Mùi cỏ cháy – khúc tráng ca Thành cổ Quảng Trị

NDO - NDĐT - Có thể nói Mùi cỏ cháy là bộ phim được chờ đợi nhiều nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17, bởi không ít khán giả tò mò muốn biết phim có sức thuyết phục lớn đến thế nào mà Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch lại đặc cách xét cho tham dự LHP khi chưa làm xong hậu kỳ. Và trong buổi chiếu ra mắt tại Hà Nội, rạp chiếu phim đã không còn một chỗ trống, nhiều khán giả phải đứng hai bên cánh gà, hoặc xếp ghế phía trước, phần nhiều trong số đó là khán giả trẻ.

Ngồn ngộn tư liệu

Có thể nói tư liệu là thế mạnh của các nhà làm phim Mùi cỏ cháy. Ban đầu lấy ý tưởng từ cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, tuy nhiên, đạo diễn Hữu Mười cho biết, cuốn nhật ký chỉ là một gợi ý nhỏ cho tác giả Hoàng Nhuận Cầm viết kịch bản phim. Ngoài “Mãi mãi tuổi hai mươi”, bộ phim còn sử dụng nhiều tư liệu, hồi ức, hồi ký của các cựu chiến binh, liệt sĩ khác, cho nên phim đầy ắp tính chân thực như một lát cắt vừa được tách ra khỏi cuộc chiến.

Phim được xây dựng trên mối dây ký ức của Hoàng – cũng là hiện thân của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, do Tô Tuấn Dũng đóng. Cùng với các cựu chiến binh khác trở lại chiến trường xưa viếng bạn, những ký ức của cuộc chiến bi tráng 81 ngày đêm lại trở về rõ nét trong trí nhớ của anh như mới diễn ra ngày hôm qua. Hoàng – Thành – Thăng – Long (Tô Tuấn Dũng, Thanh Sơn, Lê Văn Thơm và Năng Tùng đóng) – bốn sinh viên khoa Văn của Trường ĐH Tổng hợp - là đại diện cho cả một thế hệ sinh viên Hà Nội xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ năm 1971 theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau một thời gian ngắn huấn luyện, các chiến sĩ sinh viên này sớm vào thẳng chiến trường Quảng Trị, nơi quân ta đang giành giật nhau từng tấc đất với địch bằng cả trí tuệ và máu xương của mình. Hoàng – Thành – Thăng – Long là hình ảnh của một thế hệ sinh viên “Tài hoa ra trận”, của những Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Thượng Lân, Hoàng Giao Kim, Vũ Đình Văn…

Hơn nửa bộ phim là những cảnh quay mô tả trực diện chiến trường bỏng lửa tại thành cổ Quảng Trị. Đạo diễn Hữu Mười cho biết, bản thân bộ phim là một cuốn nhật ký bằng hình về những ngày gian nan nhất, cam go, bi tráng nhất của một thế hệ chiến sĩ tại chiến trường này. Ông chia sẻ: “Đây có lẽ là phim đầu tiên nói tương đối đầy đủ về sự khốc liệt của cuộc chiến giữ thành cổ 81 ngày đêm, ở đó hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống để giữ vững từng tấc đất thành cổ, để sau đó chúng ta có thêm tiếng nói mạnh mẽ ở Hội nghị Paris. Ngày hôm nay, tôi có cơ hội được tiếp cận, nói về trang sử đó, và nhắc lại chiến công của một thế hệ đàn anh. Đây là tác phẩm tôi muốn tri ân tất cả những chiến sĩ đã hy sinh tại mặt trận thành cổ năm ấy”.

Chân thực và rất đời thường

Chính vì rất “giàu có” về mặt tư liệu, thậm chí chính bản thân nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – tác giả kịch bản – cũng là một người lính trở về từ cuộc chiến thành cổ, cho nên bộ phim có nhiều cảnh quay rất chân thực, đời thường, gây xúc động.

Đạo diễn Hữu Mười khẳng định, các nhà làm phim đã cố gắng hết sức để bộ phim thật chân thực, với những tình huống rất sinh động, rất “đời” mà cuộc chiến tranh đã có. Từ những cảnh sinh hoạt đời thường, những phút yếu mềm của người lính trẻ, những tình huống hài hước dọc đường hành quân, khoảng khắc cảm động trong cuộc gặp của người vợ với anh chỉ huy…cho đến những mất mát, hy sinh đầy đau thương trong cuộc chiến. 107 chiến sĩ vượt sông Thạch Hãn, chỉ 47 người sang được tới bờ bên kia. Ngôi mộ của Long vừa được đồng đội đắp chưa rời xẻ đã bị pháo kích của địch phá tung, cày nát. Người đội trưởng vừa rời lều thông tin đã trúng đạn. Những mảnh xác chiến sĩ không còn nguyên vẹn lẫn trong màu nước sông ngầu máu… Những người lính chiến đấu với quân thù ngay cả khi không còn viên đạn nào, dùng cái chết để giữ từng góc chiến hào, từng gốc cây …

Tất cả những điều đó đã đem lại cho khán giả sự xúc động sâu sắc, nhất là với những khán giả trẻ, bởi chiến tranh xưa nay với họ mới chỉ hiện hữu qua tranh ảnh, sách báo…

Ứng cử viên sáng giá ?

Nhiều nhà chuyên môn đã đánh giá, “Mùi cỏ cháy” là một trong những ứng cử viên sáng giá cho giải Bông sen vàng năm nay. Không có “sao”, đề tài tuyên truyền, diễn xuất của diễn viên tốt, cách thể hiện chân thực, giản dị… nếu xét theo đúng tiêu chí mà “Đừng đốt” từng giành giải năm 2009, thì Mùi cỏ cháy rất có khả năng.

Tuy nhiên, vẫn còn đôi điều đáng tiếc, nếu như các nhà làm phim trau chuốt, cẩn thận hơn. Nếu như cảnh quay cận một chiến sĩ đã hy sinh không còn hơi thở phập phồng ở cổ, hay cảnh hình nộm bị bắn trôi bập bềnh trên sông, rơi đập nảy trên mặt đất, cảnh bông băng thuốc đỏ đừng lộ quá… Vẫn biết là kinh phí không nhiều (hơn 5 tỷ đồng), lại phải huy động từ nhiều nguồn, nhưng cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ ở mỗi bộ phim vẫn không phải là thừa.

Và xét về mặt nào đó, ít ra Mùi cỏ cháy cũng đã thành công, kể cả khi chưa ra rạp. Ít nhất, những khán giả thế hệ 8x, 9x cũng có thêm một cơ hội để hiểu về cuộc chiến giữ nước của cha ông mình, qua một câu chuyện chiến tranh mà rất đời thường.