Mở ra cơ chế thí điểm có kiểm soát

Việt Nam đang từng bước tiếp cận thận trọng và có kiểm soát đối với thị trường tài sản mã hóa. Việc xây dựng cơ chế pháp lý thí điểm không chỉ nhằm bảo đảm an toàn cho nền tài chính quốc gia mà còn tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số. Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) trao đổi với Nhân Dân cuối tuần về định hướng xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính)
Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính)

- Xin ông cho biết định hướng chính của dự thảo Nghị quyết thí điểm sàn giao dịch tiền số và tài sản mã hóa (Nghị quyết) đang được trình Chính phủ?

- Hoạt động phát hành và giao dịch tài sản mã hóa đang phát triển nhanh chóng cả về khối lượng, giá trị và mức độ phức tạp, đặt ra những thách thức mới đối với sự ổn định tài chính và an ninh kinh tế của các quốc gia. Tại Việt Nam, vào cuối tháng 2/2025, trong buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo rõ, cần nghiên cứu áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để thành lập sàn giao dịch cho đồng tiền kỹ thuật số dưới dạng một tài sản mã hóa trên nguyên tắc hạn chế rủi ro và nguy cơ tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đồng thời tạo nguồn lực cho phát triển bền vững.

Trên cơ sở đó, Thường trực Chính phủ đã họp đầu tháng 3/2025, giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm để áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Nghị quyết nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, phù hợp xu hướng quốc tế và điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Vào cuối tháng 3, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 64/TTr-BTC gửi Chính phủ về dự thảo Nghị quyết này.

"Các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam sẽ có địa chỉ hợp pháp để giao dịch, đầu tư hoặc mua bán tiền số thông qua các sàn thí điểm do những đơn vị, doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép tổ chức. Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân tham gia các sàn giao dịch này. Việc xây dựng khung pháp lý mới sẽ giúp Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển của thế giới cũng như khu vực về tài sản mã hóa”.

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi

- Thưa ông, việc thực hiện sandbox sẽ mang lại lợi ích như thế nào trong công tác quản lý, điều tiết thị trường tài sản mã hóa?

- Sandbox là công cụ hữu hiệu để cơ quan quản lý đánh giá các mô hình kinh doanh mới trước khi chính thức ban hành khung pháp lý. Trong bối cảnh thị trường tài sản mã hóa tiềm ẩn nhiều rủi ro, mô hình này giúp chúng ta phản ứng kịp thời với thực tiễn vận hành của thị trường, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp, vừa bảo đảm an toàn hệ thống, vừa không cản trở đổi mới.

Thí điểm có kiểm soát cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dưới sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm như rửa tiền, lừa đảo, tài trợ khủng bố; đồng thời bảo vệ nhà đầu tư và thị trường.

Thực tế, việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa với quy mô hạn chế có sự kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước sẽ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý có thời gian xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp tình hình thực tiễn và đây cũng là cách tiếp cận chung của nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa là phù hợp điều kiện thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý linh hoạt, thích ứng nhanh chóng với sự đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ quản lý, giám sát của Nhà nước, từ đó hỗ trợ huy động vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển nền kinh tế số và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mở ra cơ chế thí điểm có kiểm soát ảnh 1
Việc triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận những nguồn lực tài chính mới thông qua các sàn quốc tế. (Ảnh Nhật Bắc)

- Các cơ quan quản lý cần phối hợp như thế nào để bảo đảm thị trường mới mẻ này được vận hành hiệu quả, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng vẫn trong khuôn khổ kiểm soát, thưa ông?

- Như đã nói ở trên, các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa đang diễn ra sôi động và đa dạng, thu hút số lượng lớn người tham gia, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, thương mại, an ninh của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trước nguy cơ này, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ xây dựng một khung khổ pháp lý đối với tài sản mã hóa đạt được sự cân bằng phù hợp giữa việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, minh bạch, công bằng, phù hợp thực tiễn của Việt Nam.

Và Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị quyết về việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam nhằm kiến tạo môi trường pháp lý minh bạch, đủ rộng để hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo liên quan đến tài sản mã hóa, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế-xã hội.

Trong dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý như: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động thị trường, hạn chế tối đa rủi ro về an ninh tài chính, bảo đảm sự ổn định cho thị trường tài chính-tiền tệ.

- Một trong những vấn đề lớn của tài sản mã hóa là quản lý thuế. Vậy chính sách thuế sẽ được điều chỉnh như thế nào trong khuôn khổ thí điểm này, thưa ông?

- Thực tế, hệ thống pháp luật về thuế hiện hành đã có quy định mang tính bao quát, bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện việc thu thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ được mua bán, tiêu dùng trong lãnh thổ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp, cá nhân, kể cả trong nước và nước ngoài, có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam. Trong đó tập trung vào các sắc thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản mã hóa vẫn chưa có quy định rõ việc xác định và phân loại các tài sản mã hóa, cũng như hoạt động kinh doanh, mua bán, trao đổi các loại tài sản này, qua đó làm cơ sở cho việc áp dụng các chính sách thuế tương ứng. Cho nên cần có cơ chế để kiểm soát các hoạt động trốn thuế và gian lận thuế trong lĩnh vực này.

Hiện, một số quốc gia đã áp dụng công nghệ blockchain để theo dõi và giám sát các giao dịch tài sản mã hóa, từ đó bảo đảm thu thuế một cách minh bạch, hiệu quả. Việt Nam cũng có thể học hỏi những kinh nghiệm này để xây dựng hệ thống quản lý thuế phù hợp.

Khi pháp luật chuyên ngành về tài sản mã hóa xác định rõ được bản chất và cho phép tài sản mã hóa được kinh doanh, mua bán như là một loại tài sản thì sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế theo các quy định của pháp luật về thuế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

"Tài sản số, tài sản mã hóa có tính ẩn danh, phi tập trung, phi biên giới, trong đó chứa đựng rủi ro về rửa tiền, khủng bố... nên khi thiết lập khung pháp lý về loại tài sản này, các quốc gia đều đặt ra mục tiêu quản lý phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Không ngoại lệ, Việt Nam cũng đang có những hành động thận trọng, quyết liệt trong việc xây dựng khung pháp lý và chứng minh khung pháp lý về tài sản số có thể vận hành hiệu quả. Với vai trò và trách nhiệm được giao, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu, đề xuất quy định các sàn giao dịch phải thực thi nhiều yêu cầu chặt chẽ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trên cơ sở quy định pháp luật và chuẩn mực quốc tế. Tất nhiên sẽ có rất nhiều vấn đề mới phát sinh khi vận hành thí điểm sàn giao dịch, điều chắc chắn là các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp lý”.

Bà Nguyễn Thị Minh Thơ Phó Cục trưởng Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)