Mở ra cơ hội cho người thu nhập thấp

Nhằm giải quyết những khó khăn về nhà ở xã hội, các chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp quan trọng, từ huy động quỹ đất xây nhà cho công nhân đến việc giao chỉ tiêu, tạo động lực cho các địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Việc giao chỉ tiêu sẽ tạo động lực cho các địa phương. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Việc giao chỉ tiêu sẽ tạo động lực cho các địa phương. Ảnh: THÀNH ĐẠT

TS,KTS Lê Thị Bích Thuận (Phó Viện trưởng Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng)

Nâng cao chất lượng sống cho công nhân:

Mở ra cơ hội cho người thu nhập thấp ảnh 1

Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung một số đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, trong đó có công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp… Để hỗ trợ được đông đảo công nhân, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích, thu hồi (nhà trọ vùng ven các khu công nghiệp) để bố trí xây nhà cao tầng, tạo nguồn quỹ nhà tái định cư và dành cho công nhân, người lao động thuê, mua. Cùng đó, xây dựng cơ chế, quy chuẩn, huy động cộng đồng tự xây nhà ở xã hội. Để giảm áp lực cho đô thị lõi, cần quy hoạch đồng bộ khu công nghiệp và nhà ở cho công nhân theo hướng nâng cao chất lượng sống cho người thu nhập thấp, đồng thời tạo nên những khu dân cư văn minh.

Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh (Chuyên gia pháp lý bất động sản)

Động lực từ việc giao chỉ tiêu cho địa phương:

Mở ra cơ hội cho người thu nhập thấp ảnh 2

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cho các địa phương. Các chỉ tiêu này sẽ được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và có thể hiểu là một tiêu chí xem xét, đánh giá cán bộ, công chức. Các địa phương sẽ có động lực đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đốc thúc nhà đầu tư sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Chính phủ giao mỗi địa phương phải hoàn thành 100 nghìn căn hộ tới năm 2030 là quyết định đúng đắn. Thời gian qua, hai thành phố lớn này được quy hoạch, bố trí rất nhiều quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên việc thực hiện rất chậm. Có tình trạng “găm đất” để xin chuyển đổi mục đích từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại, hoặc chây ì không thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Văn Đính (Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam)

Thu hồi, giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án:

Mở ra cơ hội cho người thu nhập thấp ảnh 3

Mặc dù theo quy định, các địa phương phải chủ động bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn phải tự xoay xở, từ việc tìm kiếm quỹ đất đến giải phóng mặt bằng. Điều này không chỉ kéo dài thời gian triển khai mà còn đội chi phí đầu tư, làm giảm sức hấp dẫn của phân khúc này đối với các chủ đầu tư. Bởi thế, Nhà nước cần chủ động thu hồi đất, sau đó giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Ngoài ra, gói tín dụng ưu đãi dành cho nhà ở xã hội đã được triển khai, nhưng tỷ lệ giải ngân còn rất thấp, chưa đến 2%. Để giải quyết vấn đề này, cần thiết lập cơ chế linh hoạt, mở rộng tiêu chí xét duyệt và đẩy mạnh giải ngân qua nhiều kênh tài chính khác nhau.