Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp ở Đầm Hà

Với lợi thế phát triển các sản phẩm nông nghiệp, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) xác định lấy phát triển sản xuất là động lực, lấy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chất lượng sống của nhân dân là mục tiêu phấn đấu. Nhận diện đúng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Đầm Hà đã chủ động thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từng bước nâng cao giá trị hàng hoá, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung đã tạo động lực để xã Đầm Hà phát triển bền vững.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung đã tạo động lực để xã Đầm Hà phát triển bền vững.

Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là nhiệm vụ chiến lược, huyện Đầm Hà đã có những bước đi phù hợp và mạnh dạn đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp

Huyện Đầm Hà đang từng bước quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung về thủy sản, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả. Huyện cũng khuyến khích các hộ nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ, đưa giống mới vào sản xuất; áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, đưa ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt chất lượng và đem lại giá trị cao.

Hướng đi này giúp Ðầm Hà nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, hướng đến trở thành vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Quảng Ninh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Vĩnh Khuyến cho biết: Ðể nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, huyện tiếp tục bám sát định hướng lâu dài về ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, tăng cường liên kết theo chuỗi nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, nhất là các sản phẩm mũi nhọn.

Đồng thời, huyện tăng cường quản lý quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung; tiếp tục triển khai đề án phát triển vùng cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và thực hiện tốt đề án phát triển rừng trồng, rừng gỗ lớn.

Hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm được huyện Đầm Hà đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; bảo đảm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực, nhất là lợi thế về phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Huyện cũng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức thực hiện và quản lý tốt các quy hoạch ngành; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển sản xuất, hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bằng nhiều giải pháp hợp lý trong thực hiện quy hoạch và xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, Đầm Hà thu hút nhiều tập đoàn, công ty lớn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đầu tư vào địa bàn như: Tập đoàn Mavin, Công ty cổ phần Thực phẩm BIM, Công ty Khoa học-công nghệ Lucaci, Công ty cổ phần Funny Group...

Cùng với đó, huyện Đầm Hà đã xác định được vùng sản xuất tập trung trên biển với diện tích hơn 5.600 ha, quy hoạch diện tích trồng rừng gỗ lớn cùng sáu vùng sản xuất tập trung và tăng cường kết nối, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô đủ lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Thúc đẩy liên kết trong sản xuất

Xác định rõ thế mạnh của địa phương, huyện Đầm Hà tập trung chỉ đạo xây dựng, phát triển theo hình thức liên kết các hợp tác xã với các hộ nông dân từ khâu lựa chọn giống, sản xuất hữu cơ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Tằng Vằn Tềnh, nông dân xã Quảng Lâm cho biết: “Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, gia đình canh tác cây địa liền và cây quế đạt hiệu quả kinh tế cao và cho thu nhập hằng năm hơn 150 triệu đồng”. Kết quả này tạo động lực khích lệ người dân trong xã mạnh dạn chuyển sang sản xuất tập trung, góp phần đa dạng hóa sản phẩm của địa phương và nâng cao thu nhập.

Hiện nay, các hộ nông dân ở Đầm Hà đã cùng nhau hình thành các hợp tác xã sản xuất tập trung và phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Đầm Hà được triển khai từ năm 2017. Đến nay, sản phẩm dưa lưới Quảng Tân với chất lượng chuẩn, sạch, gắn mã vạch, mã vùng bảo đảm truy xuất nguồn gốc, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận; mỗi năm cung cấp cho thị trường sản lượng khoảng 100 tấn.

Giám đốc Nguyễn Hữu Nhượng cho biết: “Thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao sản lượng và đầu tư xây dựng nhà màng bảo đảm các chuẩn kỹ thuật cao gắn với quy trình chăm sóc khép kín, thông minh để đưa sản phẩm dưa lưới Đầm Hà vươn ra thị trường nước ngoài”.

Những năm qua, Hợp tác xã Tuyền Hiền ở xã Quảng Tân đã tiên phong trong việc triển khai nhân giống gà râu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, áp dụng quy trình chăn nuôi trong nhà lạnh, đồng thời liên kết với 200 hộ nông dân chăn thả theo quy trình tiên tiến. Đến nay, quy mô sản xuất của hợp tác xã đã được mở rộng, mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 250.000 con gà giống và 150 tấn gà thương phẩm đem lại doanh thu chục tỷ đồng.

Còn rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm mới, mang lại giá trị kinh tế cao được người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đầm Hà đầu tư triển khai thực hiện hiệu quả. Có thể kể đến các mô hình: Trồng nho Hạ đen của Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Việt Huyền, nuôi cá giống của Hợp tác xã Bắc Việt; trồng na tại xã Tân Lập; trồng chanh leo của Hợp tác xã Trường Giang…

Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, huyện Đầm Hà tích cực tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ tư duy trong sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Huyện định hướng cho người dân, doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương như: Gà bản, củ cải, lạc Đầm Hà; khoai lang, ngan sao, trứng vịt biển, địa liền… góp phần tăng tỷ trọng ngành nông nghiệp của huyện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội bền vững.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Vĩnh Khuyến cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trọng điểm, đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn tạo ra giá trị cao, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”.