Việc ô nhiễm nước mặt không được xử lý dẫn tới hệ quả là các nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm. Đây là mối đe dọa không chỉ đến hoạt động sản xuất, mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, tạo áp lực nặng nề lên lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Chỉ còn khoảng 5 năm để thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) của Liên hợp quốc, trong đó bảo đảm an ninh nguồn nước là một mục tiêu then chốt. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh các giải pháp toàn diện, từ thay đổi tư duy, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý tài nguyên nước, đến ứng dụng công nghệ hiện đại và tăng cường hợp tác quốc tế nhằm bảo vệ nguồn nước sạch bền vững.

Theo Liên hợp quốc, hiện có khoảng 3,6 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận đủ nước ngọt ít nhất một lần mỗi tháng. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 5 tỷ vào năm 2050. Đáng báo động hơn từ năm 2021 đến năm 2024, hơn 50% lưu vực sông trên toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng khô hạn nghiêm trọng .

Có thể bạn quan tâm

back to top