Những miền quê thanh bình, đáng sống

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng sự đoàn kết, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) tiến hành xây dựng nông thôn mới nâng cao không chỉ nhằm kiến tạo những xóm làng sáng-xanh-sạch-đẹp, mà còn chú trọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, để nơi đây trở thành miền quê đáng sống...
0:00 / 0:00
0:00
Một đường quê khang trang sạch đẹp tại Nam Điền, Nam Trực.
Một đường quê khang trang sạch đẹp tại Nam Điền, Nam Trực.

Bí thư Huyện ủy Nam Trực Lưu Quang Tuyển cho biết, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ không có điểm dừng, Đảng bộ, chính quyền huyện Nam Trực đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 16/8/2021 về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, đề ra nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Huyện Nam Trực đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong toàn huyện, người dân thật sự là chủ thể của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, diện mạo nông thôn được đổi mới, ngày càng khang trang, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Ở đây, hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư cụ thể với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương. Văn hóa, xã hội phát triển, môi trường được bảo vệ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững.

Huyện có 10/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 5/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn toàn bộ 9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt đạt 135,58 triệu đồng; thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn tăng mạnh so với thời kỳ đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới, cụ thể là năm 2018 thu nhập đạt 41,2 triệu đồng/người/năm, năm 2024 đạt hơn 74,5 triệu đồng/người/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 2,78% vào năm 2018 xuống còn 1,08% vào năm 2024; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2024 đạt 95,10%. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa từ cấp thôn, cấp xã, cấp huyện và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn các xã phát triển với nhiều thành tích nổi trội.

Huyện Nam Trực quán triệt quan điểm: Xây dựng nông thôn mới nâng cao cốt lõi là phải mang lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, hạnh phúc không chỉ được đo bằng “cơm ngon áo đẹp” mà trước hết phải yên lành. Vì vậy, cùng với phát triển kinh tế, huyện phát động, triển khai sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”, các phong trào xây dựng “xóm văn hóa”, “gia đình văn hóa”; “đơn vị, cơ quan đạt chuẩn văn hóa”. Nhiều giải pháp, mô hình, việc làm cụ thể, thiết thực đã được triển khai, phát huy hiệu quả ở cộng đồng dân cư, lan tỏa sâu rộng.

Đơn cử, 17/17 xã của huyện Nam Trực xây dựng và duy trì hoạt động “mô hình phòng, chống bạo lực gia đình”. Trên địa bàn 17 xã đã thành lập hơn 200 địa chỉ tin cậy cộng đồng tại gia đình, thường xuyên nắm bắt tình hình, tuyên truyền pháp luật, chia sẻ khó khăn, tham gia “hóa giải” những khúc mắc ngay khi mới phát sinh. Nhờ đó, trong những năm gần đây, trên địa bàn không có vụ việc bạo lực gia đình; 100% xóm được công nhận xóm văn hóa, 92,23% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trực Lưu Văn Dũng cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện gặp một số khó khăn, vướng mắc vốn đã có từ nhiều năm, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Đó là Khu xử lý rác thải thị trấn Nam Giang do Công ty Môi trường Xanh Nam Trực quản lý vận hành luôn trong tình trạng quá tải, rác thải tập kết ùn ứ, không bảo đảm tiêu chí về môi trường; hệ thống cây xanh, tường rào, mương thu gom nước rỉ rác còn hạn chế cần được bổ sung, thay thế. Với quyết tâm cao, huyện Nam Trực đã tập trung chỉ đạo Công ty Môi trường Xanh Nam Trực và 5 xã liên quan tập trung khắc phục để đáp ứng tiêu chí môi trường đối với Khu xử lý rác thải Nam Giang.

Hay như tại làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh, kho chứa chất thải nguy hại đã bị hư hỏng phần mái; nhà máy xử lý nước thải bị ăn mòn không hoạt động được; hồ điều hòa, sông Trục, sông Hàng, sông Ba Cồn quanh làng đều quá tải, ô nhiễm do nước thải làng nghề. Huyện đã tập trung chỉ đạo xã Nam Thanh, các phòng, ban, các cơ quan của huyện xử lý hiện trường làng nghề; đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi ngành nghề và di chuyển các hộ ra khỏi làng nghề.

Để “gỡ khó” cho huyện, tỉnh Nam Định đã quyết định thành lập Cụm công nghiệp Nam Thanh, trên địa bàn xã Nam Thanh. Cụm công nghiệp này có diện tích 50 ha, sẽ tập trung cho các ngành nghề sản xuất cơ khí, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, cơ khí đúc, luyện thép…, tạo điều kiện để huyện từng bước chuyển các cơ sở của làng nghề Bình Yên ra cụm công nghiệp, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm. Điều này sẽ góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường và phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho người dân một cách bền vững.