Nam Định: Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực

Đến nay, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên địa bàn ở các lĩnh vực.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định. (Ảnh tư liệu: KHÁNH DŨNG)
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định. (Ảnh tư liệu: KHÁNH DŨNG)

Đồng chí Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định cho biết: Năm 2024, Chỉ số xếp hạng chuyển đổi số (DTI Index) của tỉnh đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố; Chỉ tiêu thành phần về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong bộ chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Nam Định xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia luôn đứng trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc.

Có được kết quả đó là do tỉnh quan tâm đầu tư cho chuyển đổi số; hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, dữ liệu số của tỉnh đã được đầu tư, phát triển hiện đại, đồng bộ từ các cơ quan cấp tỉnh đến cấp xã.

Các hệ thống thông tin, phần mềm, dịch vụ số dùng chung của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ đến các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã, bảo đảm phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử.

Đến nay, đã có 100% hồ sơ công việc của cấp tỉnh, cấp huyện và 90% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Bên cạnh việc đã hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng số và dữ liệu tỉnh Nam Định; tỉnh đồng thời cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Nam Định phiên bản 2.0 và Kiến trúc chính quyền số tỉnh Nam Định phiên bản 3.0, làm cơ sở tham chiếu trong triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Trục liên thông văn bản tỉnh Nam Định đã kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản Quốc gia, bảo đảm việc liên thông gửi, nhận văn bản điện tử đến 100% các cơ quan Đảng, đoàn thể và nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định và liên thông đến 100% các bộ, ban, ngành Trung ương và 62 tỉnh, thành phố trên cả nước; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) tỉnh Nam Định hoạt động hiệu quả, kết nối liên thông với hệ thống thông tin ở Trung ương.

Ngoài ra, để tạo đột phá trong việc phát triển hạ tầng số và dữ liệu trong năm 2025 và cả giai đoạn 2025-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành danh mục dữ liệu mở tỉnh Nam Định; danh mục dữ liệu dùng chung tỉnh Nam Định; Đề án phát triển hệ thống dữ liệu số phục vụ Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2030...

Tỉnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong xây dựng, phát triển, khai thác, sử dụng và làm giàu dữ liệu một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số Quốc gia và Đề án 06 để thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo đồng chí Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định, để việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của cơ quan trong hệ thống chính trị thực sự góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, Cổng thông tin điện tử của tỉnh; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh; Hệ thống thư điện tử công vụ; Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh luôn được bảo đảm hoạt động ổn định, phục vụ tốt hoạt động chỉ đạo, điều hành.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia; Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tích hợp Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được triển khai đến 100% các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có gần 12 triệu lượt người truy cập.

Chính quyền tỉnh Nam Định đã tổ chức niêm yết công khai 1.746 thủ tục hành chính của tỉnh; 100% hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp được các cơ quan nhà nước 3 cấp của tỉnh tiếp nhận, giải quyết công khai trên Hệ thống; 100% quy trình giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được xây dựng quy trình điện tử và công khai trên Hệ thống để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện; 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và được kết nối, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia

Tính riêng trong năm 2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt gần 60%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện bằng hình thức trực tuyến (bao gồm cả trực tuyến toàn trình và trực tuyến một phần) đạt hơn 96%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện bằng hình thức trực tuyến toàn trình đạt gần 55%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn là 99,7%; có 100% kết quả thủ tục hành chính được số hóa hoặc trả kết quả bằng văn bản điện tử.

Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, tỉnh Nam Định đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đôn đốc, đẩy nhanh việc chuyển đổi số đối với các ngành, lĩnh vực, bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

Tập trung các nguồn lực để sớm hoàn thành đối với các lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số là xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường; đồng thời triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.