Từ nông thôn mới đến đô thị di sản

Sau gần 15 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Ninh Bình đạt được những kết quả ấn tượng: 100% số huyện, thành phố hoàn thành xây dựng NTM; toàn bộ 119 xã được công nhận đạt chuẩn. Từ đó, hàng trăm thôn, xóm, bản dần chuyển mình, trở thành những miền quê đáng sống với hạ tầng khang trang, đời sống người dân ngày một nâng cao.
0:00 / 0:00
0:00
 Từ nông thôn mới đến đô thị di sản

Kết quả nêu trên không chỉ là điểm sáng trong thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước mà còn là nền tảng vững chắc để Ninh Bình hướng đến mục tiêu trở thành “Thành phố trực thuộc Trung ương mang bản sắc đô thị di sản thiên niên kỷ” vào năm 2035.

Những kết quả ấn tượng

Năm 2010, khi chương trình xây dựng NTM chính thức khởi động, nhiều địa phương ở Ninh Bình vẫn còn là những vùng quê nghèo với hạ tầng cũ kỹ, thu nhập bình quân thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Sau 15 năm, bằng sự nỗ lực liên tục của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của người dân, bức tranh nông thôn Ninh Bình đã dần đổi khác. Toàn tỉnh có 7/7 huyện, thành phố đạt chuẩn hoặc hoàn thành xây dựng NTM, trong đó có 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; tất cả 119 xã đạt chuẩn NTM, với 76 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 42%) và 18 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 15%). 560 trong số 1.355 thôn, xóm, bản (tương đương tỷ lệ 41%) đã về đích NTM kiểu mẫu, tạo ra những không gian sống văn minh, tươi đẹp... Đồng chí Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết: “Chúng tôi xác định, xây dựng NTM không chỉ là hoàn thành các tiêu chí cứng về hạ tầng, mà là thay đổi chất lượng sống của người dân. Mỗi con đường hoa, mỗi nhà văn hóa, mỗi sân thể thao khang trang đều là thành quả của sự vào cuộc đồng bộ, của sự lắng nghe và huy động trí tuệ của nhân dân”. Về xã Khánh Thiện (huyện Yên Khánh), một trong những địa phương đạt chuẩn NTM kiểu mẫu sớm của tỉnh, dễ dàng bắt gặp những đoạn đường hoa dài rực rỡ, trường học cao tầng khang trang, hệ thống thoát nước bài bản và các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống cộng đồng. Trên cánh đồng, người dân vận hành máy móc hiện đại thay cho cảnh lao động thủ công ngày nào. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Khánh Phạm Ngọc Hải cho rằng: “Thành công hôm nay đến từ sự thay đổi trong tư duy và cách làm. Chúng tôi coi người dân là trung tâm, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gắn với bảo tồn cảnh quan. Vì thế, NTM kiểu mẫu không là hình thức mà là nội dung thực chất”. Tại huyện Yên Mô, người dân được thụ hưởng một cuộc sống tốt hơn rất nhiều từ NTM. Chị Nguyễn Thị Hòa ở xã Yên Thành bộc bạch: Qua mỗi năm lại thấy quê mình có nhiều đổi mới. Trước kia đường làng lầy lội, giờ bê-tông hóa, có đèn chiếu sáng. Trẻ em có sân chơi, người già có nơi tập dưỡng sinh, còn chúng tôi thì yên tâm làm ăn, không phải rời quê lên phố kiếm sống như trước.

Xu thế phát triển mới

Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM, Ninh Bình đang bước vào giai đoạn mới với mục tiêu xây dựng các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu toàn diện và bền vững. Tỉnh đã lồng ghép hiệu quả chương trình này vào Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050-một bản quy hoạch hướng đến phát triển đồng bộ giữa đô thị và nông thôn, khai thác giá trị văn hóa - sinh thái đặc sắc để hình thành Đô thị di sản thiên niên kỷ mang bản sắc riêng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình Nguyễn Lan Anh cho hay, chương trình NTM đang tạo ra nền tảng để nâng cấp hạ tầng đồng bộ, từ nông thôn lên đô thị. Việc xây dựng NTM kiểu mẫu giờ đây gắn liền với du lịch nông thôn, kinh tế xanh, chuyển đổi số và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Đây cũng chính là bước đệm quan trọng để Ninh Bình từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Trên thực tế, những xã như Khánh Thành (Yên Khánh), Ninh Hải (Hoa Lư), hay Yên Thành (Yên Mô) đang được định hướng trở thành “điểm nhấn nông thôn thông minh”, ứng dụng công nghệ số vào quản lý, sản xuất nông nghiệp và quảng bá văn hóa bản địa. Nhiều xã ven Tràng An đã khai thác hiệu quả du lịch cộng đồng, giữ gìn các nghề truyền thống như thêu ren, làm đá mỹ nghệ, làm mắm tép, thuốc nam... Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công cuộc xây dựng NTM ở Ninh Bình vẫn còn không ít khó khăn: Sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng, miền; tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm; nguy cơ mai một các giá trị truyền thống trong quá trình hiện đại hóa... Tuy nhiên, vượt lên thách thức, điều đáng quý ở Ninh Bình là sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền đến mỗi người dân. Đây là điểm tựa để địa phương tiếp tục nâng tầm chất lượng NTM gắn với các chiến lược dài hạn như phát triển kinh tế xanh, xây dựng đô thị thông minh, định hình bản sắc văn hóa vùng. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng cho biết: “Xây dựng NTM là quá trình liên tục. Định hướng lớn của tỉnh là kết nối nông thôn với đô thị, bảo tồn với phát triển, quá khứ với tương lai. Đó là con đường đi lên của một đô thị di sản, nơi hài hòa giữa thiên nhiên, con người và bản sắc văn hóa”. Chương trình xây dựng NTM ở Ninh Bình không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo và tự lực trong mỗi người dân. Những con đường hoa nở rực rỡ, những ngôi trường mới xây, những thiết chế văn hóa cộng đồng... không đơn thuần là công trình vật chất, mà còn là biểu tượng của một cuộc sống mới đang ngày càng tốt đẹp hơn.